Theo CB, từ tháng 3/2015 đến tháng 5/2015, ngân hàng đã khởi kiện công ty Phương Trang, liên quan đến 10 bộ hồ sơ vay của công ty này với tổng vốn vay khoảng 3.000 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra tại sao công ty Phương Trang lại có số nợ lớn như vậy?
Theo nguồn tin của BizLIVE, Công ty Phương Trang thực hiện vay vốn của CB từ thời ngân hàng này mang thương hiệu ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank).
Công ty Phương Trang trước khi có quan hệ tín dụng với TrustBank đang thực hiện vay vốn tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).
Ảnh minh họa |
Với mối quan hệ của chủ TrustBank lúc đó đã kéo Công ty Phương Trang về với TrustBank, bằng cách chuyển nợ của Công ty Phương Trang từ SCB về TrustBank.
Trong những hợp đồng vay vốn của Công ty Phương Trang tại TrustBank có hợp đồng vay nợ để mua xe khách và thế chấp bằng chính xe mua.
Trong khi đó, công ty này không chỉ quan hệ tín dụng với một mình TrustBank mà với nhiều ngân hàng khác. Theo đó, nguồn thu từ vận tải hành khách của Phương Trang không chuyển hết về TrustBank.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho TrustBank, logo của ngân hàng được quảng cáo trên xe khách của Công ty Phương Trang. Chương trình này được thực hiện một thời gian cho đến khi TrustBank đổi chủ và đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng (VNCB).
Một vấn đề quan trọng dẫn đến sai phạm trong cho vay, là TrustBank đã nâng giá trị tài sản đảm bảo của Công ty Phương Trang lên gấp nhiều lần giá trị thực, để nâng mức tín dụng cho vay đối với công ty này.
Để hậu thuẫn cho việc nâng khống giá trị tài sản đảm bảo, Công ty Phương Trang sẽ chuyển gần 1/2 số tiền vay được cho người chủ của TrustBank lúc đó, theo phương thức quan hệ dân sự.
Theo đó, với hợp đồng tín dụng ký giữa TrustBank và Công ty Phương Trang thì công ty này nghiễm nhiên chịu trách nhiệm toàn bộ về những khoản vay đã ký, dù không được “xài” hết tiền vay.
Khi Công ty Phương Trang gặp khó khăn trong kinh doanh, không có khả năng trả nợ đầy đủ, cũng là lúc mâu thuẫn giữa hai bên: chủ TrustBank – Công ty Phương Trang về khoản tiền đã chia chác.
Đến nay, khoản nợ này đang là vấn đề khó xử lý đối với CB, khi Phương Trang muốn món nợ của chủ TrustBank lúc trước được cấn trừ vào khoản nợ của Phương Trang tại CB hiện nay.
Tuy nhiên, về mặt pháp lý, chủ TrustBank không vay vốn tại TrustBank, nên không đồng ý cấn trừ. Thêm nữa, đây là việc vay vốn dựa trên quan hệ dân sự giữa Công ty Phương Trang và chủ của TrustBank, không liên quan đến TrustBank.
Yếu tố quan trọng là nếu chủ của TrustBank đồng ý cấn trừ nợ với CB thì phải đưa tài sản đảm bảo cho ngân hàng.
Sự việc nhùng nhằng đến tận bây giờ, khiến CB không xử lý được dứt điểm nợ xấu với Công ty Phương Trang, buộc ngân hàng phải khởi kiện ra tòa.
Theo CB, từ nay đến cuối năm 2016, ngân hàng sẽ củng cố hồ sơ, tiến hành khởi kiện và xử lý tài sản toàn bộ khách hàng vay thuộc nhóm Công ty Phương Trang theo đúng quy định của pháp luật căn cứ trên quyền chủ nợ đầy đủ và hợp pháp của CB.
Bên cạnh khoản nợ xấu khó xử lý này, điều khiến CB lâm vào tình trạng bị mua 0 đồng còn do chủ tiếp theo của CB lúc đó là ông Phạm Công Danh đã “khoét” một khoản tiền “khủng” tới 18.000 tỷ đồng, khiến cho ngân hàng này âm vốn chủ sở hữu.
Hành trình trở về là ngân hàng lành mạnh, phát triển mạnh mẽ đối với CB còn gian nan khi còn những khoản nợ xấu khó xử lý như thế này.