Công nghệ giả trang đồ trang sức
Cách thức cũng tùy vào con mồi mà các đối tượng nhắm đến. Nếu là người ít kinh nghiệm trong nghề hay cửa hàng mới, các đối tượng sẽ sử dụng “đồ si” để bán. Các cửa hàng buôn bán lâu năm khó qua mắt hơn, phải dùng phương pháp mạ. Mạ cũng phải dày hơn.
Là thợ kim hoàn lâu năm đã va vấp rất nhiều về đồ trang sức giả sử dụng công nghệ si - mạ, anh Hoàng (ở quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, sử dụng si vàng, si bạc sẽ dễ phát hiện. Vì lớp si mỏng nên dễ nhận biết, những người ít kinh nghiệm đôi khi bất cẩn vẫn “dính” như thường.
Vỏ đạn được si bạc không khác gì bạc thật. |
Còn vàng, bạc mạ mà dày, không kiểm tra kỹ cũng khó phát hiện là đồ trang sức đó sử dụng nguyên liệu thật để mạ lên đồ giả. Mạ có thể làm theo nhiều cách, vàng vẫn thường được sử dụng nhiều hơn, vì có giá trị cao hơn. Mạ vàng lên kim loại không có giá trị, mạ vàng lên bạc, mạ vàng thấp tuổi thành vàng cao tuổi, mạ giả vàng trắng.
Theo tham khảo của phóng viên tại một số cơ sở chuyên si, mạ trên phố hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội, giá một lần si cũng rất “mềm”. Si một lần lên 5 chỉ, dù bạc hay vàng, cũng chỉ mất vài chục nghìn đồng là có thể lấy ngay sau vài phút. Mạ thì giá “cứng” hơn, tùy theo chất liệu. Giá một lần mạ vàng 5 chỉ khoảng 250.000 đồng, thời gian lâu hơn, khoảng 30 phút đến 1 tiếng.
Ngoài ra, các cơ sở này cũng bán hóa chất si, giá một lít dung dịch hóa chất để si là 1.800.000 đồng, si vàng hay si bạc đều có cùng giá này. Tuy nhiên, với hóa chất để mạ thì lại khác.
Khi PV thăm dò hỏi giá để mua thì tất cả các cơ sở này đều từ chối cho biết giá, thẳng thừng không bán. Tìm hiểu ra mới biết, hiện nay công đoạn mạ chỉ có ở các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trang sức lớn. Số ít cơ sở nhỏ do ăn cắp nghề mới làm được, vì vậy họ muốn độc quyền, không để lộ ra ngoài.
Cũng theo anh Hoàng, đồ mạ giả mà người mua vẫn gặp phải là người biết nghề tự làm. Vì giá thành mạ khá cao, họ có công thức trong tay sẽ kín hơn, chi phí nhỏ hơn. Si thì có thể tự làm được, hóa chất si rất dễ mua, một lít dung dịch có thể sử dụng cho cả hàng nghìn sản phẩm đồ trang sức thông thường.
Cách si cũng rất đơn giản, kể cả người không có nghề, chưa làm bao giờ, chỉ cần nhìn qua 1-2 lần cũng làm được. Đồ nghề chỉ cần một bộ điều chỉnh dòng điện loại nhỏ, hai cốc thủy tinh để đựng dung dịch hóa chất.
Khó hơn hai cách làm giả trên là làm sai trọng lượng thực. Các loại kiềng bày bán trên thị trường hiện nay là đều do các công ty lớn làm ra. Ở khu vực phía bắc, kiềng làm bằng vàng và rỗng bên trong.
Phương pháp đúc rỗng bên trong rất khó, phải làm bằng máy, nếu làm thủ công rất dễ hỏng, mất rất nhiều thời gian, thợ lành nghề vẫn có thể làm được nhưng rất ít. Kiềng vàng được làm từ vàng ta, có độ dẻo, dễ dát mỏng, bên trong kiềng được nhồi si để giúp kiềng cứng không bị méo móp.
Nếu là hàng của công ty, các cơ sở có uy tín lâu năm sẽ có kí hiệu riêng. Người có nghề thường cố tình làm sai trọng lượng, làm giả kí hiệu, chủ yếu là làm tăng trọng lượng để bán trục lợi. Nhưng những sản phẩm này cũng dễ kiểm tra, chỉ cần nấu chảy ra và cân lại là biết trọng lượng thật của nó ngay.
Không chỉ riêng các chiêu trò làm giả, làm sai, mà những đối tượng này còn có cả sự tính toán kỹ lưỡng về các hình thức mua bán. Từ những kinh nghiệm đúc rút qua mấy chục năm trong nghề, bác Thịnh, chủ cửa hàng vàng bạc ở thị trấn Trúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội, chia sẻ hàng tá vụ lừa đảo đã va phải. Khi thì chúng bán rẻ hơn so với thị trường, chủ yếu nhằm đánh vào lợi nhuận; về thời gian thường là vào buổi trưa, buổi tối nhá nhem, để lợi dụng sơ suất của người mua.
Đã có lần, các đối tượng mang vài chỉ vàng thật đến bán rẻ hơn khoảng vài trăm nghìn, để tạo lòng tin với bác Thịnh. Lần sau đó, chúng lại mang sợi dây chuyền gần một cây vàng mạ đến bán. Nhưng nhờ có kinh nghiệm, bác đã lật tẩy được trò bịp này, khi yêu cầu nấu một một mắt lên để kiểm tra thì kẻ bán bỏ đi ngay.
Để qua mắt người mua, các “lái” đồ trang sức giả đang dùng đủ các chiêu trò. Nhưng “vỏ quýt dày có mong tay nhọn”, dù cách này hay cách khác cũng không qua mắt được những người dày dặn kinh nghiệm trong nghề, buôn bán lâu năm.
Cốc dung dịch axít bên trái dùng si vàng trắng, cốc dung dịch bên phải dùng si vàng ta. |
Không khó lật tẩy đồ giả thật
Thông thường, đồ trang sức giả đem bán vẫn dựa trên một số cách làm cơ bản, nó được lặp đi lặp lại nhiều lần tùy vào “con mồi”. Và những phương pháp này vẫn có thể kiểm tra theo cách thông thường mà những người làm nghề kim hoàn lâu năm đều biết.
Khi các cửa hàng mua vàng, bạc, muốn “chắc ăn”, sau khi kiểm bằng mắt, bằng tay, phải kiểm tra bằng các dụng cụ và các phương pháp trong nghề, kiểm tra bằng axít chuyên dụng, khò bằng lửa nấu chảy ra, đo bằng máy quang phổ.
Kiểm tra căn bản bằng axít đối với vàng do dựa vào yếu tố là vàng và bạch kim không phản ứng với axít nitric (HNO3) tinh chất, nhưng lại phản ứng với dung dịch cường toan (agua regina), là một hợp chất của HNO3 và axít clohydric (HCl).
Kiểm tra bằng axít tin cậy hơn các phương pháp trên. Chi phí kiểm tra bằng axít lại rẻ, người mua có thể phân biệt vàng giả với vàng 14K và vàng cao tuổi hơn, chỉ với sự trợ giúp của một lọ dung dịch thử 14K (khoảng vài chục ngàn đồng, lọ bằng plastic chịu được axít, nắp chặt kín khí, không trào, không thể bị vỡ).
Nhỏ một giọt nhỏ axít lên một điểm trên món đồ muốn thử. Nếu giọt axít sủi bọt và kêu xì xì thì vật thử không phải là vàng hay bạch kim. Nếu mẫu thử là vàng 10K hoặc thấp hơn, thì giọt axít để lại vết ố màu nâu.
Dùng giấy thấm trắng để lau vật thử và quan sát vết ố, màu lục hay nâu trên giấy đôi khi lại dễ thấy hơn. Cần phải nhớ, màu ố của các kim loại là khác nhau. Nếu là vàng, cách tốt nhất vẫn là thử bằng lửa, dùng khò đốt đến khi vàng chảy ra, vừa kiểm tra được trọng lượng thực vừa kiểm tra được độ tuổi của vàng.
Nạn đồ trang sức giả sẽ không dừng lại vì nó phát triển theo quy luật tất yếu trong cuộc sống. Có rất nhiều phương pháp để thử, nhưng chủ yếu người mua phải thực sự tỉnh táo để phòng ngừa, chớ để tiền mất một cách hớ hênh, mang ấm ức vào người.