Vào một buổi tối tháng 2 năm 2012, cậu bé da màu Trayvon Martin rời cửa hàng tiện lợi sau khi ghé mua ít thức ăn mang về nhà xem tivi cùng bố. Mặc áo khoác có mũ trùm kín đầu, Martin bị viên dân phòng George Zimmerman nghi ngờ làm chuyện mờ ám dù "tay không tấc sắt". Zimmerman đuổi theo Martin và cậu bé 17 tuổi bị bắn chết.
Ngay đầu con đường dẫn vào thị trấn Harrison ở bang Arkansas là tấm pano đề mấy dòng chữ: "Thị trấn xinh tươi. Cư dân tốt đẹp. Không có lối thoát sai lầm. Không có hàng xóm tệ hại". Bên cạnh là hình ảnh một gia đình toàn bộ là người da trắng.
Song có lẽ hình ảnh và những dòng chữ mang nặng tính tuyên truyền đó không gây ấn tượng bằng tấm biển màu vàng ngay phía dưới. Tấm biển viết duy nhất một câu: "Đa dạng đồng nghĩa với sự diệt chủng người da trắng", theo Mirror.
Không có cuộc trò chuyện nào về bản sắc của thị trấn này mà không đề cập đến tấm biển màu vàng gây tranh cãi. Harrison được xem là "thị trấn phân biệt chủng tộc nhất nước Mỹ" dù một số cư dân đã và đang đấu tranh để xóa đi điều này.
Thị trấn có 13.000 cư dân, trong đó 96,2% là người da trắng, 2,3% người gốc Tây Ban Nha và chỉ 0,3% người da màu. Chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã trở thành lối sống ở Harrison sau khi người gốc Phi tháo chạy khỏi thị trấn trong các cuộc bạo loạn vào năm 1905 và 1909, theo Mirror.
Hồi tháng 11 năm ngoái, một nhóm cực hữu tại Harrison, dẫn đầu là Richard Spencer, da màu Washington D.C. để ăn mừng chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tại cuộc gặp, ông Spencer nói: "Cho đến thế hệ trước, nước Mỹ là đất nước của người da trắng, được lập ra cho chính chúng ta và con cháu chúng ta".
"Nước Mỹ là sáng tạo của chúng ta, là tài sản của chúng ta và thuộc về chúng ta", Spencer tiếp tục. Giấc mơ của ông là "một xã hội mới, một quốc gia dân tộc là nơi tụ họp của tất cả người Âu châu".
Kết thúc bài phát biểu, Spencer nhận được những tràng pháo tay cổ vũ liên hồi và những cái giơ tay chào kiểu Đức Quốc xã.
Ông Joe Pavelsek, một cư dân Harrison, thừa nhận thị trấn này "có lịch sử lâu đời về sự phân biệt chủng tộc". Người đàn ông 62 tuổi ủng hộ chính sách xây tường biên giới và cấm Hồi giáo của Tổng thống Trump. "Trump đúng khi cấm bọn họ. Họ không thể sống hòa hợp với người khác", ông nói.
Tuy nhiên, ông Pavelsek phủ nhận việc ông là một người phân biệt chủng tộc. Thay vào đó ông tự gọi mình là "người biết phân loại". "Tôi phân loại rõ những gì tôi không thích, chẳng hạn như người Hồi giáo", ông lý giải.
Theo thống kê chính thức năm 2010, Harrison có 0,3% dân số là người da màu, nhưng cư dân địa phương nghi ngờ về việc liệu có còn gia đình gốc Phi nào hiện sống tại thị trấn hay không.
"Tôi không thể nhớ nổi bất kỳ gia đình người gốc Phi nào từng làm thủ tục ở chỗ này. Những anh bạn da màu duy nhất mà chúng tôi thấy là những tài xế xe tải đi qua đây hoặc giao hàng hóa", nhân viên một chốt kiểm tra trên đường vào thị trấn cho hay.
Không phải cho đến khi vụ bạo loạn tại Virginia nổ ra cách đây gần 2 tuần, người Mỹ mới ý thức về nỗi nhức nhối mang tên phân biệt chủng tộc tồn tại dai dẳng trong lòng xã hội nước này. Và những thị trấn như Harrison, nơi chủ nghĩa thượng đẳng da trắng vẫn ngự trị, có lẽ không chỉ có một.
Chiếc xe lao vào đám đông tuần hành tại thành phố Charlottesville, Virginia, hôm 12/8. Ảnh: AP. |
Vào thuở lập quốc, những "hòn đá tảng" đầu tiên làm nên nước Mỹ được đặt bởi những người đàn ông da trắng và rất nhiều trong số đó sở hữu nô lệ. Phát biểu gây tranh cãi của Tổng thống Trump về vụ bạo loạn ở Virginia đúng ở chi tiết những người sáng lập nước Mỹ như tổng thống đầu tiên George Washington hay tổng thống thứ 3 Thomas Jefferson là những chủ nô.
Tại Hội nghị Philadelphia năm 1797, sự kiện dẫn tới sự ra đời của Hiến pháp Mỹ, đại biểu từ các bang miền Nam, nơi vẫn duy trì chế độ nô lệ, và các bang tự do ở miền Bắc đã chấp thuận Thỏa hiệp Ba Phần Năm. Theo thỏa hiệp này, khi tính dân số của một bang để quyết định số ghế trong Hạ viện và số phiếu đại cử tri mỗi bang sở hữu trong cuộc bầu cử, một nô lệ, thường là người châu Phi hoặc gốc Phi, sẽ được tính bằng 3/5 người tự do. Chính vì vậy, như Guardian nhận định, nước Mỹ được xây lên từ chủ nghĩa da trắng thượng đẳng.
Hơn nửa thế kỷ sau đó, cuộc nội chiến đã kéo theo việc Quốc hội Mỹ thông qua Tu chính án thứ 13, chính thức bãi bỏ chế độ nô lệ trên toàn lãnh thổ hợp chủng quốc. Thế nhưng, sự kết thúc chế độ nô lệ lại mở ra chế độ đẳng cấp khi các bang miền Nam theo đuổi học thuyết "bình đẳng nhưng phân cắt". Một mặt, học thuyết này không vi hiến. Mặt khác, nó khiến những người Mỹ da màu phải sống một cuộc sống tách biệt hoàn toàn với người Mỹ da trắng.
Trong tiểu thuyết Người giúp việc (The Help, tác giả Kathryn Stockett, xuất bản năm 2009), nhân vật nữ Hilly Holbrook đã đề xuất Sáng kiến Vệ sinh Gia đình, tức xây dựng một WC riêng cho người giúp việc da màu ở bên ngoài căn nhà của những người chủ da trắng để ngăn ngừa dịch bệnh. Trong thế kỷ 21, câu chuyện này sẽ làm dấy lên sự phản đối khủng khiếp từ dư luận và báo chí Mỹ, nhưng nó lại phản ánh chính xác những gì diễn ra ở Mỹ từ thập niên 1960 đổ về trước.
Các bộ luật Jim Crow, được áp dụng tại nhiều bang miền Nam từ cuối thế kỷ 19 đến giữa thập niên 1960, đã quy định sự phân chia trường học, nhà hàng, thậm chí WC thành những nơi chỉ dành riêng cho người da màu hoặc da trắng.
Năm 1964, Đạo luật Dân quyền của Mỹ được thông qua, tuyên bố mọi sự phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc, giới tính đều là bất hợp pháp. Các bộ luật Jim Crow được bãi bỏ dần trong những thập niên sau đó. Dù vậy, thứ "văn hóa phân biệt" mà nó tạo ra không thể mất đi bằng những quyết định của nghị viện hay tòa án. Sau hơn nửa thế kỷ "phân chia", người ta cần một quãng thời gian dài hơn thế để xóa bỏ những tư tưởng như của Hilly Holbrook.
Bức ảnh chụp Ieshia Evans đối đầu cảnh sát vũ trang trong cuộc biểu tình ngày 10/7/2016 sau cái chết của một người da màu ở Bacon Rouge, Louisiana, đã đi vào lịch sử. Ảnh: Reuters. |
Nửa thế kỷ sau ngày Harper Lee viết tiểu thuyết Giết con chim nhại (To kill a mockingbird), nước Mỹ đã lần đầu tiên bầu lên một tổng thống da màu. Đó cũng là khi người da màu không còn phải ngồi ở một ban công dành riêng như phiên tòa xử Tom Robinson trong Giết con chim nhại nữa. Song sau 2 nhiệm kỳ của ông Barack Obama, những vụ lực lượng chấp pháp nổ súng bắn chết người da màu không mang vũ khí vẫn thường xuyên xảy ra và kéo theo những cuộc biểu tình, đôi khi là bạo động, để phản đối.
Trường hợp điển hình nhất là Trayvon Martin. Vào một buổi tối tháng 2/2012, cậu bé da màu rời cửa hàng tiện lợi sau khi ghé mua ít thức ăn để mang về nhà xem tivi cùng bố. Mặc áo khoác có mũ trùm kín đầu, Martin bị viên dân phòng George Zimmerman nghi ngờ làm chuyện mờ ám dù "tay không tấc sắt". Zimmerman đuổi theo Martin, hai người đụng độ và cậu bé 17 tuổi bị bắn chết.
Viên dân phòng bị truy tố tội giết người nhưng được tuyên trắng án với lý do tự vệ. Phán quyết đã dẫn đến những cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ. Việc Martin bị truy đuổi trước, không hề được vũ trang hay chi tiết cảnh sát khi đến hiện trường đã kiểm tra nồng độ cồn của nạn nhân bị bắn chết trước nghi phạm, đã khiến người biểu tình phẫn nộ.
Những người biểu tình cho rằng nạn nhân ngay từ đầu đã bị đối xử bất công vì là người da màu và rằng dù người da trắng và người da màu không còn bị xếp về hai phía của ban công tòa án như trong Giết con chim nhại, họ vẫn chưa được đối xử công bằng trước pháp luật.
Trong thế kỷ 21, những người da màu như Martin vẫn có thể trở thành những "con chim nhại" vô tội bị bắn chết bởi một người da trắng nghi ngờ họ đang làm chuyện mờ ám.
Năm 2016, nước Mỹ có 963 người bị cảnh sát bắn chết với 465 nạn nhân là người da trắng và 233 là người da màu. Trong khi đó, người da trắng chiếm gần 70% dân số Mỹ và gấp 5 lần người da màu.
Trong 8 năm cầm quyền của mình, Tổng thống Obama và gia đình đã mang đến hình ảnh mới về một gia đình người Mỹ gốc Phi thành đạt, khỏe mạnh và thân thiện, thay cho định kiến lâu năm tại Mỹ về những "người da màu giận dữ". Ông cũng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ những người da màu tìm kiếm cơ hội trong cuộc sống. Dù vậy, tổng thống thứ 44 của Mỹ vẫn bị chỉ trích là thiếu những chính sách về kinh tế và tư pháp để tìm kiếm sự công bằng cho những người da màu.
Vụ bạo loạn hôm 12/8 tại Charlottesville, Virginia, xuất phát từ bức tượng của tướng Robert Edward Lee, một trong những lãnh đạo chủ chốt của Liên minh Miền Nam thời Nội chiến Mỹ (1861-1865). Liên minh Miền Nam là chính thể được thành lập từ 11 bang miền Nam nước Mỹ trong cuộc chiến, chủ trương giữ chế độ nô lệ, chống lại chính quyền liên bang do Tổng thống Abraham Lincoln đứng đầu.
Những nhóm tân phát xít, ủng hộ da trắng tại Virginia, với gậy gộc, khiên mũ, cầm theo cờ Liên minh, biểu tình phản đối việc phá bỏ bức tượng tướng Lee được dựng trong công viên Giải phóng (tên cũ là công viên Lee).
Người phụ nữ trẻ tên Heather Heyer đã thiệt mạng trong khi 19 người bị thương sau khi một chiếc xe lao vào đám đông tuần hành chống lại những nhóm ủng hộ da trắng. Theo nhà hoạt động dân quyền người Mỹ Al Sharpton, những gì xảy ra tại Charlottesville là ví dụ kinh khiếp cho việc lòng hận thù "được tạo điều kiện để lộng hành" trên đường phố Mỹ vào năm 2017.
Ông Sharpton, trong bình luận đăng trên Guardian, cho rằng "sự thù hận, thành kiến và phân biệt chủng tộc đã trở nên mạnh mẽ hơn, từ chuyện bên lề thành chuyện chính thống" và Tổng thống Trump "góp phần trong việc cổ vũ những nhóm thù hận bước ra khỏi bóng tối".
Hồi những năm 1980, khi còn là doanh nhân, ông Trump từng mua nguyên trang quảng cáo trên 4 tờ báo lớn để kêu gọi án tử hình đối với 5 thiếu niên người da màu và Latin trong vụ án hiếp dâm ở công viên Central Park. Những đứa trẻ này sau đó được xử trắng án song ông Trump chưa bao giờ xin lỗi.
Sau khi Barack Obama trở thành tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, ông Trump liên tục nói về tin đồn rằng ông Obama không phải là người sinh ra tại Mỹ và do đó không đủ tư cách làm tổng thống. "Ông ấy lại một lần nữa gieo hạt mầm của sự chia rẽ để phục vụ cho sự tiến thân của chính mình", Al Sharpton viết.
Từ khi bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã không ngừng đưa ra những bình luận gây tranh cãi về các cộng đồng thiểu số. Ông chủ trương xây tường biên giới để ngăn chặn người nhập cư từ Mexico, kêu gọi đóng cửa với người Hồi giáo. Ông không lên án những nhóm "da trắng thượng đẳng" công khai ủng hộ mình.
Cho đến khi sự việc xảy ra tại Charlottesville, ông Trump lại một lần nữa thổi bùng lên sự giận dữ bằng những tuyên bố gây tranh cãi. "Việc ông Trump không thể nói ra những từ KKK, phát xít hay chủ nghĩa thượng đẳng da trắng ngay lập tức, mà phải chờ cho đến khi ông bị thúc ép, đơn giản là không thể bào chữa", Sharpton mạnh mẽ tuyên bố.
Nhà bình luận Jelani Cobb của New Yorker cho rằng sự kiện Charlottesville đánh dấu một giai đoạn mới khi mà "vấn đề đạo đức trở nên mơ hồ", khi mà "sự khinh miệt, lòng oán giận và tính ưu việt chủng tộc được đem ra làm đối trọng với lý tưởng về tinh thần nhân văn phổ quát và viễn cảnh về một xã hội dân sự".
"Chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới của thời kỳ Trump. Sự rạn nứt mà ông Trump tìm mọi cách có được kể từ lần đầu tiên xuất hiện trong đời sống công chúng đã trở nên rõ ràng; nó trở nên chết chóc hơn và những kiến trúc sư của nó cũng ngày càng táo bạo hơn", Cobb viết.
"Những gì xảy ra ở Virginia không phải là trận chiến cuối cùng trong cuộc xung đột này. Đó có thể là tiền đề bi thương cho nhiều hơn những gì tương tự".
Sau cuộc tuần hành tại thủ đô Washington năm 1963, bài phát biểu Tôi có một giấc mơ của nhà hoạt động dân quyền Martin Luther King Jr. đã trở thành một trong những diễn ngôn có tiếng vang và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Mỹ.
"Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của bang Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ...
Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng".
Cuộc tuần hành ở Washington năm đó là một trong những cuộc tuần hành lớn nhất lịch sử Mỹ. Sự xuất hiện của hơn 250.000 người với đủ màu da, sắc tộc đã cho thấy những nỗ lực vĩ đại của rất nhiều người Mỹ nhằm hướng tới một xã hội công bằng, đa dạng.
Đến năm 2017, cuộc tuần hành ở Virginia diễn ra với quy mô nhỏ hơn nhiều, nhưng đó là sự phản chiếu một nước Mỹ sau gần 250 năm tồn tại vẫn chưa lấp được hố sâu ngăn cách bởi màu da và tư tưởng kỳ thị. Đó là bằng chứng cho thấy giấc mơ năm xưa của Luther King Jr. vẫn còn dang dở. Dù là ngọn đồi đất đỏ ở Georgia hay con phố ở Florida nơi cậu bé Trayvon Martin bị bắn chết, nước Mỹ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để xóa bỏ "bóng ma" kỳ thị chủng tộc đã ám ảnh từ ngày đầu lập quốc.