Trong cuốn Họ đã làm gì để thay đổi thế giới: Câu chuyện của 25 doanh chủ vĩ đại, tác giả, nhà báo John Byrne đã mang đến cho độc giả cái nhìn sâu sắc về 25 doanh nhân vĩ đại đương thời (những người đã thay đổi thế giới khi sản phẩm hoặc dịch vụ của họ đã đi vào đời sống của chúng ta, làm thay đổi cách chúng ta sống, cách chúng ta nghĩ, cách chúng ta làm việc, giải trí và nhìn nhận về thế giới hiện nay).
Sách Họ đã làm gì để thay đổi thế giới: Câu chuyện của 25 doanh chủ vĩ đại. Ảnh: MC. |
Làm việc, thể hiện bản thân và hoài bão
Qua các cuộc phỏng vấn / trò chuyện cùng: Jeff Bezos của Amazon, Bill Gates của Microsoft, Phil Knight của Nike, cặp đôi Larry Page - Sergey Brin của Google, Richard Branson của Virgin, Howard Schultz của Starbucks…, John Byrne không chỉ chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa những nhân vật rất thành công và xứng đáng được tôn vinh này, mà còn nêu những phẩm chất cốt lõi làm nên tên tuổi của họ.
Nói về điểm tương đồng giữa các doanh chủ này, John Byrne cho biết, có thể điểm xuất phát của họ không giống nhau, nhưng họ có những điều được cho là cốt lõi của tình thần khởi nghiệp - bộ mã gene chung của những người làm việc để thể hiện bản thân và hoài bão của mình.
Điểm tương đồng nữa là những doanh chủ này không nghĩ cho bản thân khi làm chủ doanh nghiệp. Họ suy nghĩ về thế giới bên ngoài. Tất cả doanh nghiệp thành công đều nhận ra được các nhu cầu có thực ngoài xã hội. Họ không nghĩ cách làm giàu. Tầm nhìn của họ là phát triển sản phẩm và dịch vụ hay những ý tưởng nhằm đáp ứng các nhu cầu mà họ nhìn ra.
Tinh thần lạc quan
Đề cập đến phẩm chất cốt lõi của các doanh chủ làm thay đổi thế giới, John Byrn cho biết họ có ba phẩm chất quan trọng đó là: Tinh thần lạc quan; chấp nhận rủi ro và khả năng thất bại; sự độc lập và tự chủ.
Nói về tinh thần lạc quan, John Byrne cho biết, khi người khác thấy trở ngại thì doanh chủ lại nhìn thấy cơ hội. Có thể đó là kiểu suy nghĩ đơn giản, thậm chí lãng mạn của kẻ khởi nghiệp. Thế nhưng, rất nhiều doanh nghiệp vĩ đại đã được tạo ra bởi những người có khả năng nhìn ra cơ hội trong một thị trường đông đúc và hỗn loạn.
Có thể kể đến trường hợp của Larry Page - Sergey Brin trước thử thách trí tuệ lớn lao đồng thời là cơ hội kỳ diệu của họ đó là tổ chức một khối lượng thông tin lớn của thế giới. Mặc dù vào thời điểm đó, họ vẫn không hình dung ra bằng bằng cách nào một công cụ tìm kiếm có thể đẻ ra tiền.
Hay như trường hợp của Zeff Bezos, khi thấy tốc độ phát triển thần kỳ của Internet, ông đã từ bỏ công việc ở NewYork chuyển tới vùng ngoại ô Seattle và xây dựng Amazon.com trong một gara để xe. Sau đó, ông lập tức nắm lấy cơ hội sử dụng Internet để cung cấp cho khách hàng hàng loạt lựa chọn đa dạng cho mỗi sản phẩm với mức giá rẻ nhất có thể.
Các doanh chủ làm thay đổi thế giới có ba phẩm chất quan trọng đó là: Tinh thần lạc quan; chấp nhận rủi ro và khả năng thất bại; sự độc lập và tự chủ. Nguồn: linkedin. |
Chấp nhận rủi ro và khả năng thất bại
Nói về chấp nhận rủi ro và khả năng thất bại, John Byrne cho biết, các doanh chủ làm thay đổi thế giới sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn hầu hết kiểu doanh nhân khác, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ là những kẻ liều lĩnh hay không nhìn ra thất bại.
Trong hầu hết trường hợp họ đều tính toán rất kỹ các rủi ro, rất thận trọng và luôn đảm bảo bản thân đã đánh giá cả cơ hội và các rủi ro mà doanh nghiệp của mình sẽ phải đối mặt một cách cẩn thận.
John Byrne cũng cho biết các doanh chủ làm thay đổi thế giới luôn sẵn sàng đón nhận mọi rủi ro đi kèm với với việc sáng tạo ra những thứ mới mẻ và họ cũng chấp nhận cả khả năng chính họ đã sai, thậm chí là sai sót chết người.
Trong thế giới của những nhà đầu tư mạo hiểm, thất bại được xem là tấm huy chương danh dự. Các doanh chủ cũng quan niệm bài học từ những thất bại của buổi đầu khởi nghiệp là những kinh nghiệm quan trọng cho thành công trong tương lai.
Zeff Bezos từng nói: “Điều nguy hiểm nhất là bạn không chịu phát triển, không cải tiến, không sáng tạo, không mang lại những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Nếu bạn sáng tạo trong lĩnh vực mới, bạn phải chuẩn bị tinh thần cho những thất bại liên tiếp. Thất bại là một phần của sáng tạo và phát minh. Nếu bạn biết chắc ý tưởng của bạn khả thi thì nó không còn là một thử nghiệm nữa. Amazon.com ban đầu cũng chỉ là một thử nghiệm lớn mà thôi”.
Sự độc lập và tự chủ
Nói về sự độc lập và tự chủ, John Byrne cho biết các doanh chủ làm thay đổi thế giới coi phẩm chất này không chỉ là một ham muốn mà còn là một nhu cầu. Lý do là họ có động lực và lòng can đảm để hành động dựa trên những nhu cầu mà người khác không bao giờ làm.
Theo John Byrne, các doanh chủ thường có sự tập trung kiểm soát nội vi rất mạnh, nhờ đó họ cũng có xu hướng đầu tư mạo hiểm hơn. Bên cạnh đó, họ còn có những phẩm chất quan trọng như sức bền, động lực và sự kiên định.
Họ sống với những điều họ tin tưởng, tạo dựng thành công trên hệ thống giá trị và văn hóa mạnh mẽ. Họ tìm kiếm các thị trường ngách hoặc lỗ hổng của các thị trường. Họ là kiến trúc sư của một tầm nhìn duy nhất khiến họ đam mê và theo đuổi. Họ không phải là những người chạy theo số đông, nhưng cũng là những thành viên nhóm tích cực. Họ có tham vọng tạo dựng một mạng lưới, xây dựng một hệ thống tài chính, nhân sự và đội ngũ kỹ thuật thân thiện.
Cuối cùng, mỗi doanh chủ đều trải qua hàng loạt giai đoạn của hoạt động kinh doanh. Họ cũng đối mặt với bất cứ thách thức mà bất kỳ tổ chức thành công nào cũng phải trải qua. Thách thức trong những ngày đầu tiên thường là tiếp cận vốn, tìm người hướng dẫn và tạo dựng quan hệ. Trong giai đoạn phát triển, thách thức hàng đầu là cân bằng giữa tinh thần làm chủ với sự kiểm soát trong tổ chức…
John Byrne tin rằng những doanh chủ làm thay đổi thế giới mà ông có vinh dự được trò chuyện sẽ mang đến cho chúng ta một kho báu tri thức. Cụ thể hơn là cho chúng ta biết phương pháp nắm bắt cơ hội, xây dựng các công ty có ý nghĩa với cộng đồng và tồn tại bền vững, dẫn dắt con người, suy nghĩ sáng tạo, vượt qua các chướng ngại vật… và biết cách giành chiến thắng.