SLNA đang đứng cuối bảng xếp hạng V.League 2021 và đối mặt nguy cơ tụt hạng ở mùa giải sau. Song, đội bóng xứ Nghệ lại đang có những dấu hiệu tích cực bắt đầu từ việc giữ chân Phan Văn Đức.
Hào quang quá khứ
SLNA chưa từng phải xuống hạng. Họ đã có ba lần vô địch quốc gia (cả trước và sau khi V.League được khai sinh năm 2000).
Nhiều năm liền, SLNA chứng kiến cảnh trụ cột mùa trước ra đi rồi lứa kế cận lại lấp vào khoảng trống rồi tỏa sáng.
Sau Dương Hồng Sơn, xứ nghệ có Nguyên Mạnh. Khi Huy Hoàng rời đội bóng, Quế Ngọc Hải trở thành thủ lĩnh nơi hàng thủ. Trước khi Văn Đức được trao cơ hội và tỏa sáng, sân Vinh là đất diễn của Phi Sơn.
Quế Ngọc Hải là hạt nhân trong thành công của Viettel. Ảnh: Việt Linh. |
Nhìn rộng hơn, đấu trường bóng đá cao nhất Việt Nam chưa bao giờ vắng bóng những cầu thủ xứ Nghệ. Thậm chí, họ còn là ngôi sao hàng đầu ở mỗi đội bóng mình khoác áo.
Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội), giai đoạn "1.0" thăng hoa với sự đóng góp một phần của những cựu cầu thủ SLNA. Công vinh và Dương Hồng Sơn là điển hình. Đương kim vô địch Viettel cũng nhờ Quế Ngọc Hải, Nguyên Mạnh, Trọng Hoàng và Khắc Ngọc, những người từng khoác áo SLNA, để lên ngôi ở mùa giải 2020.
CLB Bình Dương giai đoạn 2013-2015 thăng hoa ở các đấu trường quốc nội khi trong đội hình có bộ ba cầu thủ gốc Nghệ An Âu Văn Hoàn, Trọng Hoàng, Văn Bình và Công Vinh.
Thời kỳ SLNA ở đỉnh cao, sân Vinh là nơi đi dễ khó về với bất cứ đội bóng nào. CLB Quân Đội (tên gọi khác của Thể Công) năm 1998 với 9 tuyển thủ quốc gia, luôn sợ phải đến thành Vinh đối đầu với Hữu Thắng hay Quang Trường.
Năm 2011, Hà Nội T&T với dàn hảo thủ dưới sự dẫn dắt của HLV Phan Thanh Hùng không thể bảo vệ thành công chức vô địch khi phải đối đầu SLNA trên sân Vinh ở vòng đấu cuối. Đó cũng là mùa giải đội bóng xứ Nghệ lên ngôi vô địch.
Chảy máu tài năng
Điều đáng tiếc với đội bóng xứ Nghệ là dù tài năng không thiếu, SLNA đang dần tụt lại so với mặt bằng V.League, kể từ chức vô địch V.League 2011.
SLNA từng là đội bóng đi đầu với tư duy xuất khẩu cầu thủ, khi cả làng bóng nội còn đang loay hoay với bài toàn tìm kiếm và đào tạo nhân sự. Những cái tên xuất phát từ đội bóng xứ Nghệ chưa bao giờ hết "hot" trên thị trường chuyển nhượng.
Song, SLNA không thể tận dụng lợi thế về xuất phát điểm trong tư duy làm bóng đá. Họ đi vào lối mòn và dần tụt hậu trong khi các đối thủ cập nhật từng ngày và tiếp cận gần hơn với quốc tế. Trong khi Viettel, CLB Hà Nội hay PVF đang cập nhật sự tân tiến mỗi ngày, SLNA dường như chấp nhận với sự ì ạch, thiếu sự linh hoạt và mãi không chịu chuyển mình.
Hình ảnh SLNA ăn mừng như thế này ngày một ít xuất hiện hơn. Ảnh: Việt Linh. |
Sân Vinh không dưới một lần đứng trước nguy cơ không được tổ chức các trận đấu do không đạt yêu cầu tối thiểu. Sân tập của đội một SLNA xuống cấp nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều thời điểm, các đội trẻ phải đứng chờ đội lớn tập xong mới đến lượt.
Mỗi mùa giải trôi qua, "chuyện cũ" giữ chân trụ cột lại được đem ra bàn luận. Kịch bản để tài năng ra đi vẫn diễn ra thường niên, đến mức việc chảy máu tài năng ở xứ Nghệ dần được coi như chuyện nghiễm nhiên, dù không ít người sẵn sàng đánh đổi để tiếp tục khoác áo đội bóng quê hương. Trường hợp Trọng Hoàng mất cả giai đoạn lượt đi mùa giải 2019 là ví dụ.
Mộng lấy lại vị thế ở xứ Nghệ
Khi giai đoạn một V.League 2021 còn chưa kết thúc, SLNA đã giữ chân cầu thủ quan trọng nhất của họ hiện tại - Phan Văn Đức. Vai trò của tiền vệ sinh năm 1996 ở sân Vinh là quá lớn, đến mức HLV Ngô Quang Trường không ít lần cho rằng đội bóng của ông đang phụ thuộc vào cầu thủ này.
Bộ sậu lãnh đạo vốn mang nhiều tiếng là trì trệ, không bắt kịp thời đại cũng nói lời chia tay, mở ra kỷ nguyên mới nhiều hứa hẹn với SLNA trong tương lai. Trước khi những biến động ở thượng tầng xảy ra, năm lần bảy lượt vấn đề cải tạo sân Vinh đã được nhắc đến. Song, tất cả dần trôi vào quên lãng.
Việc giữ chân Phan Văn Đức là động thái rõ ràng đầu tiên trong tham vọng đưa bóng đá xứ Nghệ trở lại vị thế đỉnh cao. Ảnh: SLNA. |
Đến khi lãnh đạo tỉnh Nghệ An hạ quyết tâm phải nâng cấp sân Vinh cũng là thời điểm những người cũ ở SLNA nói lời chia tay, việc được nhiều người chờ đợi lâu nay. Các hạng mục cải tạo, nâng cấp, thay thế ở sân Vinh cũng bắt đầu được triển khai với sự chung tay của một đơn vị chuyên về nông sản.
Họ cũng là bên góp phần lớn trong việc giữ chân Phan Văn Đức đến hết mùa giải 2024. Nhiều khả năng, đội bóng xứ Nghệ sẽ được chuyển giao cho đội bóng này trong thời gian tới nếu mọi việc suôn sẻ. Tiền sẽ không còn là vấn đề níu sự phát triển của đội bóng xứ Nghệ như những phát biểu của đội ngũ lãnh đạo cũ ở đội bóng này.
Sắp tới, những cầu thủ có đóng góp lớn khác, cũng sẽ được đội bóng đặt vấn đề gia hạn hoặc tái ký hợp đồng. Trong thông báo phát đi về việc giữ chân Phan Văn Đức, đơn vị này đã khẳng định nếu việc tiếp quản hoàn thành thì: "Ban Lãnh đạo mới cũng khẳng định hướng đến mục tiêu cuối cùng là đưa Sông Lam Nghệ An nỗ lực hết sức, cạnh tranh minh bạch và dần lấy lại vị thế, lòng tin của người hâm mộ tỉnh nhà nói riêng và người hâm mộ cả nước nói chung".
Đó cũng là điều người hâm mộ xứ Nghệ chờ đợi bấy lâu nay.