Từ khi theo đuổi đam mê xê dịch, Ngọc Hân (23 tuổi, Bắc Giang) đã đặt chân tới 28 tỉnh, thành của Việt Nam. Hè năm nay, cô dự định đi xuyên Việt hoặc vào miền Tây chơi nhưng phải hoãn lại vì dịch.
Khoảng 2 tuần trước, khi xe khách được phép chạy trở lại, Hân có kế hoạch đi Hà Giang hoặc Sa Pa cho đỡ “cuồng chân”.
Tuy nhiên, cô chưa kịp thực hiện thì Bắc Giang chuyển vùng đỏ vì có nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2.
“Chuyến đi xa cuối cùng của mình là dịp lễ 30/4-1/5, còn lại chỉ ở nhà dạy học online và đi test Covid-19. Đợt hè, mình phải test một lần/tuần, nhìn thôi đã thấy ám ảnh. Mình không dám ra đường vì có thể bị phạt, lại còn nhiều ca mắc ngoài cộng đồng. Không khí ngột ngạt, nửa đêm vẫn nghe tiếng xe cứu thương văng vẳng, không còn tâm trí nào nghĩ đến chuyện đi du lịch”, cô giáo tiểu học 23 tuổi kể với Zing.
Dịch bệnh căng thẳng khiến Ngọc Hân không còn tâm trí nghĩ đến việc du lịch. |
Trước đây, Hân đi du lịch không chỉ để thỏa mãn đam mê, làm giàu thêm vốn sống mà còn kiếm thêm thu nhập. Dịch bệnh liên tiếp bùng phát trở lại khiến cô cảm thấy khó khăn.
“Lúc nào mình cũng giữ niềm tin sắp hết dịch rồi, cố gắng lên nhưng hết đợt này lại nối đợt khác, thật sự rất mệt mỏi. Các anh, chị, em làm tour dựa hoàn toàn vào du lịch còn vất vả hơn nhiều. Không ít người phải vay mượn để trang trải cuộc sống vì không có khách đồng nghĩa không có tiền”, cô nói.
Theo Hân, việc cô tạm dừng đi du lịch, ngay cả khi đã tiêm 2 mũi vaccine, nhằm đảm bảo cho sức khỏe của bản thân và cộng đồng.
Tương tự Ngọc Hân, hậu giãn cách, dù nhiều hạn chế được dỡ bỏ, không ít người chưa tự tin đi lại vì ám ảnh, sợ bùng dịch. Họ cho biết sẽ kiên nhẫn chờ đến khi Covid-19 được đẩy lùi, du lịch phục hồi mới trở lại với đam mê xê dịch.
Không ủng hộ du lịch “trả thù”
Trước Covid-19, Anh Vũ (27 tuổi, Đắk Lắk) xê dịch 3-4 lần/năm, mỗi chuyến cách nhau 2-3 tháng. Anh hầu hết đi phượt bằng xe máy và sản xuất video du lịch.
Từ khi dịch diễn biến phức tạp, chàng trai phải chôn chân ở nhà, nguồn video cũng cạn kiệt.
Chuyến đi gần đây nhất của Vũ là vào giữa tháng 3. Đầu tháng 4, anh lên lịch trình khám phá Phú Quốc nhưng phải hủy khi chỉ còn cách vài ngày.
“Tình hình dịch bệnh ở Đắk Lắk ngày càng căng thẳng. Thời gian đầu, mình thường xem lại các clip cũ cho đỡ buồn nhưng như thế lại càng muốn đi. Vì vậy, mình tập trung vào công việc khác để bận rộn hơn”, anh nói.
Anh Vũ không ủng hộ xu hướng xê dịch “trả thù” hậu giãn cách vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp. |
Theo Vũ, để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người, anh có thể đợi năm sau mới lên lịch đi du lịch trở lại.
“Theo mình, hậu giãn cách, mọi người hoàn toàn không nên du lịch ‘trả thù’. Du lịch là để trải nghiệm, tìm kiếm sự thoải mái, thư giãn đầu óc chứ không phải đi để lấy thành tích. Nên kiên nhẫn chờ khi dịch được kiểm soát, hầu hết người dân được tiêm 2 mũi vaccine sẽ an toàn hơn”, anh nói.
Đồng quan điểm với Anh Vũ, Bảo Ngọc (27 tuổi, Hà Nội) cũng không ủng hộ xu hướng du lịch “trả thù” hậu Covid-19.
Trước khi bùng dịch, cứ cách 2 tháng, Ngọc đi du lịch một lần, cả trong và ngoài nước. Bởi vậy, khi phải ở yên trong nhà nhiều tháng, cô không tránh khỏi “cuồng chân”, bí bách trong người.
Tuy nhiên, thành phố hết giãn cách chưa lâu, dịch lại có nguy cơ bùng trở lại, Ngọc chưa vội lên kế hoạch du lịch để đảm bảo an toàn.
“Chuyến đi gần nhất của mình là vào tháng 3. Giờ lâu không đi đâu cũng rèn được sức chịu đựng. Mình sẽ chờ hết dịch đi nơi nào đó ít khói bụi, nhiều khí trời và đồ ăn ngon”, cô nói.
Sau khi hết giãn cách chưa lâu, Bảo Ngọc chưa vội lên kế hoạch du lịch để đảm bảo an toàn. |
Ngưỡng tâm lý khác nhau
Sau thời gian dài chôn chân trong nhà vì Covid-19, nhiều người bùng nổ khao khát khám phá những địa điểm mới trong bối cảnh dịch phần nào được kiểm soát, vaccine xuất hiện. Hiện tượng này được gọi là là “du lịch trả thù”, theo HuffPost.
Eric Jones, đồng sáng lập tạp chí du lịch The Vacationer, nhận định: “Nhiều người trên khắp thế giới đã thay đổi hoặc hủy bỏ hoàn toàn các kỳ nghỉ vào năm ngoái. Vì vậy, họ đang tìm cách thỏa mãn cơn khát du lịch của mình. Thuật ngữ ‘du lịch trả thù’ phản ánh sự thật rằng dịch Covid-19 dần mất đi quyền kiểm soát cuộc sống, bao gồm cả việc hủy bỏ các kế hoạch du lịch ”.
Đồng quan điểm trên, Pablo Caspers, giám đốc công ty du lịch eDreams ODIGEO (Tây Ban Nha), cho biết: “Nghiên cứu toàn cầu của chúng tôi cho thấy mọi người có mong muốn đi du lịch mạnh mẽ vào năm 2021, với 70% lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của họ. Một xu hướng bắt đầu xuất hiện là lựa chọn điểm đến quen thuộc và gần”.
Tuy nhiên, ông Caspers nhận định khi dịch chưa kết thúc, du khách sẽ thận trọng hơn và tìm kiếm các khuyến nghị về an toàn và sức khỏe. Những nhà hàng, khách sạn và điểm du lịch áp dụng đúng biện pháp phòng ngừa Covid-19 sẽ tăng lượng khách tìm đến.
Ngưỡng tâm lý của mỗi người khác nhau dẫn đến lựa chọn khác nhau về việc đi lịch hậu giãn cách. |
Từng chia sẻ với Zing, chuyên gia tâm lý Nguyễn Hà Thành nhận định trong bối cảnh bình thường mới, nhiều người không tự tin ra ngoài và từ chối tháo khẩu trang. Đó là phản ứng tất yếu để phòng vệ.
“Trong xã hội, có rất nhiều người với tính cách khác nhau. Khi hết giãn cách, mọi thứ mở cửa trở lại, có người sẵn sàng đi ra trước, có người chọn thận trọng hòa nhập lại theo cách họ thấy ổn nhất vì ngưỡng của mỗi cá nhân là khác nhau”, chị nói.
Erika Richter, giám đốc cấp cao về truyền thông của Hiệp hội Cố vấn Du lịch Mỹ, cũng cho rằng cuộc sống bình thường mới là điều cần thiết trước khi mọi người sẵn sàng đi du lịch trở lại.
“Còn quá sớm để biết khi nào mọi người có thể gạt bỏ ám ảnh tâm lý và xê dịch trở lại”, bà nói.