Ngày 28/5, cơ quan chức năng huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang làm rõ đơn của người dân tố một lãnh đạo xã Thạch Kim thuê người đập phá huyệt mộ.
Trong đơn, bà Trần Thị Vân (63 tuổi, trú xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) trình bày ngày 29/4, gia đình thuê thợ xây huyệt mộ trong nghĩa trang Lộc Hà sau khi chồng bà lâm bệnh nặng và có tiên lượng xấu. Việc xây đã được quản lý nghĩa trang chấp thuận.
Sáng 30/4, một lãnh đạo xã này thuê 2 người đến đập phá phần huyệt mộ của gia đình bà Vân rồi cho san lấp lại. Giải thích lý do, vị lãnh đạo xã nói rằng công trình xây sai quy hoạch, lấn hành lang cây xanh và cũng gần mộ người thân mới mất của ông này. Bên bị tố cáo đã tìm bà Vân để xin lỗi, tìm cách khắc phục nhưng 2 bên chưa thống nhất.
Căn cứ thông tin ban đầu, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật Chính Pháp) cho rằng việc vị lãnh đạo xã thuê người san lấp phần huyệt mộ là hành vi tháo dỡ công trình xây dựng được cho trái phép trong khu vực nghĩa trang.
Tuy nhiên, theo luật sư, nếu cán bộ xã gọi người đến đập phá huyệt mộ nhưng không ban hành quyết định hành chính về việc cưỡng chế tháo dỡ thì việc làm đó trái trình tự thủ tục luật định.
Cụ thể, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi phát hiện công trình xây dựng trái phép, cấp có thẩm quyền phải tiến hành lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư công trình dừng thi công và tháo dỡ công trình.
Bà Vân tố phó chủ tịch xã thuê người đập phá huyệt mộ. Ảnh: P.T. |
Trường hợp chủ đầu tư không tự nguyện tháo dỡ thì cơ quan chức năng ban hành quyết định buộc tháo dỡ công trình vi phạm. Còn nếu chủ đầu tư không chấp hành thì sẽ ra quyết định cưỡng chế và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ theo quy định.
"Nếu không đồng ý với hành vi tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình là phần huyệt mộ thì bà Vân có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện", luật sư Cường nhấn mạnh.
Cùng nêu quan điểm, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty luật Hoàng Sa) đánh giá việc một lãnh đạo xã thuê người đập phá huyệt mộ của gia đình bà Vân đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo luật sư, phần huyệt mộ xây dựng trên phần đất nghĩa trang được xem là tài sản thuộc sở hữu của gia đình bà Vân. Nếu gia đình bà này xây sai quy hoạch thì UBND xã có quyền đề nghị cơ quan chức năng xử lý, yêu cầu tháo dỡ hoặc cưỡng chế theo quy định.
Ông Giáp cho rằng việc cán bộ xã thuê người đập phá, san lấp phần huyệt mộ được gia đình bà Vân bỏ tiền xây, đã có dấu hiệu gây thiệt hại cho tài sản người khác. Tùy theo tính chất, mức độ có thể xử phạt hành chính đến 5 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 15 Nghị định 167 năm 2013.
Nghiêm trọng hơn, luật sư cho rằng nếu tài sản của gia đình bà Vân bị thiệt hại từ 2 triệu trở lên thì có thể xử lý hình sự người liên quan về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất là 3 năm tù.
Theo 2 luật sư, khi xảy ra vụ việc, phần huyệt mộ của gia đình bà Vân chưa có thi hài bên trong nên không có dấu hiệu tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Bởi lẽ, căn cứ quy kết tội danh này phải là cố ý gây hư hỏng như đập phá, hủy hoại hay đào bới những ngôi mộ đã an táng người chết.