Reuters dẫn hai nguồn tin từ chính quyền Mỹ cho biết phái đoàn Washington bao gồm quan chức Bộ Ngoại giao, Cộng đồng Tình báo và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Về phía Taliban, các thành viên nội các sẽ tham dự cuộc gặp.
"Cuộc gặp trên tiếp nối các cam kết thực dụng của Mỹ với Taliban liên quan đến lợi ích quốc gia, không phải để công nhận (chính quyền Taliban)", đại diện Mỹ nói.
Theo quan chức Mỹ, sự công nhận đối với Taliban phụ thuộc vào các hành động của chính lực lượng này.
Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid trong một cuộc họp báo tại sân bay ở Kabul hôm 31/8. Ảnh: AFP. |
Trong cuộc gặp, Mỹ sẽ gây sức ép buộc Taliban đảm bảo công dân Mỹ và các quốc gia khác di chuyển an toàn ra khỏi Afghanistan, đồng thời yêu cầu lực lượng Hồi giáo thả Mark Frerichs - một người Mỹ bị nhóm này bắt cóc.
Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của Mỹ là duy trì cam kết từ Taliban, không biến Afghanistan thành địa điểm hoạt động của Al Qaeda hay các phần tử cực đoan khác.
Phía Mỹ sẽ thúc ép nhóm này cải thiện khả năng tiếp cận viện trợ nhân đạo trong thời điểm Afghanistan đang đối mặt với viễn cảnh "suy giảm kinh tế nghiêm trọng".
Mỹ và các nước phương Tây cố gắng mở kênh tương tác với Taliban nhưng không công nhận chính quyền mới, để đảm bảo người dân ở Afghanistan vẫn có thể tiếp cận viện trợ.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hoạt động rút lui do Mỹ dẫn đầu đã kéo theo khoản sụt giảm nguồn viện trợ vốn đóng góp 75% chi tiêu công của Afghanistan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết Mỹ đã trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho công dân rời khỏi Afghanistan sau ngày 31/8 - thời điểm lực lượng Mỹ hoàn tất rút quân - nhưng từ chối cung cấp con số chính xác về những người ở lại.