Người biểu tình ở thủ đô Belgrade của Serbia xông vào trụ sở Đài Phát thanh – Truyền hình Serbia, và cảnh sát Albania phải dùng hơi cay giải tán đám đông cố gắng xông vào tòa nhà quốc hội, trong một ngày biểu tình chống chính phủ nổ ra ở một số nước trên bán đảo Balkan, theo Guardian.
Ở Belgrade, người biểu tình đã xông vào trụ sở đài truyền hình ngày 16/3 và yêu cầu được phát biểu trước toàn dân trên sóng trực tiếp.
Người biểu tình xông vào đài truyền hình quốc gia Serbia ở thủ đô Belgrade ngày 16/3. Ảnh: Reuters. |
Đã có biểu tình chống chính phủ của Tổng thống Serbia Aleksandar Vučić mỗi tuần kể từ tháng 12/2018, đòi hỏi tự do báo chí để tạo điều kiện cho bầu cử công bằng và tự do. Nhưng truyền hình nhà nước đưa tin sơ sài về các cuộc biểu tình.
Hàng nghìn người đứng trước trụ sở của đài và hô vang “Vučić là kẻ cướp”. Cảnh sát chống bạo động sau đó đã vào bên trong và đưa từng người biểu tình ra ngoài. Biểu tình cũng diễn ra ôn hòa ở trung tâm Belgrade (với hàng nghìn người) và ở một số thành phố khác ở Serbia ngày 16/3.
Người biểu tình xông vào đài truyền hình quốc gia lần cuối vào ngày 5/10/2000, trong đợt biểu tình chống chính phủ hạ bệ chế độ của ông Slobodan Milošević.
Hơn 10.000 người xuống đường biểu tình chống chính phủ ở thủ đô Belgrade, Serbia ngày 19/1. Ảnh: Reuters. |
Ở thủ đô Tirana của Albania, biểu tình ban đầu ôn hòa đã trở nên hỗn loạn sau khi một nhóm nhỏ trong đám đông vài nghìn người bắt đầu xô đẩy và ném đá vào cảnh sát bảo vệ tòa nhà quốc hội, khiến một số người bị thương.
Đây là cuộc biểu tình lần thứ 5 kể từ tháng 2 khi phe đối lập đòi Thủ tướng Edi Rama từ chức sau các cáo buộc tham nhũng và gian lận bầu cử.
Ở Montenegro, hàng nghìn người tuần hành ở thủ đô Podgorica, lần thứ 5 trong vòng 2 tháng, để đòi Tổng thống Milo Đukanović và chính phủ của ông từ chức vì các cáo buộc lạm dụng quyền lực, tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Ông Đukanović đã lãnh đạo nước này 3 thập kỷ ở vị trí tổng thống hoặc thủ tướng.
Trước đó, cả Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đều đã lên tiếng, kêu gọi các bên không gây bạo lực.