Sáng 6/9, anh Lê Hiệp (Nam Từ Liêm, Hà Nôi) ngồi kèm hai cháu học bài. Ở lớp cháu học lớp 4, cứ 10 phút, giáo viên hoặc học sinh lại bị “out” khỏi phòng học trực tuyến.
“Sau khoảng 10 lần đổi ID, cô giáo đành cho lớp nghỉ, hẹn chiều học bù. Nhưng đến chiều, tình trạng tương tự xảy ra, cô lại hẹn học sang tối”, anh Hiệp cho hay.
Trẻ chán nản khi thường xuyên bị "out" khỏi lớp học trực tuyến trong buổi đầu tiên. Ảnh chụp từ camera giám sát. |
Học sinh loay hoay “vào lớp”
Anh Lê Hiệp cho biết cháu lớp 10 cũng bị “văng” khỏi lớp liên tục nhưng có thể tự đăng nhập lại. Trong khi đó, với cháu lớp 4, anh phải hỗ trợ.
Thỉnh thoảng, cô giáo đổi ID để vào lớp học. Phụ huynh lại nháo nhào nhắn tin trong nhóm Zalo để đợi giáo viên cấp mới. Học sinh nhỏ tuổi đã khó tập trung. Người lớn vừa nhắc nhở, các cháu mới chú ý bài giảng đã bị “out” khỏi lớp nên lại chạy ra ngoài chơi.
Chị Thùy Linh (Hà Đông, Hà Nội) cũng gặp tình trạng tương tự. Hai con gái chị (một bé học lớp 6, bé còn lại học lớp 2) cũng vất vả trong buổi đầu tiên khi phần mềm, đường truyền không ổn định.
20 phút đầu giờ, chị chỉ loay hoay để thay phiên giúp hai con đăng nhập vào lớp. Nhiều khi, trò vừa ổn định, cô đã “out” khỏi lớp. Cứ như vậy, buổi học kéo dài hơn dự kiến 30 phút mà con gần như không học được gì.
Tình hình gia đình chị Phạm Nhung còn nghiêm trọng hơn khi sáng 6/9, chị loay hoay hỗ trợ hơn 2 tiếng, con vẫn chưa học được chữ nào vì con hoặc giáo viên rời khỏi lớp bất đắc dĩ do đường truyền không ổn định. Khi cô trò cùng đăng nhập được, lớp học lại có hình không có tiếng.
Cô Ngô Thị Phương Anh, giáo viên trường Tiểu học Thị trấn Đông Anh (Hà Nội), cho hay việc dạy học qua Zoom không mấy ổn định. Trong các buổi cô trò làm quen, khi sử dụng phần mềm này, cô trò thỉnh thoảng lại văng khỏi lớp.
Cô X.C., giáo viên một trường THCS ở Hà Nội, kể sáng 6/9, cô cũng mất hơn 1,5 tiết để ổn định lớp học trực tuyến. Học sinh, giáo viên thường xuyên “văng” khỏi lớp. Nhiều em phải mất rất lâu mới vào lại được.
Tại TP.HCM, thầy Trần Minh, Phó hiệu trưởng trường THCS & THPT Đào Duy Anh, cho biết sáng 6/9, trường gặp trục trặc với hệ thống dạy học K12online. Hệ thống không ổn định, ảnh hưởng tới việc dạy - học của giáo viên, học sinh.
Tình trạng phần mềm, hệ thống "đơ" trong ngày học online đầu tiên diễn ra phổ biến ở nhiều trường. Hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cũng ghi nhận sự cố tương tự với hệ thống K12online.
Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), thông tin sáng 6/9, trường dành 2 giờ để sinh hoạt với học sinh, chưa học ngay nhưng đầu giờ, các lớp đều không thể vào được trên hệ thống K12online. Đây là hệ thống dạy học trực tuyến mà trường lựa chọn trong học kỳ I năm nay.
Học sinh trường THCS & THPT Đào Duy Anh đổi từ học trên K12online sang Zoom. Ảnh: Thầy Trần Bình. |
Giáo viên linh hoạt đổi phần mềm
Trước những trục trặc trong buổi đầu tiên của năm học 2021-2022, hiệu trưởng một trường THPT tại quận 1 cho biết trường đã báo cáo với Sở GD&ĐT TP.HCM và phía đơn vị cung cấp, nhận được phản hồi đang cố gắng cải thiện đường truyền, băng thông.
“Ngày đầu tiên chưa trơn tru lắm, giáo viên phải ứng biến linh hoạt, chuyển qua các phần mềm khác như MS Teams, Google Meet. Có thể, nhiều người, nhiều địa phương đồng loạt truy cập, sử dụng khiến hệ thống quá tải. Đơn vị cung cấp cho biết phải mất vài ngày để cải thiện”, hiệu trưởng cho hay.
Ở trường THCS&THPT Đào Duy Anh, thầy Trần Minh chia sẻ giáo viên phải chuyển qua phương án dự phòng là phần mềm Zoom.
Đến chiều, hệ thống K12online vẫn chập chờn, chưa thể sử dụng. Thầy hy vọng trong những ngày tới, đơn vị cung cấp sẽ khắc phục. Nếu ổn định, trường vẫn tiếp tục sử dụng hệ thống này vì là trường tư thục, đã đóng phí sử dụng.
Tại trường THCS Nguyễn Du, cô Đoan Trang thông tin sau khoảng 1 giờ vẫn không vào được lớp, giáo viên đã chuyển sang dùng phần mềm MS Teams để sinh hoạt với học sinh.
“Năm ngoái, khi học online, trường sử dụng song song K12online và MS Teams. Do đó, học sinh và giáo viên cũng nhanh chóng chuyển phần mềm ổn thỏa. Trường đã báo với đơn vị cung cấp để họ hỗ trợ kỹ thuật. Buổi chiều, nhiều lớp đã có thể sử dụng K12online để sinh hoạt dù còn chập chờn, hay bị 'out' ra ngoài”, cô Trang nói.
Cô Trang cho biết ưu điểm của K12online là ngoài giờ dạy trực tuyến, hệ thống còn tích hợp dữ liệu của ngành giáo dục, học sinh có thể làm bài, trả bài trên hệ thống. Giáo viên, nhà trường theo dõi được quá trình học tập của học sinh.
Do đó, trường vẫn sẽ tiếp tục sử dụng hệ thống này để dạy học trực tuyến. Nhưng trong vài ngày tới, trường sẽ luôn chuẩn bị link dự phòng trên MS Teams. Trường đã thông báo với học sinh và phụ huynh, sau 15 phút chưa vào được hệ thống, lớp sẽ chuyển sang dùng link dự phòng.
Tại TP.HCM, Sở GD&ĐT TP.HCM giới thiệu 8 phần mềm dạy học trực tuyến miễn phí đã liên thông, tích hợp hệ thống dữ liệu dạy học. Các trường được tự chọn và tự hợp đồng với các đơn vị cung cấp.
Trong khi đó, lớp học có thể vận hành trên Zoom sau một lúc ngắt quãng, cô X.C. không đổi sang phần mềm khác. Cô nói thêm đến chiều nay, lớp không còn gặp tình trạng trục trặc như buổi sáng. Cô đoán do đường truyền đã ổn định hơn và lượng người truy cập vào Zoom giảm.
Tuy nhiên, tình hình học online của lớp cháu anh Lê Hiệp lại không được thuận lợi như vậy. Chiều nay, việc đăng nhập vào lớp tiếp tục gặp trục trặc. Giáo viên đành giao bài tập cho học sinh làm. Phụ huynh sẽ chụp lại, gửi để cô giáo chấm.
“Vì chưa khắc phục được vấn đề, cô hẹn 20h tối nay học tiếp. Cô cũng ngại nên liên tục xin lỗi phụ huynh”, anh Hiệp nói.
Nắm trước vấn đề của phần mềm Zoom khi dạy online, trong buổi học chính thức đầu tiên diễn ra vào tối 6/9, cô Phương Anh quyết định sẽ cho học sinh lớp 1 học trên MS Teams.
Thực tế, các buổi trước, sau khi dùng Zoom không ổn, cô đã chuyển sang phần mềm này. Học sinh, giáo viên đăng nhập vào, lớp ổn định trong suốt quá trình cô trò làm quen.
Đề cập vấn đề học online, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT thông tin Bộ GD&ĐT đã có văn bản dạy học trực tuyến trên Internet và truyền hình, tới đây sẽ tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học nhằm khắc phục những hạn chế hiện nay.
Tinh thần của học trực tuyến là nhà trường sẽ tổ chức dạy học tăng cường, giao cho học sinh tự học qua Zalo, thư điện tử, nhắn tin. Các em cần chuẩn bị bài, đọc sách giáo khoa từ trước, khi học trực tuyến sẽ tao đổi, giải đáp vấn đề thắc mắc, nêu cao tinh thần tự chủ của học sinh trong giờ học.
Trong điều kiện không có Internet, các tài liệu có thể phát trên truyền hình hoặc coppy vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận học liệu. Cha mẹ cần quan tâm hỗ trợ trẻ, đảm bảo được yêu cầu học tập trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn.