Phải đến ngày thi đấu thứ 3, wushu Việt Nam mới giải cơn khát vàng sau khi hàng loạt nội dung được kỳ vọng thi đấu không thành công. Trong ngày 2/12, Phạm Quốc Khánh cũng thất bại ở nội dung côn thuật nam.
Tại SEA Games 30, wushu có thể coi là kỳ đại hội không quá thành công. Ở những SEA Games trước, đây là nội dung thường mở hàng cho Đoàn thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, Quốc Khánh về nhất ở nội dung nam quyền là HCV thứ 16 của thể thao Việt Nam tại đại hội lần này.
Phạm Quốc Khánh biểu diễn bài thi nam quyền. |
Giành HCV khi đã lớn tuổi
Sinh năm 1990, Phạm Quốc Khánh được coi là lão tướng tại đội tuyển wushu Việt Nam. Đối với wushu taolu - nội dung mang nhiều tính biểu diễn, các VĐV tham gia thi đấu khi còn rất trẻ và ở độ tuổi 29, nhiều người đã chuyển sang làm HLV.
Tuy nhiên, Quốc Khánh vẫn đang có duyên giành huy chương quan trọng. Tại SEA Games 30, anh giải cơn khát vàng cho wushu Việt Nam. Trước đó một năm, anh giúp đội nhà nâng cao thành tích tại đấu trường châu lục với tấm HCB Asian Games.
Khi niềm hy vọng vàng Dương Thúy Vi chỉ giành HCĐ, Quốc Khánh thi đấu xuất sắc ở nội dung côn thuật để có thêm HCB. Võ sĩ kỳ cựu này chia sẻ việc thi đấu với tâm lý thoải mái cùng kinh nghiệm dày dặn sau nhiều năm thi đấu là chìa khóa giúp anh tạo thi đấu tốt để giành HCB thứ hai cho Đoàn thể thao Việt Nam.
Trong sự nghiệp, nam VĐV này có nhiều danh hiệu ở sân chơi quốc tế. Đến nay, Phạm Quốc Khánh đã giành 14 huy chương (3 HCV, 8 HCB, 3 HCĐ) ở các giải quốc tế. Trong đó, 2 HCV SEA Games nội dung nam côn. Thành tích ấn tượng nhất của anh là HCV World Wushu Championships hồi năm 2007.
Phạm Quốc Khánh biểu diễn bài thi nam côn giành HCĐ SEA Games 30. Ảnh: Việt Linh. |
Từng suýt bỏ nghề
Với các VĐV thể thao chuyên nghiệp, đứt dây chằng là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Nhiều người phải giã từ sự nghiệp khi chưa được nếm mùi chiến thắng ở sân chơi quốc tế. Có người phải rời xa sàn đấu khi đang ở đỉnh cao.
Với Phạm Quốc Khánh, anh từng đứng trước nguy cơ giã từ sự nghiệp khi chưa đến 20 tuổi. Giải wushu trẻ thế giới 2009, anh phải tiêm tới 7 mũi giảm đau để ra sân biểu diễn. Sau đó, Phạm Quốc Khánh được chẩn đoán đứt hoàn toàn dây chằng đầu gối và cần nhiều thời gian để bình phục, sau ca phẫu thuật.
Vượt qua áp lực tâm lý nặng nề ở những ngày đầu điều trị, Quốc Khánh sớm trở lại tập luyện và chỉ 7 tháng sau ca mổ, anh đã trở lại sàn diễn và giành HCĐ.
Tập wushu từ năm 4 tuổi, Phạm Quốc Khánh đã có 25 năm theo nghiệp múa võ. Sở trường của anh là nam quyền, một trong hai nội dung được đánh giá khó nhất của nội dung taolu.
Tuy vậy, võ sĩ sinh năm 1990 lại thường gây ấn tượng ở đấu trường SEA Games bằng HCV côn thuật. Võ sĩ này còn gây ấn tượng bởi thời gian thi đấu mà còn từ thần thái anh phát ra trong mỗi bài thi.
Hiện tại, thần thái trình diễn (điểm kỹ xảo) không còn được đánh giá cao và quan trọng bằng kỹ thuật, Quốc Khánh vẫn có "võ" riêng để gây ấn tượng với ban giám khảo.