Đầu năm 2023, các giám đốc phần mềm hàng đầu của Apple quyết định rằng Siri, trợ lý ảo của công ty, cần một ca "phẫu thuật não".
Quyết định này đến sau khi Craig Federighi và John Giannandrea, 2 phó chủ tịch phụ trách mảng phần mềm và trí tuệ nhân tạo, dành nhiều tuần để kiểm tra chatbot ChatGPT của OpenAI. Trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) có khả năng viết thơ, tạo code máy tính và trả lời các câu hỏi phức tạp, khiến Siri trông lỗi thời, New York Times dẫn 2 nguồn ẩn danh biết rõ về nội bộ Apple.
Dự án tối quan trọng
Ra đời năm 2011, trong nhiều năm Siri chỉ giới hạn ở các yêu cầu riêng lẻ và không thể theo dõi một cuộc trò chuyện. Nó thường hiểu sai các câu hỏi. Ngược lại, ChatGPT biết rằng nếu ai đó hỏi thời tiết ở San Francisco và sau đó nói "còn New York thì sao", người dùng muốn biết dự báo thời tiết ở thành phố khác.
Nhận thức rằng công nghệ mới đã vượt qua Siri khiến Táo khuyết thực hiện việc tái tổ chức lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua. Quyết tâm bắt kịp cuộc đua AI, Apple đã đưa Generative AI thành một dự án mũi nhọn - nhãn nội bộ đặc biệt của công ty mà họ sử dụng để tổ chức nhân viên xoay quanh các dự án tối quan trọng.
Apple sẵn sàng tích hợp sâu hơn các sản phẩm AI như ChatGPT của OpenAI. Ảnh: Bloomberg. |
Apple dự kiến giới thiệu các thành quả của mình tại hội nghị dành cho nhà phát triển hàng năm (WWDC), diển ra ngày 10/6. Thứ được chờ đợi nhất là phiên bản Siri mới, có khả năng đối thoại và đa năng hơn, theo 3 nguồn tin. Công nghệ nền tảng của Siri sẽ bao gồm một hệ thống Generative AI, cho phép nó trò chuyện chứ không chỉ phản hồi từng câu hỏi một.
Cập nhật Siri là mũi nhọn trong nỗ lực AI rộng lớn hơn trên toàn bộ hoạt động kinh doanh của Apple. Các sản phẩm của Táo khuyết ra mắt gần đây đều được tăng bộ nhớ trong, trang bị chip mạnh nhất để hỗ trợ khả năng mới của Siri. Họ cũng đã thảo luận cấp phép các mô hình AI bổ sung mà các chatbot của một số công ty khác như Google, Cohere và OpenAI sử dụng.
Việc tập trung vào AI cũng được cho là lý do Apple sẵn sàng gạt bỏ nhiều dự án lớn khác, như xe điện đã phát triển 10 năm và tiêu tốn 10 tỷ USD, để chuyển các kỹ sư sang nghiên cứu AI.
Việc dồn lực vào AI được cho là nguyên nhân khiến Apple sẵn sàng cắt bỏ các dự án khác, bao gồm cả dự án xe. Ảnh: Bloomberg. |
Các giám đốc Apple lo ngại rằng công nghệ AI mới đe dọa thế thống trị của công ty trên thị trường smartphone toàn cầu vì nó có tiềm năng trở thành hệ điều hành chính, thay thế iOS của iPhone. Công nghệ mới này cũng có thể tạo ra một hệ sinh thái của các ứng dụng AI làm thay công việc, như đặt xe Uber hoặc lập lịch hẹn. Được gọi là các "agent", các trợ lý ảo kiểu mới này có thể ảnh hưởng tới Siri hoặc App Store của Apple, mảng mang lại 24 tỷ USD doanh thu hàng năm.
Apple cũng lo sợ rằng nếu không phát triển được hệ thống AI riêng, iPhone có thể trở thành "cục gạch" so với các công nghệ khác. Không có số liệu về số người thường xuyên sử dụng Siri, nhưng iPhone giúp Apple nắm giữ 85% lợi nhuận smartphone toàn cầu và tạo ra hơn 200 tỷ USD doanh thu.
Thay vì cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT bằng một chatbot làm những việc như viết thơ, Apple tập trung vào việc cải thiện khả năng xử lý các tác vụ mà Siri đang làm được, như bao gồm đặt đồng hồ báo thức, lập lịch hẹn và thêm mục vào danh sách mua sắm. Siri cũng sẽ có khả năng tóm tắt tin nhắn văn bản.
Thách thức của Apple
Tuy nhiên, Apple phải đối mặt với rủi ro khi dựa vào một hệ thống AI nhỏ hơn, chạy trực tiếp trên những chiếc iPhone thay vì một hệ thống mạnh mẽ hơn và chạy qua đám mây, là các trung tâm dữ liệu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các hệ thống AI nhỏ hơn có khả năng cao hơn gây ra các lỗi, được gọi là ảo giác, so với các hệ thống lớn.
Thông tin gần đây cho thấy Apple cũng nghiên cứu tạo ra các máy chủ sử dụng vi xử lý Apple M2, từng được đưa lên máy Mac và iPad. Làm như vậy có thể giúp Apple tiết kiệm chi phí và tạo ra tính nhất quán giữa các công cụ được sử dụng cho các quy trình trong đám mây và trên các thiết bị của họ.
"Tầm nhìn của Siri vẫn luôn là có một giao diện đối thoại hiểu được ngôn ngữ và ngữ cảnh, nhưng đó là một vấn đề khó," Tom Gruber, đồng sáng lập của Siri và từng làm việc tại Apple cho đến năm 2018, cho biết.
Apple có một số lợi thế trong cuộc đua AI. Hơn 2 tỷ thiết bị đang được sử dụng trên toàn thế giới sẽ là nơi họ có thể phân phối các sản phẩm AI. Công ty cũng có một đội ngũ bán dẫn hàng đầu, với nhiều sản phẩm thành công gần đây.
Siri không có nhiều thay đổi trong suốt 13 năm qua, hiện đang tụt lại trong cuộc chạy đua AI. Ảnh: Cnet. |
Nhưng trong thập kỷ qua, Apple đã vật lộn để phát triển một chiến lược AI toàn diện, và Siri không có cải tiến lớn kể từ khi ra mắt. Sự tụt lại của Siri làm giảm sức hấp dẫn của loa thông minh HomePod, vì nó không thể thực hiện nhất quán các tác vụ đơn giản như đáp ứng yêu cầu phát nhạc.
John Burkey, một thành viên của nhóm Siri tại Apple, sau đó là nhà sáng lập Brighten.ai, cho rằng nhóm Siri không nhận được sự quan tâm và nguồn lực như các nhóm khác bên trong Apple. Các bộ phận của công ty, như phần mềm và phần cứng, hoạt động độc lập với nhau và chia sẻ thông tin hạn chế. Nhưng AI cần sự kết hợp sâu vào sản phẩm để thành công. Burkey cho rằng AI đã trở thành "điểm mù" của Apple.
Apple cũng khó tuyển dụng và giữ chân các nhà nghiên cứu AI hàng đầu. Trong nhiều năm qua, họ đã mua lại các công ty AI do những người dẫn đầu trong lĩnh vực này điều hành, nhưng tất cả đều rời đi sau vài năm.
Lý do ra đi của họ khác nhau, nhưng một yếu tố là sự bí mật của Apple. Công ty xuất bản ít bài báo về AI so với Google, Meta và Microsoft, và họ không tham gia các hội nghị theo cùng cách như các đối thủ cạnh tranh của mình.
Trợ lý ảo kém hiệu quả là nguyên nhân khiến các sản phẩm khác của Apple như HomePod kém hấp dẫn. Ảnh: Apple. |
Ruslan Salakhutdinov, một nhà nghiên cứu AI hàng đầu cho rằng sự cởi mở trong nghiên cứu là lý do lớn khiến nhiều nhà khoa học muốn rời đi. Bản thân ông Salakhutdinov rời Apple vào năm 2020 để quay trở lại Đại học Carnegie Mellon.
Trong vài tháng gần đây, Apple đã gia tăng số lượng bài báo AI mà họ xuất bản. Nhưng giới nghiên cứu AI lại đặt câu hỏi về giá trị của những bài báo này, cho rằng chúng tạo ấn tượng rằng Apple đang nghiên cứu AI thay vì hé lộ những gì Apple có thể đưa ra thị trường.
Tsu-Jui Fu, tác giả một bài nghiên cứu AI gần đây của Apple, là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học California, Santa Barbara. Anh đã dành cả mùa hè năm ngoái để phát triển một hệ thống chỉnh sửa ảnh bằng cách viết lệnh thay vì sử dụng các công cụ như Photoshop. Fu cho biết Apple hỗ trợ dự án này bằng cách cung cấp cho anh nguồn GPU cần thiết để đào tạo hệ thống, nhưng anh không có bất kỳ tương tác nào với nhóm AI đang làm việc trên các sản phẩm của Apple.
Fu cho biết anh đã phỏng vấn cho các công việc toàn thời gian tại Adobe và Nvidia, nhưng dự định quay trở lại Apple sau khi tốt nghiệp, vì cho rằng mình có thể tạo ra sự khác biệt lớn hơn khi làm cho Táo khuyết.
"Sản phẩm và nghiên cứu AI đang là xu thế tại Apple, nhưng lại ở giai đoạn trưởng thành ở nhiều công ty khác. Tại Apple, tôi có thể có nhiều không gian hơn để dẫn dắt một dự án thay vì chỉ là thành viên của một nhóm đang làm điều gì đó", Fu chia sẻ với New York Times.
Đại diện của Apple không bình luận các thông tin về bài viết này.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn