Theo cáo trạng, chỉ trong vòng 2 năm, Phạm Công Danh và đồng phạm đã làm thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của VNBC.
Toàn bộ số tiền bị thất thoát này, Phạm Công Danh dùng để trả nợ nhận chuyển nhượng VNCB, trả nợ thay cho tập đoàn Thiên Thanh và trả tiền hoa hồng cho những người huy động vốn.
Để đảm bảo cho việc khắc phục hậu quả, các cơ quan tố tụng đã kê biên nhiều tài sản có giá trị của Phạm Công Danh cũng như các đồng phạm.
Bị cáo Phạm Công Danh.
|
Cụ thể, trong quá trình thực hiện lệnh bắt khám xét đối Phạm Công Danh, cơ quan điều tra đã thu được nhiều tài sản có giá trị như: 217 triệu đồng và 121.900 USD mang theo người; 500.000 USD thu ở phòng 1008 khách sạn Sofitel Hà Nội.
Cơ quan điều tra cũng đã thu giữ 21 sổ chứng nhận sở hữu cổ phần tại VNCB và các giấy tờ ủy quyền ký sẵn liên quan đến 84% cổ phần VNCB của Phạm Công Danh. Hiện các giấy tờ này chỉ có giá trị chứng minh 84% cổ phần đó là của ông Phạm Công Danh. Danh nhờ người thân quen đứng tên, chứ không còn giá trị thực tế, vì VNCB đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng/cổ phần.
Ngoài ra, có 37 bất động sản của Phạm Công Danh hoặc thuộc sở hữu của các công ty thuộc tập đoàn Thiên Thanh đang là tài sản đảm bảo tại một số ngân hàng: Phương Nam; Agribank chi nhánh Tân Phú; Agribank chi nhánh Láng Hạ; Ngân hàng Xây dựng và một số tài sản này dùng để góp vốn với công ty cổ phần PVI.
Trong số 37 bất động sản này: Có 14 bất động sản tại TP HCM; 1 tại Bình Dương; 1 tại Bà Rịa - Vũng Tàu; 7 bất động sản và 10 lô đất là sân vận động Chi Lăng tại TP HCM, 1 tại Quảng Nam, 3 tại Quảng Ngãi.
Cơ quan điều tra cho biết, ngoại trừ bất động sản tại Đà Nẵng, tổng số bất động sản còn lại được định giá tài sản là 624 tỷ đồng.
Cũng theo cơ quan điều tra, số dư tài khoản của Phạm Công Danh và các công ty của Phạm Công Danh tại Ngân hàng Á Châu là 3.629 tỷ đồng, và số dư còn lại ở VNCB là 1.377 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 19/7, Tòa án Nhân dân TP HCM mở phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Theo cáo trạng, chỉ trong 2 năm (từ cuối năm 2012 đến đầu 2014) tổng số tiền mà Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB đến thời điểm khởi tố vụ án là hơn 9.000 tỷ đồng.
Đồng phạm tích cực giúp sức cho ông Danh là dàn lãnh đạo cấp dưới của VNCB gồm Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên Tổng giám đốc); Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên TV HĐQT), Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Giám đốc và Phó giám đốc phụ trách VNCB chi nhánh Sài Gòn) cùng hơn 30 bị cáo nguyên là cán bộ VNCB, nhân viên các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và công ty đối tác của VNCB.
Đáng lưu ý, trong số này, nhiều nhân viên đang làm các công việc bảo vệ, rửa xe... đã được đề nghị đứng tên làm giám đốc rất nhiều công ty với mục đích vay tiền VNCB.