Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Phán quyết của Toà Trọng tài ràng buộc Trung Quốc'

Nếu một bên không thực hiện phán quyết của Tòa Trọng tài, bên còn lại có thể dùng các biện pháp theo luật quốc tế để thúc đẩy việc tuân thủ, TS luật Phan Duy Hảo trả lời Zing.vn.

Tiến sĩ Phan Duy Hảo, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, trao đổi với Zing.vn về việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) quyết định xử vụ Philippines kiện Trung Quốc.

- Theo ông, việc Tòa Trọng tài trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc tuyên bố họ có đủ thẩm quyền xét xử có tác động thế nào đến vụ kiện?

Quyết định về thẩm quyền xét xử của PCA sẽ mở đường để họ xem xét các vấn đề về nội dung, bao gồm hai vấn đề quan trọng là tính pháp lý của “đường 9 đoạn” của Trung Quốc và quy chế của các cấu trúc địa lý tại Biển Đông.

Tiến sĩ Phan Duy Hảo, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Luật quốc tế, Đại học quốc gia Singapore. Ảnh: NVCC

- Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông Lưu Chấn Dân, vừa khẳng định Bắc Kinh sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài. Các nước liên quan có thể làm gì trong trường hợp Trung Quốc không thực thi phán quyết?

- Theo Điều 9, Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, việc Trung Quốc không chấp nhận phán quyết về của Tòa về thẩm quyền xét xử và tiếp tục không tham gia trình tự tố tụng ở giai đoạn tiếp theo sẽ không làm gián đoạn quá trình xét xử của PCA. 

Nói cách khác, Tòa sẽ xem xét và đưa ra kết luận liên quan các luận điểm của Philippines cho dù Trung Quốc tham gia quá trình xét xử hay không.

Theo Điều 296 của Công ước và Điều 11, Phụ lục VII, phán quyết của Tòa ràng buộc các bên tranh chấp và có tính tối hậu. Các bên tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, có nghĩa vụ phải thực hiện phán quyết của Tòa.

Luật quốc tế nói chung và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 nói riêng không lập một bộ máy chuyên trách cưỡng chế thường trực. Vì vậy, khi một bên tranh chấp không thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài, bên còn lại sẽ phải sử dụng các biện pháp khác mà luật pháp quốc tế cho phép để thúc đẩy việc thi hành phán quyết. 

Họ có thể tận dụng các yếu tố chính trị, kinh tế, phối hợp với các quốc gia khu vực và các quốc gia khác, sử dụng các diễn đàn quốc tế và tổ chức quốc tế, tranh thủ dư luận quốc tế để tạo áp lực, khuyến khích và thúc đẩy việc thực thi phán quyết hoặc sử dụng phán quyết làm cơ sở để giải quyết tranh chấp.

Các tàu của Trung Quốc hoạt động phi pháp trên Biển Đông. Ảnh: Digital Global

- Vụ kiện của Philippines cho Việt Nam những bài học gì? Đường 9 đoạn mà Trung Quốc tự vẽ ra bao trùm toàn bộ 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Chúng ta có thể kiện Trung Quốc theo cách Philippines đang thực hiện?

- Vụ kiện của Philippines cho thấy luật pháp quốc tế đã tạo ra một môi trường pháp lý tương đối bình đẳng mà trong đó các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, đều chịu sự ràng buộc bởi cùng một hệ thống các nguyên tắc và quy phạm. Thực tế này đặc biệt có lợi cho các nước nhỏ. 

Nhờ luật pháp quốc tế và các thể chế nó tạo ra mà một nước nhỏ như Philippines mới có thể đơn phương kiện Trung Quốc trong tranh chấp tại Biển Đông, thay vì phải đàm phán song phương khi không có sự tương xứng về sức mạnh chính trị, quân sự, kinh tế.

Ngày 25/7/1994, Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Trung Quốc phê chuẩn Công ước ngày 07/6/1996. Như vậy, cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Công ước và đều có quyền sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp của Công ước tại Phần XV để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước, kể cả các thủ tục bắt buộc có quyết định ràng buộc, trừ các ngoại lệ và giới hạn tại Mục 3 Phần XV.

"Mục 3 Phần XV quy định các giới hạn và những trường hợp ngoại lệ tuỳ nghi mà thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc có quyết định ràng buộc của Công ước sẽ không được áp dụng. Điều 297 quy định các giới hạn và Điều 298 quy định các ngoại lệ tuỳ nghi. 

Chẳng hạn, theo Điều 298, các quốc gia có thể tuyên bố bằng văn bản rằng mình họ chấp nhận một hay nhiều thủ tục giải quyết các tranh chấp bắt buộc có quyết định ràng buộc liên quan đến việc phân định biển, vịnh hay danh nghĩa lịch sử, các tranh chấp liên quan đến hoạt động quân sự hoặc các tranh chấp mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang xem xét giải quyết. Trung Quốc đã ra tuyên bố theo Điều 298, như vậy Tòa sẽ không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp này. Tranh chấp liên quan đến chủ quyền cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước và chỉ có thể được một Tòa án quốc tế giải quyết nếu tất cả các bên liên quan đồng ý", Tiến sĩ Phan Duy Hảo giải thích.

Tòa sẽ ra phán quyết vụ Philippines kiện TQ vào giữa năm sau

Chủ tịch hội đồng cố vấn Philippines cho biết tòa Trọng tài ở The Hague, Hà Lan, sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc vào tháng 6/2016.

Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm