Phân biệt đối xử tại nơi làm việc là thực trạng khá phổ biến hiện nay. Ảnh: Florin. |
Theo CNN, các nhà nghiên cứu định nghĩa phân biệt đối xử là điều kiện không công bằng hoặc đối xử bất công tại nơi làm việc do những đặc điểm cá nhân, chẳng hạn chủng tộc, giới tính hoặc tuổi tác.
Nghiên cứu cho thấy việc tiếp xúc lâu dài sự phân biệt đối xử có thể làm hệ thống tim mạch của nhân viên bị suy yếu do các phản ứng căng thẳng liên tục xảy ra và dẫn đến huyết áp tăng cao.
Tác hại của việc phân biệt đối xử trong công việc
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cao huyết áp khiến các động mạch bị tổn thương và kém đàn hồi hơn. Lâu dần, quá trình này sẽ làm giảm lưu lượng máu và oxy đến tim. Đồng thời, cao huyết áp kéo theo nguy cơ mắc các vấn đề như đau tim và đột quỵ tăng lên đáng kể.
Trong nghiên cứu được công bố ngày 26/4 trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 1.246 người trong khoảng thời gian 2004-2006. Mỗi người tham gia cho biết họ không bị cao huyết áp khi bắt đầu nghiên cứu và đã được theo dõi trong khoảng 8 năm, tức là đến năm 2013 và 2014.
Để đánh giá mức độ phân biệt đối xử, người tham gia sẽ điền vào các cuộc khảo sát về việc họ có bị đối xử bất công ở nơi làm việc hay không, họ có cảm thấy bị theo dõi chặt chẽ hơn những người khác không, họ có thường cảm thấy bị phớt lờ và liệu họ có được thăng tiến công bằng hay không.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cũng hỏi về tần suất những lời nói tục tĩu hoặc đùa cợt về sắc tộc, chủng tộc và tình dục được nói ra trong môi trường làm việc của người tham gia khảo sát.
Kết quả nghiên cứu cho thấy sau 8 năm nghiên cứu, 319 người tham gia đã bị cao huyết áp. Những người bị phân biệt đối xử ở mức độ cao và trung bình lần lượt có nguy cơ mắc cao huyết áp là 54% và 22% so với những người trải qua phân biệt đối xử ở mức độ thấp.
Cao huyết áp kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch. Ảnh: Diabetes UK. |
Mở ra hy vọng về một môi trường làm việc tốt hơn trong tương lai
Tiến sĩ Eduardo Sanchez, Giám đốc y tế của hiệp hội tim mạch Mỹ, người không tham gia vào nghiên cứu, nhận định những phát hiện này giúp bổ sung cho nghiên cứu của hiệp hội, từ đó liên kết các công việc cụ thể với sức khỏe tim mạch kém ở phụ nữ.
Ông Sanchez cho biết công trình nghiên cứu nêu trên có thể khuyến khích người sử dụng lao động thừa nhận rằng công việc nên được coi là một yếu tố xã hội quan trọng quyết định sức khỏe.
"Người sử dụng lao động nên cố gắng tạo ra một môi trường chống phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, mọi người cũng nên nhận ra những nơi xuất hiện sự phân biệt đối xử dưới hình thức đùa cợt hoặc nhận xét chê bai", ông Sanchez nói.
Tiến sĩ Martha Gulati, Giám đốc phòng ngừa tại Viện Tim Cedars-Sinai Smidt, đánh giá mặc dù các bác sĩ tim mạch đang bắt đầu thấu hiểu tác động của sự phân biệt đối xử đến sức khỏe tim mạch, nhưng nó vẫn không phải là chuyên môn họ được đào tạo để thăm hỏi bệnh nhân.
Với kinh nghiệm điều trị cho nhiều bệnh nhân nữ, bà Gulati chia sẻ bản thân đã được đào tạo để hỏi thăm bệnh nhân về các yếu tố xã hội quyết định đến sức khỏe, bao gồm chế độ ăn uống, tình hình tài chính hoặc bảo hiểm.
"Thành thật mà nói, trước khi tôi đọc nghiên cứu này, tôi vẫn chưa nghĩ đến việc hỏi thăm bệnh nhân về sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc. Sau đó, tôi nhận ra điều này là cần thiết. Hơn nữa, nếu sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc được xác định sớm, tôi sẽ dễ dàng nói với bệnh nhân của mình về những rủi ro sức khỏe tiềm ẩn", bà Gulati nói.
Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu đến bạn đọc cuốn sách Câu chuyện từ trái tim - BS Nguyễn Lân Hiếu.
Câu chuyện từ trái tim của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu là tập hợp những ghi chép về các vấn đề thời sự xã hội, từ y tế, giáo dục đến môi trường, thể hiện trăn trở của tác giả trong các vấn đề xã hội.
Với văn phong nhẹ nhàng nhưng ngắn gọn do được ông viết trong khoảng thời gian giữa những ca mổ, cuốn sách như một giãi bày về nghề y, về trái tim người thầy thuốc và trái tim của bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân tim mạch.