Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phải chăng thành công là hạnh phúc

Theo giáo sư Hyungseok Kim những người có thể phát huy hết tài năng, khả năng vốn có của bản thân là người hạnh phúc và thành công.

Có những người muốn có được tất cả, cũng có người không mong cầu điều gì. Nhưng hạnh phúc thì ai cũng khát khao. Đó là lời của nhà triết học Aristoteles.

Nhưng nếu được hỏi hạnh phúc là gì thì mỗi người lại có cho mình một câu trả lời khác nhau. Định nghĩa hạnh phúc tùy thuộc vào quan điểm chủ quan của mỗi người và cho dù cùng một nội dung thì tùy theo thời gian và địa điểm, nội dung về hạnh phúc ấy cũng có thể thay đổi.

Hạnh phúc đối với mỗi người cũng không nhất thiết phải giống hệt nhau. Có người hạnh phúc vì có tiền nhưng có người vì tiền mà cảm thấy bất hạnh.

Mỗi độ năm mới, chúng ta lại chúc phúc cho nhau. “Phúc” trong câu này mang ý nghĩa là may mắn. Đó là “phúc vận” tự tìm đến, chứ không phải là phúc có được từ những lựa chọn và nỗ lực của mỗi người. Điều này cũng giống như mong ước trúng xổ số độc đắc. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là trúng số sẽ khiến người ta trở nên hạnh phúc. “Phúc” tìm đến một cách “miễn phí” thường sẽ lấy đi nhiều hơn những gì ta nhận được.

Song tram nam toi thay anh 1

Những người có thể phát huy hết tài năng, khả năng vốn có của bản thân là người hạnh phúc và thành công. Nguồn: stock.adobe.

Những điều ta muốn góp nhặt vào chiếc bát mang tên thời gian

Bởi vậy, khi nói tới hạnh phúc nghĩa là ta đang nhắc tới hạnh phúc được kết nối với những điều giản dị trong cuộc đời. Việc con người mưu cầu hạnh phúc cũng tựa như việc chúng ta muốn góp nhặt vào chiếc bát thời gian dành cho mình những điều ấy.

Trong chiếc bát ấy của mỗi người, dù không giống nhau hoàn toàn nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng.

Nhiều người cho rằng cảm giác thỏa mãn đến từ việc sở hữu của cải vật chất và những thứ xa xỉ là hạnh phúc. Đó là những thứ thuộc về nhu cầu bản năng của con người. Điều này cũng tương tự cảm giác vui sướng của trẻ con khi có được món đồ chơi yêu thích.

Bên cạnh đó, không ít người mong muốn sở hữu quyền lực với tư cách là người đại diện chính trị. Đó là bản năng muốn được thống trị, muốn trở thành kẻ mạnh, nhu cầu được thỏa mãn tham vọng của mình.

Khi đạt được những điều đó, ta sẽ tận hưởng cảm giác thỏa mãn và sung sướng, coi đó là hạnh phúc. Tham danh cũng là một trong số ấy. Bản tính của con người là muốn thể hiện bản thân, nhận được báo đáp của người khác và xã hội vì sự nỗ lực của mình. Họ coi cảm giác thỏa mãn khi có được những điều đó là hạnh phúc và mất chúng là điều bất hạnh. Tham thành tích cũng là một trong số những nhu cầu về sở hữu của con người.

Tuy nhiên, tất cả điều này đều gắn với việc sở hữu nên khi mất đi, con người sẽ trở nên đau đớn và bất hạnh.

Những người coi đó là mục đích cuộc đời sẽ trở thành nô lệ của ham muốn sở hữu và không thể tận hưởng hạnh phúc về mặt tinh thần. Thêm vào đó, nếu con người sa đà vào ham muốn sở hữu và độc quyền nhiều hơn sẽ gây ra những đau khổ và bất hạnh trầm trọng về mặt xã hội. Như vậy, việc mưu cầu hạnh phúc lại trở thành nguyên nhân của những bất hạnh to lớn hơn.

Vì vậy mà từ nghìn đời xưa đã có câu nói rằng chân lý cuộc đời chính là con người đến và đi với đôi bàn tay trắng.

[…]

Mối quan hệ hàm số giữa hạnh phúc và thành công

Tôi sẽ bổ sung thêm một quan điểm về hạnh phúc.

Nhiều người nghĩ rằng hạnh phúc và thành công tồn tại giống như hai mặt của một đồng xu. Đặc biệt, càng nhiều tuổi người ta càng công nhận điều này và nam giới có xu hướng công nhận sự thật này hơn nữ giới. Thực tế, những người thất bại thì không có được hạnh phúc và những người thành công đang thảnh thơi tận hưởng thành quả hạnh phúc của mình.

Tôi quyết định bỏ ngỏ câu trả lời cho câu hỏi thành công là gì và thất bại là gì. Bởi, vấn đề này cũng quan trọng giống hạnh phúc luận vậy. Nhưng có một tiêu chuẩn khách quan để đánh giá thành công hay thất bại.

Những người có thể phát huy hết tài năng, khả năng vốn có của bản thân là người hạnh phúc và thành công. Những người không thể phát huy toàn bộ năng lực và khả năng trời ban thì không được như vậy.

Nếu một người có năng lực ở mức 60 mà có thể đạt kết quả ở mức 65 hay 70 thì đó là người thành công. Nhưng nếu có được tài năng ở mức 90 mà chỉ dừng lại ở kết quả 70 thì là người thất bại.

Bề ngoài cùng là 70 nhưng khi xét cụ thể ở từng cá nhân thì thành công hay thất bại lại không giống nhau. Vì vậy, những người đã cố gắng hết sức thì không thể thất bại, còn người lười biếng thì không bao giờ đạt được thành công. Mối quan hệ giữa thành công và hạnh phúc cũng tương tự vậy.

Hyungseok Kim / Thái Hà Books - NXB Thế giới

SÁCH HAY