There's No One At All có tuổi thọ ngắn ngủi khi chưa đầy 24 giờ kể từ lúc phát hành đã bị gỡ khỏi nền tảng YouTube Việt Nam và sau đó là quốc tế. Ra đời trong bối cảnh nhạy cảm khi hàng loạt vụ tự sát ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam xảy ra, hình ảnh nhân vật nam tự tử trong 5 giây cuối của MV khiến Sơn Tùng và công ty nhận phản ứng gay gắt của dư luận cùng mức phạt 70 triệu đồng.
Đến thời điểm này, các nhãn hàng, thương hiệu mà Sơn Tùng làm đại diện, quảng cáo giữ động thái im lặng. Theo các chuyên gia, các công ty có thể đang ở giai đoạn đánh giá mức độ ảnh hưởng tiêu cực của There's No One At All để đưa ra phương án giải quyết tốt nhất.
"Các nhãn hàng sẽ chọn cách im lặng. Tuy nhiên, họ sẽ cân nhắc, để ý nhiều hơn nếu định mời Sơn Tùng làm đại diện ở các cơ hội hợp tác trong tương lai", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định.
Phản ứng từ nhãn hàng sau sự việc của Sơn Tùng
Tại thị trường Việt Nam, Sơn Tùng được mệnh danh là "ông hoàng quảng cáo". Ở giai đoạn đỉnh cao, cụ thể là vào năm 2020, theo thống kê, nam ca sĩ Hãy trao cho anh được mời hợp tác quảng bá sản phẩm/dịch vụ cho khoảng 12 doanh nghiệp và thương hiệu.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, con số rút xuống còn 9 doanh nghiệp, thương hiệu. Cụ thể, nam ca sĩ được mời hợp tác quảng bá sản phẩm cho hãng điện thoại Oppo, Gojek, Acecook, sâm Ngọc Linh, TP Bank, Tiger, Elsa Speak, Lazada, Garena Free Fire. Và sau khi MV của Sơn Tùng bị gỡ, các nhãn hàng, thương hiệu vẫn giữ động thái im lặng.
Ngày 9/5, trao đổi với Zing, ông Trần Đức An - Tổng giám đốc công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh - cho biết công ty không thay đổi người đại diện sau vụ việc Sơn Tùng bị xử phạt vì MV chứa nội dung tiêu cực.
Trước câu hỏi Sơn Tùng có phải bồi thường vì vụ việc vừa qua có thể ảnh hưởng đến nhãn hàng, ông Trần Đức Anh cho hay: "Đối với Sơn Tùng, cậu ấy cũng cầu thị và gỡ MV đó nên chúng tôi để phía Sơn Tùng tự xử lý rồi trao đổi sau. Hiện chúng tôi vẫn hợp tác bình thường".
Phóng viên Zing liên hệ với đại diện của Tiger và Lazada nhưng chưa phản hồi.
Theo chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh, việc các nhãn hàng tại Việt Nam chọn cách im lặng sau sự việc của Sơn Tùng là điều dễ hiểu. Ông cho biết ở nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, khi nghệ sĩ vướng scandal đời tư, sự nghiệp, các nhãn hàng lập tức có động thái quyết liệt. Họ sẵn sàng thay thế người mẫu quảng cáo nếu đại diện hình ảnh vướng bê bối nặng.
Sơn Tùng là đại sứ của nhiều nhãn hàng tại Việt Nam. Ảnh: Phương Lâm. |
Ở Việt Nam, thị trường chưa đủ lớn, khán giả chưa tẩy chay gay gắt nên hình ảnh của thương hiệu ảnh hưởng trầm trọng bởi nghệ sĩ là điều hiếm khi xảy ra. Một khi doanh nghiệp chưa ảnh hưởng bởi doanh thu, họ vẫn chọn cách im lặng và tiếp tục hợp tác với nghệ sĩ đó.
"Ở nước ngoài, có những trường hợp scandal của nghệ sĩ làm sản phẩm, thậm chí là thương hiệu của nhãn hàng sụp đổ, ảnh hưởng đến doanh thu. Như câu chuyện phong sát ở Trung Quốc thời gian qua cho chúng ta thấy rõ các nhãn hàng sợ scandal của nghệ sĩ ra sao. Ở Việt Nam, điều đó chưa xảy ra nhưng trong tương lai, khi ngành công nghiệp giải trí đủ lớn và ảnh hưởng sâu tới đại chúng, chắc chắn sẽ diễn ra", chuyên gia này cho biết.
Nghệ sĩ và nhãn hàng ràng buộc bằng hợp đồng
Bà Ngọc Anh - Giám đốc công ty Thai An Star, cố vấn truyền thông của một tập đoàn bất động sản lớn, quản lý nhiều nghệ sĩ như Bằng Kiều, Hiếu Nguyễn, cầu thủ Anh Đức - cho biết các doanh nghiệp thường thông qua agency (đại lý - PV), để mời các nghệ sĩ làm đại diện, hợp tác quảng cáo sản phẩm.
Các agency này có trách nhiệm thẩm định, chọn lọc và đưa ra danh sách nghệ sĩ để doanh nghiệp chọn lựa gương mặt đại diện.
Khi ký kết hợp đồng, nhãn hàng và nghệ sĩ luôn ràng buộc bằng các điều khoản, yêu cầu người nổi tiếng phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh cá nhân. Họ có thể chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nghệ sĩ xảy ra scandal.
"Hợp đồng giữa hai bên càng lớn, ràng buộc càng cao. Trong quá trình làm việc, nếu nghệ sĩ để xảy ra bê bối, ảnh hưởng đến hợp đồng thì sẽ xử lý theo các điều khoản. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nghệ sĩ không nên im lặng, họ phải có động thái xin lỗi khán giả và chủ động nhận trách nhiệm với nhãn hàng", bà Ngọc Anh trao đổi thêm.
Ở Việt Nam, các nhãn hàng không quyết liệt khi nghệ sĩ vướng scandal. Ảnh: Bá Ngọc. |
Cùng quan điểm, anh Phạm Thế Anh - người nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nghiên cứu thị trường, kết nối doanh nghiệp và nghệ sĩ - phân tích khi nghệ sĩ là đại sứ thương hiệu vướng scandal, doanh nghiệp phải xác định mức độ nghiêm trọng và lĩnh vực lỗi mà đại sứ thương hiệu mắc phải là gì: Tính mạng con người (gây tai nạn, giết người), vi phạm pháp luật (buôn lậu, đi xe quá tốc độ), thuần phong mỹ tục (ngoại tình, gây gổ nơi công cộng), lĩnh vực chuyên môn (nghi án đạo nhạc, ứng xử với đồng nghiệp) hay cá nhân (tranh cãi trong gia đình, phát ngôn thiếu chuẩn mực)…
Sau đó, tùy vào tính độ lượng của xã hội vào thời điểm xảy ra sự việc cũng như phản ứng của công chúng với lỗi lầm ấy để đưa ra quyết định.
Anh cho biết thêm một số doanh nghiệp quyết định không bỏ rơi đại sứ thương hiệu của mình lúc khó khăn nên chấp nhận nguy cơ rủi ro để tiếp tục hợp tác.
Khi có động thái tẩy chay từ người tiêu dùng, các doanh nghiệp có thể vẫn kiên trì giữ vững quan điểm và tiếp tục sử dụng hình ảnh quảng cáo đó, nếu như sự việc xảy ra phù hợp với các giá trị của doanh nghiệp, hoặc hướng đến các giá trị nhân văn, phổ quát như bình đẳng giới, nhân quyền, bảo vệ môi trường, chống lạm dụng...
"Việc dùng hình ảnh người nổi tiếng để tăng nhận biết về thương hiệu và sản phẩm, hỗ trợ bán hàng, các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận nguy cơ bị ảnh hưởng tới hình ảnh thương hiệu bởi không ai là hoàn hảo. Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam luôn chấp nhận nguy cơ rủi ro để không bỏ rơi mà tiếp tục làm việc với người nổi tiếng đang vướng vào rắc rối", anh nói thêm.
Xu hướng chọn nghệ sĩ thay đổi theo thời gian
Ông Hồng Quang Minh cho biết mỗi thương hiệu có một tiêu chí riêng cho hình ảnh tổng thể hay sản phẩm trong từng thời điểm. Nhưng về cơ bản, các doanh nghiệp đều muốn tìm các gương mặt đại diện có sự tương đồng.
"Mỗi chiến dịch quảng cáo là một đối tượng trung chuyển của sản phẩm với khách hàng. Vì thế, gương mặt đại diện là yếu tố đặc biệt quan trọng trong khâu đó. Tất nhiên, độ nổi tiếng, chi phí của nghệ sĩ là điều kiện cần và đủ để nhãn hàng chọn lựa", anh cho biết.
Theo bà Ngọc Anh, các tiêu chí này có sự thay đổi theo thời gian. Doanh nghiệp cũng đòi hỏi cao hơn khi quyết định hợp tác với nghệ sĩ. Hiện nay, các nhãn hàng yêu cầu nghệ sĩ phải có thành tích nổi bật, tâm huyết với nghề nghiệp của mình và nền tảng văn hóa, đạo đức tốt.
"Trước một danh sách dài nghệ sĩ để chọn lựa hợp tác, tôi thường phải nghiên cứu rất kỹ. Để chọn ra người xứng đáng, tôi phải cập nhật các thông tin về họ trong khoảng thời gian dài. Chuyên môn của họ ra sao, có đầu tư trong công việc hay không, hình ảnh trước công chúng, các mối quan hệ liên quan, mức độ tương quan... Nghệ sĩ nào càng tiệm cận những giá trị này sẽ càng được doanh nghiệp chọn lựa", bà cho biết.
Trở lại với câu chuyện của Sơn Tùng M-TP và MV There's No One At All bị tẩy chay vì có hình ảnh tự tử, anh Phạm Thế Anh chia sẻ thời điểm này, các nhãn hàng, thương hiệu đang đánh giá mức độ ảnh hưởng tiêu cực của sự việc để có phương án giải quyết tốt nhất.
"Các nhãn hàng đang hợp tác với Sơn Tùng chưa chịu mức ảnh hưởng quá lớn đến trực tiếp nhóm sản phẩm nào. Tuy nhiên, sự việc này là nhạy cảm và các nhãn hàng sẽ cân nhắc, để ý hơn nếu có ý định mời nam ca sĩ làm đại diện ở các cơ hội hợp tác trong tương lai", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh trao đổi.
MV của Sơn Tùng bị gỡ vì chứa hình ảnh tự tử. |
Sau sự việc của Sơn Tùng, các chuyên gia nhận định nghệ sĩ khi có cơ hội làm đại sứ cho nhãn hàng cần phải hình thành lối sống khoa học, trách nhiệm xã hội, trau dồi kiến thức và trải nghiệm sản phẩm của nhãn hàng mà mình đại diện.
"Về cơ bản, mỗi nghệ sĩ phải tự ý thức được hình ảnh thương hiệu của mình đang ở mức độ nào. Đa số các nghệ sĩ Việt không ý thức được điều này. Với họ, có nhãn hàng tiếp cận và ký kết là thành công rồi. Nhiều nghệ sĩ ký với các nhãn hàng khác biệt hoàn toàn về đặc tính thương hiệu sản phẩm, họ cũng không quan tâm, không từ chối. Thương hiệu cá nhân của nghệ sĩ là cái phải được xây dựng trước khi đem đi bán", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh khẳng định.