Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Công Khanh. |
Tại cuộc họp báo chiều 8/1, trước thông tin ngày 6/1 Trung Quốc ngang nhiên thành lập 4 Ban vũ trang nhân dân ở Hoàng Sa, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng một lần nữa khẳng định: "Mọi hoạt động của các bên tại khu vực này không được sự đồng ý của Việt Nam là bất hợp pháp và hoàn toàn vô giá trị".
Cùng ngày 8/1, UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) phát văn bản về việc yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trước đó, ngày 6/1, phía Trung Quốc tuyên bố “thành lập 4 Ban vũ trang nhân dân ở Tam Sa” cũng như việc nước này sẽ tổ chức diễn tập ở đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ông Võ Công Chánh, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa khẳng định, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Kể từ ngày 19/1/1974 Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, mọi hành động của Trung Quốc tại quần đảo này đều phi pháp, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam và đi ngược lại Luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về Luật Biển.
Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa và trên Biển Đông thời gian qua đang đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông và lợi ích trên biển của các quốc gia trên thế giới, đe dọa quan hệ hữu nghị, hòa bình, ổn định, phát triển trong khu vực.
“Chúng tôi phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay các hoạt động phi pháp trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cũng như trên Biển Đông để duy trì quan hệ hòa bình, hữu nghị, hợp tác giữa hai nước và trong khu vực”, ông Chánh nhấn mạnh.
Về sự di chuyển giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc trên Biển Đông, Bộ Ngoại giao tiếp tục thông tin giàn khoan này đang di chuyển trên vùng biển quốc tế.
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng của VN là bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam luôn thực hiện đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo đúng luật pháp quốc tế góp phần vào công việc chung vì hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải.
"Chủ trương nhất quán của Việt Nam giải quyết các vấn đề trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi kiên quyết đấu tranh đối với các hoạt động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN tại Biển Đông", bà Phạm Thu Hằng nói.
Ngày 6/1, Cảnh sát biển Việt Nam xác nhận, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đang được các tàu vận tải, hộ tống kéo trên biển Ðông, gần vùng biển của Việt Nam. Cụ thể, giàn khoan này đang di chuyển từ bắc xuống nam Biển Ðông và đã đi qua vĩ tuyến 15.
Ngay sau khi nhận được thông tin về việc di chuyển của giàn khoan Hải Dương 981, các tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư của Việt Nam đã theo dõi hướng di chuyển của giàn khoan này để có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Thông tin bước đầu xác định, giàn khoan được kéo sang Ấn Ðộ Dương để thực hiện việc khoan thăm dò theo một hợp đồng với một quốc gia Ðông Nam Á vừa ký kết với phía Trung Quốc.