Theo lời khai, Phạm Công Danh mua lại ngân hàng Đại Tín (TrustBank) từ nhóm Phú Mỹ (nhóm bà Hứa Thị Phấn) với giá hơn 4.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Phấn cho rằng trên danh nghĩa ngân hàng đã được chuyển giao cho ông Hà Văn Thắm từ tháng 2/2012, mãi sau này mới ký hợp đồng chuyển cho ông Danh.
“Việc chuyển giao ngân hàng cho Hà Văn Thắm, sau đó ông Thắm mới có 1 buổi gặp với tôi và ông Danh. Tôi giao hết ngân hàng cho họ, hợp đồng do ông Thắm soạn và tôi ký, ông Thắm nói là Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận”, bà Phấn khai.
Chi nghìn tỷ mua ngân hàng nhưng đích Phạm công Danh ngắm tới khối BĐS của bà Phấn. |
Theo thông tin tại tòa, bà Phấn giao cho ông Danh tổng cộng 85% cổ phần, 9 ha đất quận 2 cùng 24 ha đất Nhà Bè. Ngoài ra còn cổ phiếu CTCK Đại Việt (65 tỷ đồng), cổ phần của Công ty Bảo hiểm Hùng Vương (27 tỷ đồng). Tổng cộng số tài sản là 4.619 tỷ đồng. Đồng thời, ông Danh chuyển 3.581 tỷ cộng với tiền lãi là hơn 3.618 tỷ cho bà Phấn.
Nhưng sau khi thực hiện giao dịch, Phạm Công Danh cho rằng, khối bất động sản mình nhắm tới lại khiến mọi việc trở nên tồi tệ do nắm “bất động”. Theo thỏa thuận hai bên, Phạm Công Danh mua lại ngân hàng từ phía bà Phấn, bao gồm cả các bất động sản mà nhóm bà Phấn đang sở hữu, với giá hơn 4.600 tỷ đồng.
Ông Danh tính, việc mua lại các bất động sản của nhóm 30 công ty mà bà Phấn đại diện, khi thị trường lên sẽ bán. Theo tính toán của Phan Thành Mai và Phạm Công Danh cho thấy, các tài sản trong đó có bất động sản sẽ giúp lãi khoảng 700 tỷ. Nhưng những tính toán này đã đi vào ngõ cụt, khi thị trường đóng băng.
“Tài sản kia tôi không bán được vì 30 doanh nghiệp không ủy quyền cho bà Phấn, và cũng không chịu ủy quyền cho tôi. Nên khi tôi trả nợ khoảng 3.600 tỷ (trong đó có 851 tỷ đồng đưa để lấy lại một số tài sản) rồi thì tôi không chuyển nữa. Trong khi đó, đây là nguồn tài sản tính toán khi lấy được sẽ bán đi để trả nợ cho nhóm bà Bích, nhưng tài sản lại không được giao. Cũng vì vậy tôi lại tiếp tục vay tiền của nhóm bà Bích để trả những khoản vay trước đó”, ông Danh khai trong phiên xử hôm nay, 3/8.
Trong ngày xét xử 2/8, bị cáo Phạm Công Danh đã bất ngờ nhờ tòa xem xét, đòi giùm ông số tiền mà nhóm Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn đại diện) đã nhận. Tuy nhiên, đến nay nhóm Phú Mỹ vẫn chưa trả cho Ngân hàng Xây dựng.
Ông Danh nói: “Tôi đến bây giờ vẫn không hiểu vì sao tôi không được nhận lại tài sản đó. Đến bây giờ vẫn rất tin tưởng bà Phấn nhưng không hiểu nhầm lẫn ở đâu, có thể từ phía bà Phấn, có thể từ phía tôi. Tôi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính nhưng không lấy được tài sản”.
Phản hồi thông tin đòi tài sản này, bà Phấn cho rằng, 24 ha đất Nhà Bè và 9 ha đất quận 2 không giao được cho ông Danh vì thế chấp Ngân hàng Đại Tín và chưa trả được lãi, nên ông Danh không cho lấy ra.
“Tôi nói ông Danh làm ơn xóa lãi để giải chấp. Ông Danh nói là chưa cần và sẽ làm những dự án lớn tại đây. Còn khẳng định 'cháu nhiều tiền lắm nên cô không phải lo', bà Phấn khai.
Xung quanh khoản tiền 3.581 tỷ đồng chuyển nhượng giữa Thiên Thanh với nhóm Phú Mỹ, bà Phấn cho rằng bà có nhận nhưng không được sử dụng. Khi bà rời ngân hàng là hoàn toàn tay trắng. Theo bà Phấn, mọi người đang hiểu nhầm là ông Danh chuyển 3.600 tỷ cho cá nhân bà nhưng không phải. Tiền này ông Danh chuyển vào một tài khoản tại Ngân hàng xây dựng để trả nợ cho nhóm Phú Mỹ.
Bà Phấn cũng phân trần về khoản tiền 851 tỷ đồng trái phép mà ông Danh đã trả cho bà: “Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã chấp thuận TrustBank tái cơ cấu. Việc ông Danh lấy tiền ở đâu đưa cho tôi thì tôi không biết. Trách nhiệm của tôi là giao hết tài sản cho ông Danh và tôi đã làm. Còn số tiền 851 tỷ đồng bảo tôi trả thì tôi không có tiền trả”.
Xâu chuỗi lại sự việc có thể thấy, Phạm Công Danh bỏ hàng nghìn tỷ để mua lại TrustBank là nhắm đến các bất đọng sản liên quan. Khi làm chủ ngân hàng, Danh đã bị sốc vì không ngờ ngân hàng lại xấu, thanh khoản thiếu hụt khi chỉ cần rút 1-2 tỷ ra là đã khó. Trong khi đó, khối tài sản được nhắm đến vẫn nằm bất động khiến Danh vất vả chống đỡ với các khoản vay.
Tham gia vào đề án tái cơ cấu TrustBank, Phạm Công Danh đại diện cho nhóm cổ đông gồm 20 người. Tuy nhiên, phần lớn các cổ đông này đều không có năng lực tài chính mà chỉ đứng tên trong việc góp vốn.
Nguồn tiền để tái cơ cấu ngân hàng chủ yếu đến từ Tập đoàn Thiên Thanh. Theo ông Danh, năng lực tài chính của tập đoàn Thiên Thanh lúc đó rất vững, tài sản là bất động sản khá lớn.
Danh cho rằng, giai đoạn 2011- 2013 tình hình Đại Tín rất khó khăn, việc cho vay tiếp không được và hầu như chỉ thu nợ. Khi tiếp quản ngân hàng, Danh thực sự sốc vì chi phí chăm sóc khách hàng quá lớn, có thời điểm lên đến 6-7%. Lãi suất vượt trần không đúng với quy định của NHNN.