Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phẫn nộ trước luật về hiếp dâm dễ dãi, người Nhật Bản yêu cầu cải cách

Các bản án nhẹ tay với tội phạm hiếp dâm trong khi đòi hỏi bằng chứng từ nạn nhân đang tạo ra làn sóng phản đối tại Nhật Bản và đặt ra yêu cầu cải cách luật pháp.

Năm 19 tuổi và đang học đại học, Miyako Shirakawa bị một người đàn ông lớn tuổi hãm hiếp. Bà nói rằng khi bị ông ta cưỡng bức, tâm trí bà trống rỗng và đóng băng.

"Khi tôi nhận thức được, hắn ta đã ở phía trên đầu tôi", bà Shirakawa, 54 tuổi, hiện là một bác sĩ tâm lý điều trị cho các nạn nhân bị xâm hại tình dục, nhớ lại.

"Đó là kiểu phản ứng phổ biến, theo bản năng. Một cách tự bảo vệ tâm lý", bà nói. Shirakawa kể lại sau khi bị hiếp dâm đến mang thai, bà đã báo với cảnh sát và đi phá thai.

Dễ dãi với tội phạm, hà khắc với nạn nhân

Theo luật pháp Nhật Bản, việc các nạn nhân không chống trả có thể khiến các công tố viên không thể chứng minh được đó là hành vi hiếp dâm.

Năm 2017, các nhà lập pháp đã sửa đổi luật hiếp dâm kéo dài hàng thế kỷ của Nhật Bản để đưa vào các hình phạt khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, các cải cách vẫn gây ra tranh cãi cho rằng công tố viên phải chứng minh được hành vi bạo lực hoặc đe dọa có liên quan, hoặc nạn nhân trong trường hợp "không có khả năng kháng cự".

Hàng loạt người được tha bổng gần đây đã làm dấy lên trở lại sự phẫn nộ đối với luật pháp.

luat hiep dam Nhat Ban anh 1
Người biểu tình gần ga Tokyo yêu cầu nhân quyền và công lý cho nạn nhân bị hiếp dâm hôm 11/4. Ảnh: Asahi Shimbun.

Những người đấu tranh cho rằng luật pháp Nhật Bản phải được xem xét lại để biến tất cả hành vi hiếp dâm không đồng thuận thành tội ác và không có ngoại lệ. Điều này đã được thực thi ở các nước như Anh, Đức và Canada.

"Tranh luận về bạo lực tình dục nhìn từ quan điểm của nạn nhân là xu thế của thế giới. Và đã đến lúc cải cách hệ thống pháp luật và xã hội Nhật Bản", nhà hoạt động Minori Kitahara, một trong những người tổ chức các cuộc biểu tình chống lại các phán quyết gần đây, bày tỏ.

Phán quyết gây tranh cãi

Hồi tháng 3, tòa án ở Nagoya, miền Trung Nhật Bản, đã tha bổng cho một người cha bị buộc tội cưỡng hiếp đứa con gái 19 tuổi.

Theo một bản sao của bản cáo trạng mà Reuters có, tòa án đã xác nhận đây là trường hợp quan hệ tình dục không đồng thuận. Người cha đã lạm dụng tình dục và thân thể nạn nhân khi con gái còn nhỏ. Ông đã sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, các thẩm phán vẫn băn khoăn liệu nạn nhân có lựa chọn nào khác ngoài khuất phục hay không. Vụ án đang được kháng cáo.

Bà Tomoko Murata, luật sư chuyên xử lý các vụ tấn công tình dục cho biết: "Bản án cực kỳ nghiêm khắc trong việc chứng minh sự bất lực trong tâm lý phản kháng của nạn nhân".

luat hiep dam Nhat Ban anh 2
Bà Jun Yamamoto, người đứng đầu nhóm nạn nhân bị tấn công tình dục mang tên Spring, nói chuyện với các nhà báo ở Tokyo, Nhật Bản ngày 31/5. Ảnh: Reuters.

Các nhà hoạt động đang tổ chức các cuộc biểu tình hàng tháng, với người tham gia nắm hoa trong tay để phản đối các điều luật.

"Truyền thông đang đưa tin về các bản án và các cuộc biểu tình. Số người phản đối gia tăng sẽ tiếp thêm sức mạnh cho những người không thể nói về sự đau khổ của chính họ", bà Jun Yamamoto, một nạn nhân và người đứng đầu nhóm nạn nhân bị tấn công tình dục Spring, nói với Reuters.

Vào tháng 5, nhóm Spring đã đệ trình trước Bộ Tư pháp và Tòa án Tối cao Nhật Bản các yêu cầu cải cách pháp lý.

Im lặng vì sợ hãi

Phong trào #MeToo không bùng phát ở Nhật Bản. Chỉ 2,8% nạn nhân bị tấn công tình dục báo với cảnh sát, những người còn lại cảm thấy xấu hổ hoặc sợ bị đổ lỗi. Nhiều người không dám nói với ai.

Theo một báo cáo của Cục Bình đẳng Giới Nhật Bản năm 2018, gần 60% nạn nhân nữ bị cưỡng ép quan hệ tình dục giữ im lặng về điều này.

luat hiep dam Nhat Ban anh 3
Nhà báo và đạo diễn phim Nhật Bản Shiori Ito, một trong những nhân vật chủ chốt của phong trào #MeToo tại Nhật Bản. Ảnh: AFP.

"Bệnh nhân của tôi sợ hãi. Nhiều người cảm thấy không thể chứng minh đó là một vụ án hợp pháp. Vậy nên tất cả những gì họ có thể làm là khóc một mình đến khi ngủ thiếp đi", bà Shirakawa nói.

"Việc phải đối mặt với cảnh sát, công tố viên và tòa án, với luật pháp nghiêm khắc và một bản án khó khăn đến mức nạn nhân bắt đầu phải chịu đựng", bà nói. "Hậu quả đằng sau những bản án như vậy rất nghiệt ngã".

Theo các chuyên gia, đằng sau gánh nặng pháp lý còn là quan điểm truyền thống cho rằng người phụ nữ phải bảo vệ sự trong trắng của bản thân.

Luật hiếp dâm Nhật Bản có từ trước khi phụ nữ có quyền bỏ phiếu. Mục đích chính của nó là bảo vệ danh dự gia đình và phả hệ.

"Ý tưởng phụ nữ phải phản kháng rất hạn chế. Đó là mấu chốt của phán quyết", luật sư Murata nhận định. "Vẫn còn quan điểm cho rằng không kháng cự nghĩa là đồng thuận. Hiện vẫn chưa có quan điểm chung về sự đồng thuận của phụ nữ là cần thiết trước khi quan hệ tình dục".

Cần tiếp tục cải cách 

Các cải cách năm 2017 đã mở rộng án phạt cho tội danh "ép buộc quan hệ tình dục". Theo đó, nạn nhân bao gồm cả nam giới, mức tù giam tối thiểu kéo dài từ 3 lên 5 năm, đồng thời cho phép truy tố ngay cả khi nạn nhân không tố cáo.

Ngoài ra, cải cách cũng xem xét buộc tội trong điều kiện một người dưới 18 tuổi bị hiếp dâm bởi cha mẹ hoặc người giám hộ không có hành vi bạo lực, đe dọa, hoặc trường hợp không có khả năng kháng cự.

"Bằng chứng về hiếp dâm là không có sự đồng thuận vẫn cần được xem xét", bà Murata nói.

Khi được hỏi về các yêu cầu cải cách, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản Takashi Yamashita tháng trước đã nói trước nghị viện rằng bộ này sẽ đánh giá tình hình hiện tại và xem xét những gì cần làm. Tuy nhiên, ông không đưa ra thời hạn cho quyết định.

"Chúng tôi phải thận trọng xem xét tác động của việc loại bỏ hoàn toàn yêu cầu chứng minh (bị hiếp dâm) bạo lực hoặc đe dọa", ông Yamashita trả lời câu hỏi từ một nhà lập pháp đối lập.

Khi các cải cách được ban hành vào năm 2017, nghị viện Nhật Bản đã kêu gọi xem xét lại sau 3 năm. Các nhà hoạt động hy vọng sự phẫn nộ của công chúng sẽ làm tăng áp lực cho những cải cách bổ sung.

Một số đảng viên đảng cầm quyền Dân chủ Tự do của Thủ tướng Shinzo Abe cũng quan tâm đến chủ đề này. Họ đã thành lập một nhóm có tên gọi "Họp kín vì một xã hội không có bạo lực tình dục" (Caucus for a Society Without Sexual Violence).

"Tôi cảm thấy các phán quyết là không thể tin được, không thể nào như thế được", thành viên nhóm nạn nhân bị tấn công tình dục Spring, Chihiro Ito, 29 tuổi, một nạn nhân bị cưỡng hiếp không thành, bày tỏ.

"Nhưng vẫn có dấu hiệu tích cực cho Spring. Những bản án sai đang lan truyền trong xã hội", cô nói. "Sẽ rất tốt nếu điều đó gây ra tranh luận trong xã hội và dẫn đến cải cách".

Cáo buộc tỷ phú hiếp dâm châm ngòi cuộc tranh luận về cưỡng bức ở TQ

Video lan truyền trên mạng về cáo buộc cưỡng hiếp đối với tỷ phú Richard Liu đã khơi mào cuộc tranh luận hiếm hoi ở Trung Quốc về tấn công tình dục và sự yếu thế của nạn nhân.

Cô gái Hà Lan qua đời sau khi vật lộn với nỗi đau bị hãm hiếp

Thiếu nữ Hà Lan phải chịu đựng nhiều đau đớn về tinh thần và vật lộn với chứng biếng ăn sau khi bị tấn công tình dục lúc còn nhỏ, đã kết thúc cuộc sống.



Hà Lan

Bạn có thể quan tâm