Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phải phát triển buýt trước khi nghĩ đến thu phí ôtô vào nội đô Sài Gòn

Nhiều chuyên gia cho rằng TP.HCM cần sớm phát triển hệ thống xe buýt chất lượng, hiện đại để thu hút người dân sử dụng trước khi nghĩ đến chuyện thu phí ôtô vào nội đô.

Quy trình thu phí ôtô vào trung tâm Sài Gòn Nhà đầu tư sẽ thu phí ôtô vào nội đô TP.HCM bằng các trạm khép kín, sử dụng công nghệ tích hợp hiện đại. Đề án dự kiến áp dụng từ năm 2020.

Đ

ề án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều, băn khoăn của các chuyên gia giao thông, doanh nghiệp và cả người dân thường xuyên ra vào trung tâm Sài Gòn. 

Đề xuất hơn 4 năm

Đề cập lại câu chuyện thu phí ôtô vào trung tâm, chuyên gia giao thông Phạm Sanh e ngại tính hiệu quả của đề án. Ông cho rằng đề án đã được đề xuất hơn 4 năm nay nhưng gặp nhiều bất cập nên chưa thể triển khai.

Ông Sanh đặt câu hỏi nếu không đi xe ôtô thì TP có phương tiện công cộng có đủ sức hút người dân chưa? Vì nếu chi phí những phương tiện này cao hoặc không thu hút, người dân vẫn chấp nhận đóng phí để đi ôtô vào khu nội thành.

Còn tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, cho rằng nếu triển khai thu phí ôtô vào trung tâm thành phố thì sẽ có hiệu quả nhất định. Khi bị thu phí thì người ta sẽ cân nhắc nhu cầu của mình có vào trung tâm hay không. Người nào thấy không cần thiết mà tốn tiền thì sẽ không đi ôtô. Lúc đó, lưu lượng ôtô vào trung tâm sẽ giảm xuống rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Cương cũng lưu ý rằng, thu phí ôtô vào trung tâm thì tác động đến nhiều mặt xã hội chứ không riêng gì giao thông. Chẳng hạn như giảm hấp dẫn đầu tư vào khu trung tâm vì người ta thấy phiền hà. Tất nhiên, vấn đề này cần phải có nghiên cứu và điều tra xã hội học. Do đó, việc thu phí ôtô phải có nghiên cứu sâu. 

Nhiều người dân, doanh nghiệp, tài xế cũng bày tỏ sự lo lắng khi đề cập đến chuyện thu phí ôtô vào trung tâm. Anh Lê Thành Khánh (quận 3, TP.HCM), chủ cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, lo lắng nếu đề án được chấp thuận, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của cửa hàng.

"Nhà tôi ở quận 2, một ngày ôtô gia đình và xe tải nhỏ chở nguyên vật liệu ra vào trung tâm nhiều lần. Nếu thu phí ôtô vào trung tâm, tôi phải tốn thêm một khoản tiền lớn cho 2 xe. Quan điểm của tôi thì thu mà giảm kẹt xe thì người dân cũng chấp nhận, sợ thu phí rồi nhưng ùn tắc vẫn xảy ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm?", anh Khánh nói. 

Còn anh Phạm Văn Tình (lái xe hãng Mai Linh, khu vực Thủ Đức) cho biết hàng ngày phải thường xuyên chở khách vào trung tâm TP. Hiện các xe không những đóng phí tu dưỡng đường bộ hàng năm mà còn đóng phí BOT xa lộ Hà Nội, phí cầu Phú Mỹ, phí vào sân bay... "Giờ đóng thêm phí vào trung tâm nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của anh em tài xế", anh Tình chia sẻ. 

Không nên "rập khuôn" theo nước ngoài

Trao đổi với Zing.vn, đại diện nhà đầu tư công nghệ đề án thu phí ôtô vào nội đô cho rằng việc thu phí sẽ đánh vào túi tiền của người dân, làm người dân suy nghĩ khi sử dụng phương tiện cá nhân, giúp giao thông trung tâm giảm ùn tắc. Hiện nhiều nước áp dụng và hiệu quả thấy rõ như Singapore.

Chia sẻ câu chuyện áp dụng mô hình từ nước khác về TP, tiến sĩ Võ Kim Cương cho rằng đừng quá rập khuôn các phương án chống ùn tắc ở nước ngoài. Thực tế, mỗi quốc gia có một đặc điểm văn hóa, xã hội riêng. Những phương pháp thành công ở nước ngoài chưa hẳn phù hợp với tình hình Việt Nam. Nếu áp dụng không hợp lý thì dễ khiến ùn tắc nặng nề hơn.

TS Phạm Sanh cũng nhận định TP phải suy nghĩ, tính toán kỹ. TP cần phải chọn nhà đầu tư phù hợp, kiểm tra công nghệ, thiết kế, giá thành... Hiện nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ áp dụng giải pháp này thành công như Singapore nhưng Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc) lại thất bại.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhận định đây là đề án thu phí chống ùn tắc vào nội đô thành phố, không phải thu phí bảo trì đường bộ. Mục tiêu dự án không phải để kinh doanh, thu tiền người dân mà nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông Cường, về mặt pháp lý, việc thu phí chống ùn tắc chưa có trong quy định. Tuy nhiên, thành phố đã có kiến nghị T.Ư. cho phép áp dụng quy chế đặc thù được triển khai áp dụng việc thu phí này. Tiền thu phí sẽ do thành phố quản lý.

Hiện chủ đầu tư đang tiếp nhận góp ý của các sở, ngành hoàn thiện, làm rõ những vấn đề còn chưa thống nhất. Nếu dự án khả thi thì đến năm 2020 sẽ triển khai để đồng bộ với tuyến metro số 1.

Năm 2010 UBND TP.HCM chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Hai năm sau đề án chính thức được trình UBND TP.HCM nhưng sau đó bị ngưng.

Đến cuối năm 2016, UBND TP yêu cầu Sở GTVT phối hợp với đơn vị đề xuất chỉnh sửa, hoàn thiện đề án và xem đây như một trong những giải pháp giảm ùn tắc giao thông ở trung tâm.

Theo Sở GTVT đây là giải pháp góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng ở TP.HCM. Dự án sẽ được báo cáo với UBND TP.HCM trong thời gian tới nhằm sớm đưa vào áp dụng. 

Thu phí ôtô vào nội đô, trung tâm Sài Gòn có giảm kẹt xe?

Nhà đầu tư giải pháp công nghệ đề án thu phí ôtô vào trung tâm TP.HCM cho rằng việc này có lợi cho phần đông người dân, hạn chế ôtô ra vào trung tâm sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông.

TP.HCM thu phí ôtô vào nội đô: Coi chừng phản tác dụng

Theo chuyên gia JICA việc thu phí ôtô vào nội đô sẽ khiến người dân dùng xe máy, mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân sẽ bị phản tác dụng.

Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm