Câu chuyện tỉnh Nghệ An bố trí 12,6 tỷ đồng để xây 67 chuồng gia súc cho các hộ dân tộc Ơ Đu nhằm thúc đẩy kinh tế thông qua phát triển đàn bò khiến nhiều người bất ngờ. Điều đáng nói, chính hộ dân nhận được khoản hỗ trợ cũng không hiểu số tiền gần 240 triệu đồng cho mỗi chuồng gia súc được sử dụng ra sao.
Trao đổi với Zing, ông Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận việc bố trí kinh phí, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số làm kinh tế phù hợp với chủ trương. Song, ông khẳng định giá trị của những chuồng bò này "rất bất thường".
Nhà cho bò khang trang hơn nhà cho người
Theo ông Phạm Văn Hòa, việc thực hiện chính sách cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả nước, từ Trung ương đến địa phương. Quốc hội cũng ban hành nhiều nghị quyết, chính sách hỗ trợ đồng bào vùng sâu, vùng xa. Tỉnh Nghệ An thực hiện chính sách đúng là rất tốt và nhân văn.
Nhưng ông nghi ngại liệu số tiền gần 240 triệu này có thực sự đến được tận tay người nghèo không.
Căn nhà tranh của hộ dân đứng bên cạnh chuồng bò khang trang, mới toanh. Ảnh: Đ.T. |
"Theo tôi được biết nhiều địa phương xây nhà tình nghĩa cho nhân dân chỉ hết 50 triệu, mà Nghệ An xây chuồng bò cho dân còn đắt hơn nhà tình nghĩa. Vậy người ta xây nhà hay chuồng cho bò mà số tiền lại cao như thế", ông đặt câu hỏi.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, chi cho người nghèo là đúng nhưng trong các khoản này mà có tình trạng móc ngoặc, lợi ích nhóm để làm thất thu ngân sách Nhà nước thì không thể chấp nhận được. Ông nhấn mạnh các khoản chi này cần được thanh tra, kiểm toán để xác định có sai sót không, nếu có thì phải xác định rõ trách nhiệm.
Nhấn mạnh dù chưa có kết luận trong vụ việc này, ông Hòa cho rằng các cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán cần sớm vào cuộc và làm rõ những điều bất thường của dự án.
"Nếu có tiêu cực trong bố trí ngân sách thì phải làm sáng tỏ. Phải trả lời trước công luận và trực tiếp trả lời cho người được hưởng thụ chính sách đó. Hộ nghèo có được toàn bộ số tiền hay không, hay họ bị bớt xén, lợi dụng", ông Hòa nói.
Ông nói 12,6 tỷ đồng được dùng để ủng hộ người nghèo là rất ý nghĩa. Nhưng nếu việc quản lý không sát sao, thì đây không chỉ là trục lợi trên chính sách mà còn là trục lợi trên nỗi vất vả, khó khăn của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.
"Nếu đúng có tiêu cực trong việc chi tiêu số tiền này thì nó sẽ gây ức chế, phẫn nộ không chỉ trong nhân dân mà đối với chính những người được hưởng chính sách", ông nói.
Đơn vị thanh tra cần sớm vào cuộc
Việc hỗ trợ xây dựng 67 chuồng bò này nằm trong Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tại bản Văng Môn, xã Nga Mi (huyện Tương Dương) được Chính phủ phê duyệt năm 2016 với kinh phí 120 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí Trung ương chiếm 90%, 10% còn lại là ngân sách đối ứng địa phương.
Tháng 7/2019, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định phân bổ kinh phí thực hiện các hạng mục của đề án và chỉ định Ban dân tộc tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư. Theo đó, hạng mục xây dựng 67 chuồng trại gia súc cho 67 hộ dân có kinh phí 12,6 tỷ đồng.
Nhiều người dân Ơ Đu nhận được chuồng bò trị giá 236 triệu đồng khi vẫn ở nhà tranh. Ảnh: Đ.T. |
Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3 với giá xây dựng hơn 7,24 tỷ đồng, 10 chuồng loại 2 với kinh phí hơn 2,36 tỷ đồng (mỗi chuồng có giá khoảng 236 triệu đồng).
Ông Tống Thanh Bình, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu, cho biết nếu nhìn qua những con số về số lượng chuồng bò xây dựng, số vốn bỏ ra, cũng như quy mô của chính sách này thì ông hoàn toàn không đồng tình.
Theo ông, ở một số địa phương, mức hỗ trợ 50 triệu đồng cho mỗi hộ đã là rất cao, là mơ ước của nhiều người. Nhưng tỉnh Nghệ An lại chi đến gần 240 triệu đồng cho mỗi hộ trong khi còn rất nhiều gia đình khác khó khăn thì rất khó hiểu.
"Chưa biết số tiền được sử dụng đúng quy định không, nhưng làm 1 chuồng bò mà mất đến hơn 200 triệu thì tôi không thể nhất trí được. Nghệ An cũng không phải tỉnh có nguồn ngân sách quá dồi dào để bố trí như vậy được", ông Bình nói.
Theo ông, đối với các chính sách hỗ trợ người nghèo, tỉnh cần xem xét đến nhiều nội dung ưu tiên đầu tư hơn và nhất là bố trí sao cho hợp lý. Tạo kế sinh nhai cho người dân là cần thiết, nhưng vẫn còn đó nhu cầu về nhà ở, y tế, giáo dục, nước sạch, điện đường...
"Khoản đầu tư như thế ở địa phương tôi là không tưởng", ông Bình so sánh.
Tại sao không trích một phần tiền sửa nhà cho dân?
Ông Đặng Xuân Quyền, Trưởng phòng Quản lý xây dựng công trình (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An), khẳng định việc thẩm định giá của hạng mục xây chuồng gia súc theo đề án là đúng quy định và theo đơn giá của Nhà nước.
“Giá xây dựng được thẩm định theo đơn giá Nhà nước, đắt hay rẻ đều có quy định. Khung giá này được liên sở Xây dựng và Sở Tài chính Nghệ An ban hành, nếu làm sai chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm”, ông Quyền nói.
Theo ghi nhận của Zing, một số hộ dân trong danh sách đối tượng được hỗ trợ xây chuồng bò, có nhà cửa xuống cấp, thậm chí nhiều năm nay chưa có tiền sửa sang. Họ mong có căn nhà kiên cố để yên tâm phát triển kinh tế hơn là căn nhà xập xệ nằm cạnh chuồng bò hàng trăm triệu.
Ông Phạm Văn Hòa cho rằng việc xây dựng nhà cửa hay hỗ trợ xây chuồng trại, mở đàn bò cho dân là các chính sách khác nhau, cần rạch ròi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương phải tính toán làm sao để cùng một số tiền mà người dân được hưởng lợi nhiều nhất.
"Tại sao không trích một phần tiền để sửa sang nhà cửa cho dân? Bao nhiêu gia đình không có nổi một căn nhà kiên cố thì xây dựng chuồng bò 200 triệu cho họ liệu có hợp lý. Tôi cho rằng nhiều hộ dân ở đây phấn đấu nhiều năm cũng chưa xây được nhà 200 triệu đồng", ông nói.
Tối 21/7, Công an tỉnh Nghệ An bắt tạm giam 4 tháng đối với Kim Văn Bốn (38 tuổi, cán bộ Phòng chính sách, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An) để điều tra về hành vi Tham ô tài sản.
Theo cơ quan công an, trong quá trình thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu, ông Bốn lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, thực hiện hành vi lập khống hồ sơ để rút tiền từ đề án. Cơ quan điều tra xác định số tiền mà ông Bốn chiếm đoạt được lên đến hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho tài sản của Nhà nước.
Ngày 24/7, Công an tỉnh bắt tạm giam 4 tháng ông Nguyễn Tâm Long (46 tuổi), Phó trưởng phòng Chính sánh Ban Dân tộc Nghệ An. Ông Long bị cáo buộc có hành vi tham ô liên quan việc “đưa nhầm" 231 người dân tộc Thái và Khơ Mú thành người Ơ đu ở bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương) nhằm hưởng chế độ chính sách của dự án "Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các Dân tộc thiểu số rất ít người, giai đoạn 2016-2025" theo Quyết định 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng.
Theo một cán bộ điều tra, ông Nguyễn Tâm Long đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, lập khống hồ sơ, rút hàng trăm triệu đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.