Trước và sau thời khắc giao thừa năm Tân Sửu, khu vực TP Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) pháo nổ rền vang, kéo dài hàng chục phút, bất chấp lệnh cấm.
Theo ghi nhận của Zing, dọc quốc lộ 1, đường Trần Phú, Ngô Quyền, khu vực cầu Cày… thuộc xã Thạch Trung, Thạch Hạ (TP Hà Tĩnh) và huyện Thạch Hà có hàng chục điểm bắn pháo hoa tự phát, liên tục trong khoảng 30 phút, gồm cả pháo tầm thấp và tầm cao.
Người dân địa phương cho hay việc pháo nổ đêm giao thừa không còn xa lạ với họ. Tuy nhiên, pháo nổ khắp nơi khiến người đi đường giật mình.
Trao đổi với Zing.vn, thiếu tá Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng công an TP Hà Tĩnh, cho biết cận Tết, công an cùng chính quyền địa phương dùng loa phát thanh đi tuyên truyền, phòng chống pháo nổ và triển khai các biện pháp ngăn chặn song tình trạng pháo nổ tự phát đêm giao thừa vẫn diễn ra.
“Lực lượng đã triển khai hơn 1.000 người cả công an và chính quyền, gấp 3 lần các năm trước cùng tham gia chống pháo nổ dịp Tết. Hai tháng trước Tết, công an cũng đã tuyên truyền đến tận nhà, vận động người dân nộp hơn 2.000 quả pháo bi các loại. Việc xử lý pháo không thể làm triệt để mà chỉ hạn chế ở mức tối đa”, thiếu tá Hùng thông tin.
Dọc quốc lộ 1 qua TP Hà Tĩnh pháo nổ rực trời. Ảnh: P.T. |
Một lãnh đạo Công an huyện Thạch Hà cũng thừa nhận tình trạng pháo nổ ở nhiều nơi trên địa bàn và cho biết cán bộ đơn vị đang kiểm tra, xử lý những người vi phạm.
"So với các năm, năm nay pháo giảm nhiều. Công an cũng đã quay phim, chụp ảnh và triệu tập những người vi phạm để xử lý. Việc công an chính quy về xã đã tạo nên hiệu quả hơn trong vấn đề tuyên truyền, xử lý vi phạm về pháo nổ”, vị lãnh đạo này nói.
Tại các huyện Hương Khê, Nghi Xuân, Can Lộc… tình trạng pháo nổ vẫn diễn ra. Lực lượng chức năng đang tổng hợp, tìm người vi phạm để xử lý.
Giữa tháng 1, Hà Tĩnh có văn bản đồng ý để thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và thị xã Kỳ Anh tổ chức bắn pháo hoa đêm giao thừa bằng nguồn kinh phí xã hội hóa và do địa phương tự vận động.
Đến ngày 5/2, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành văn bản chỉ đạo không tổ chức bắn pháo hoa và các hoạt động tập trung đông người để thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh và tiết kiệm nguồn lực để chăm lo, bảo đảm Tết cho nhân dân cũng như công tác chống dịch.
Ngày 9/2, Bộ trưởng Công an có công điện yêu cầu công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết liệt phòng ngừa, ngăn chặn sử dụng pháo trái phép dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Theo chỉ đạo này, giám đốc công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng nếu để tình hình sử dụng pháo phức tạp trong dịp Tết năm nay.
Người đứng đầu Bộ Công an giao Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra chỉ đạo công an các cấp khẩn trương khởi tố, điều tra các vụ án liên quan pháo; phối hợp với VKSND và TAND áp dụng Điều 456 Bộ luật tố tụng Hình sự điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục rút gọn và xét xử lưu động để răn đe.
Theo Bộ Công an, 15 địa phương trọng điểm về pháo gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Lào Cai, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Bình, Quảng Trị, Bắc Giang, Hà Giang, An Giang, Cao Bằng.