Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phẫn nộ giọt tinh chất thành cà phê

Bao nhiêu lời phẫn nộ sau thông tin giọt tinh chất thành cà phê. Nhiều người nói chuyện lừa dối trong kinh doanh làm trái tim yêu cà phê của họ giống như có ai bóp chặt.

Không lẽ chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán? Người tiêu dùng có những kênh nào để thể hiện sự bất bình của mình khi ngày ngày phải trả tiền để uống hóa chất vào người?

Hết bột bắp đến “tinh chất”

“Không biết nào giờ mình có uống phải thứ cà phê 'tinh chất' này không nữa? Nghe mà thấy bức xúc quá. Lương tâm của người bán ở đâu, trách nhiệm của đơn vị quản lý ở đâu mà để người dân gánh như vậy?”, anh Ngô Hoàng (quận 7, TP HCM ) bức xúc nói với TTO.

Đọc thông tin trên báo Tuổi Trẻ về cà phê “tinh chất”, cô Nguyệt Nhựt (quận Tân Phú, TP HCM ) - một tín đồ của cà phê - rất bất ngờ, bởi “nào giờ chỉ nghe là trộn bộn bắp, hương liệu vào cà phê, nay còn có cả cái 'tinh chất' này thì sợ quá. Chắc không dám uống cà phê ở ngoài nữa”, cô Nhựt nói.

Bán “tinh chất” cà phê cho khách hàng tại một tiệm tạp hóa ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)
Bán “tinh chất” cà phê cho khách hàng tại một tiệm tạp hóa ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). 

Bà M.D, chủ quán cà phê ở quận Phú Nhuận cho rằng, sở dĩ có hiện tượng này xảy ra vì hầu hết các quán cà phê lề đường chủ yếu bán cho tầng lớp người lao động, giá thành phải rẻ nên họ tìm mọi cách để lấy lời nhiều nhất.

Nói về vấn đề lương tâm người buôn bán, bà D. quan niệm rằng, dù lợi nhuận ít nhưng giữ được khách thì mới có thể kinh doanh lâu dài.

“Người uống cà phê sành biết đâu là cà phê pha, mình bán cà phê giả mà họ phát hiện thì không bao giờ quay lại”, bà cho biết.

Nhiều người tỏ ra rất tức giận trước việc bán buôn gian dối cũng như sự quản lý lỏng lẻo của các đơn vị chức năng. Ông Vòng Chước Minh (quận Tân Bình) bức xúc cho rằng, người lao động là tầng lớp chịu thiệt thòi nhiều nhất.

Ông Hai Thành (quận Phú Nhuận) chỉ còn biết thở dài: “Người bán không có lương tâm thì sau này bị trời phạt thôi chứ biết sao”, ông Thành chia sẻ.

“Phải thật cảnh giác, uống cà phê mà phát hiện là giả thì không uống chỗ đó nữa và cảnh báo cho mọi người biết. Không có khách thì mấy quán cà phê như vậy không bán được nữa thôi”, ông Lê Hóa nói.

“Chính quyền phải nhanh giải quyết vì việc này đã tồn tại từ rất lâu rồi. Người dân không thể chịu thiệt thòi mãi được” là ý kiến của ông Nguyễn Văn Vinh (TP HCM).

Không thể chấp nhận

Là người kinh doanh cà phê, anh Ngô Phi Bay, Giám đốc công ty cà phê Nam Long cho biết không thể chấp nhận việc sử dụng nguyên vật liệu trôi nổi, kém chất lượng để bán cho khách hàng và thu lợi nhuận.

Cách phân biệt

Cho rằng rất khó phân biệt nhưng anh Trần Văn Phú cũng chỉ ra những điểm khác nhau giữa cà phê hương liệu tổng hợp và cà phê sạch như sau:

Cà phê hương liệu tổng hợp: Màu đậm, nước đen, mùi nồng, thơm.

Cà phê nguyên chất, cà phê sạch: Nước không đen đậm (chỉ đậm hơn nước trà một chút), mùi không thơm dữ dội như cà phê làm bằng hương liệu tổng hợp.

“Những hóa chất độc hại sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người uống. Đã trả tiền mua sản phẩm mà còn mang bệnh vào người”, anh Phi Bay nói.

Anh Trần Văn Phú, một người trồng cà phê ở Đắk Nông thấy “kinh khủng” vì “Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn như vậy mà dân mình lại đang uống những thứ 'cà phê' được tạo ra bằng hương liệu, bằng tinh chất chứ không phải hương vị cà phê thật”, anh Phú nói.

Việc làm này, theo anh Phú là đầu độc khách hàng - những người trung thành với cà phê Việt Nam.

“Việt Nam là quốc gia xếp thứ hai về xuất khẩu cà phê ra thế giới, lượng cà phê giữ lại tiêu dùng nội địa chỉ khoảng hơn 10%. Người Việt Nam uống nhiều cà phê nhưng thật ra lại đang uống phụ gia thực phẩm, uống hóa chất hơn là uống cà phê thật sự”, anh Ngô Phi Bay nhận định.

Nông dân, người làm ăn chân chính chịu thiệt

Các quy trình “phù phép” đậu nành, bắp rang thành cà phê tại cơ sở Thiên Tính.
Các quy trình “phù phép” đậu nành, bắp rang thành cà phê tại cơ sở Thiên Tính.

Ở góc độ khác, anh Phi Bay cho rằng, những cơ sở sản xuất, vận chuyển và sử dụng những loại “tinh chất” này sẽ làm ảnh hưởng lớn đến những người kinh doanh chân chính và tạo nên một thị trường cạnh tranh không lành mạnh. Bởi “nguyên liệu đầu vào của họ quá rẻ, trong khi nguyên liệu thật thì lại không”.

Anh Phi Bay cho rằng, nếu thị trường cạnh tranh thật sự lành mạnh thì thị trường tiêu thụ cà phê nội địa sẽ mở rộng hơn, từ đó lượng cà phê được giữ lại để tiêu dùng trong nước cũng tăng lên.

“Người ông dân bán cà phê được giá hơn, các quán cà phê bán ra loại cà phê chất lượng và khách hàng được uống cà phê thật sự. Khi thị trường cạnh tranh thật sự lành mạnh thì người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lựa chọn thức uống mình sẽ đưa vào miệng là gì”, anh Ngô Phi Bay khẳng định.

Đồng tình, anh Trần Văn Phú đánh giá, những người nông dân cũng bị ảnh hưởng không nhỏ từ cách làm cà phê “bẩn” này, khi trồng cà phê sạch lại không thể bán được hoặc bán được với giá không cao.

“Một ví dụ đơn giản, có những người quen uống cà phê có tẩm hương liệu, hóa chất hay cà phê 'bẩn' rồi nên khi uống cà phê sạch, cà phê thật, họ lại thấy không quen vì sao màu nhạt thế, sao không thơm nồng nàn… Bằng cách này hay cách khác, người nông dân trồng cà phê cũng sẽ chịu thiệt thòi”, anh Phú băn khoăn.

Khó cho người tiêu dùng

Trao đổi với TTO, ông Đỗ Ngọc Chính, Ủy viên BCH Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định, những hóa chất không nằm trong danh mục cho phép, nếu sử dụng để tạo thức uống sẽ có những tác động đến sức khỏe con người, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe giống nòi.

Người tiêu dùng rất khó để tự mình phát hiện cà phê mình uống có phải là cà phê thật hay cà phê “tinh chất”.

“Trên thực tế, rất khó cho người tiêu dùng khi mang một ly cà phê pha đi kiểm nghiệm. Nhưng nếu nhận được nhiều phản ánh từ người dân thì cơ quan chức năng ở khu vực đó phải vào cuộc. Cơ quan chức năng phải trả lời những thắc mắc của người tiêu dùng trong các vấn đề như thế”, ông Chính nói.

Bên cạnh đó, theo ông Chính, người tiêu dùng nên tỉnh táo và cân nhắc trước khi quyết định sử dụng sản phẩm. Nếu thấy nghi ngờ thì có quyền hỏi người bán xem đây là chất gì, mua ở đâu… Người bán phải có trách nhiệm giải trình rõ cho khách hàng của mình.

“Khi nghi ngờ những thức ăn, thức uống có hại có mình, người tiêu dùng hoàn toàn có quyền lên tiếng với cơ quan chức năng, để cơ quan chức năng có hướng giải quyết thỏa đáng”, ông Chính nói thêm.

Người sử dụng hóa chất để pha chế cà phê: Phạt từ 20 đến 100 triệu đồng

 Người có hành vi bán ra thị trường thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm chứa đựng thực phẩm không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định an toàn thực phẩm, tùy thuộc vào giá trị lô hàng, xử phạt từ 500.000 đồng đến 100 triệu đồng, hoặc phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi bán ra thị trường thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc hại.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 3 tháng đến 6 tháng.

Đối với người sử dụng hóa chất để pha chế cà phê kinh doanh:

+ Phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không có trong danh mục được phép sử dụng, hóa chất không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động chế biến thực phẩm từ 4 tháng đến 6 tháng.

+ Phạt tiền từ 70 đến 100 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm để chế biến thực phẩm. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động chế biến thực phẩm từ 6 tháng đến 12 tháng.

Điều 244 BLHS cũng nêu rõ người nào chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người tiêu dùng, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo quy định tại khoản 3, Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động kinh doanh thực phẩm là hành vi bị cấm. Vì vậy hành vi mua bán những hóa chất này, dù xảy ra ở nơi nào cũng không hợp pháp.

LS Hà Hải

Một giọt tinh chất pha thành một ly cà phê?

Gần đây, nhiều tiếp thị đến các quán cà phê chào mời mua “tinh chất” cà phê. Chỉ cần một giọt là có thể pha thành một ly cà phê với mùi vị như cà phê 
thứ thiệt.

http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/tieu-diem/20151024/phan-no-giot-tinh-chat-thanh-cafe/990142.html

Theo Đặng Tươi - An Nhiên - Mai Nguyễn/ Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm