Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phá giáp điện tử của Mỹ trên bầu trời Việt Nam

Các thủ đoạn gây nhiễu tinh vi của Không quân Mỹ khiến bộ đội tên lửa gặp nhiều khó khăn nhưng điều đó không giúp họ chiến thắng trên bầu trời Việt Nam hơn 40 năm trước.

a
Biên đội F-4 và F-105 tiếp dầu trong nhiệm vụ chế áp phòng không trên bầu trời Việt Nam. Ảnh: Wikipedia

Theo Military History Online, vào giai đoạn 1965-1967 trong chiến tranh Việt Nam, để đối phó với tên lửa phòng không SAM-2, Không quân Mỹ đã hình thành phi đội chiến đấu đặc biệt mang mật danh Wild Weasels (Chồn hoang). Phi đội này có nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt các bệ phóng tên lửa của tổ hợp SAM-2 còn gọi là chế áp phòng không SEAD.

Máy bay chủ lực trong các phi vụ Chồn hoang là tiêm kích F-105G hoặc F-105F. Hai phiên bản này được trang bị nhiều thiết bị điện tử hơn, đặc biệt là hệ thống máy thu cảnh báo radar AN/APR-25. Ngoài nâng cấp về hệ thống điện tử, tiêm kích F-105G/F còn mang theo loại vũ khí cực kỳ lợi hại là tên lửa chống bức xạ AGM-45 Shrike.

Shrike có nguyên tắc hoạt động khá đơn giản, tên lửa bám theo nguồn phát xạ và phát nổ với xác suất trúng mục tiêu rất cao. Sự xuất hiện của tên lửa chống bức xạ đã gây bất ngờ cho lực lượng phòng không Việt Nam. Nhiều trạm radar, bệ phóng tên lửa bị Shrike tấn công.

Sau một thời gian nghiên cứu, lực lượng phòng không Việt Nam nhanh chóng phát hiện điểm yếu của nó. Tên lửa bám theo cánh sóng radar nên chỉ cần tắt nguồn phát lập tức nó mất mục tiêu. Hiệu suất chiến đấu của AGM-45 giảm sút rõ rệt.

Tuy nhiên, phá áo giáp điện từ của Không quân Mỹ mới là vấn đề nan giải nhất trong tác chiến phòng không trên bầu trời miền Bắc. Để gia cố áo giáp điện tử, ngoài máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng EB-66, Không quân Mỹ còn trang bị máy gây nhiễu cho mỗi máy bay làm nhiệm vụ.

Trong các phi vụ ném bom phá hoại miền Bắc, tốp F-105G/F mang biệt danh "Chồn hoang" dẫn đầu đội hình làm nhiệm vụ mở đường đánh phá các trận địa phòng không. Các tốp cường kích bay sau khoảng 1 đến 5 phút, hộ tống đội hình là các tiêm kích đánh chặn F-4.

Cuối đội hình là 2 máy bay EB-66 bay theo hình elip phủ sóng gây nhiễu từ xa. Không quân Mỹ thường sử dụng 2 loại gây nhiễu chủ yếu là nhiễu tiêu cực (nhiễu thụ động) và nhiễu tích cực (nhiễu chủ động). Với nhiễu tiêu cực, các máy bay sẽ thả những sợi giấy mạ kim loại có hình dạng và kích thước khác nhau.

Những sợi giấy sẽ phản xạ sóng radar trở lại máy thu, các chuyên gia quân sự ước tính, khoảng 25 sợi nhiễu tạo ra tín hiệu tương đương với một máy bay. Hàng nghìn sợi giấy thả trên bầu trời tạo thành một lớp ngụy trang điện tử che phủ cho đội hình chiến đấu.

Nhiễu tích cực, đối phương sử chủ động dùng máy phát sóng điện từ có cùng dải tần hoạt động của radar nhưng có công suất lớn hơn. Gây nhiễu chủ động có 2 loại, nhiễu dải và nhiễu xung. Các biện pháp gây nhiễu nhiều tầng, nhiều lớp khiến trắc thủ radar rất khó theo dõi, bám bắt và tấn công mục tiêu.

Vạch nhiễu tìm thù

a
Tên lửa SAM-2 đón đầu một chiếc F-105. Sử dụng phương pháp bắn 3 điểm đã giúp bộ đội tên lửa hóa giải bài toán gây nhiễu của Không quân Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Các thủ đoạn gây nhiễu của Không quân Mỹ gây nhiều khó khăn cho quá trình tác chiến của bộ đội tên lửa. Theo Trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiệu quả tác chiến của SAM-2 giảm rõ rệt. Trong năm 1965, chỉ cần 1,5 đạn tên lửa để diệt một máy bay, đến năm 1967 phải cần đến 8 đạn mới hạ một mục tiêu.

Trước tình thế khó khăn, Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo các đơn vị tập trung nghiên cứu thủ đoạn gây nhiễu của Mỹ để tìm biện pháp hóa giải. Sau thời gian nghiên cứu, các trắc thủ radar nhận thấy, nhiễu tiêu cực do sử dụng các sợi giấy mạ kim loại nên chỉ lơ lửng trong một thời gian nhất định rồi rơi xuống đất.

Về bản chất, các sợi nhiễu di chuyển rất chậm so với máy bay, trắc thủ nhiều kinh nghiệm dễ dàng nhận ra sự khác biệt để nhận dạng mục tiêu thật. Với nhiễu tích cực phát đi từ các máy bay EB-66, nó có công suất, tốc độ, độ cao ổn định, điều đó đã tố cáo vị trí của nguồn nhiễu trên màn hình hiện sóng.

Dù đối phương gây nhiễu tiêu cực trong đội hình hay tích cực ngoài đội hình, tốc độ di chuyển máy bay chiến đấu khác với nguồn nhiễu. Đó là cơ sở để các trắc thủ phát hiện mục tiêu trong nhiễu. Trong quá trình nghiên cứu và tác chiến với các thủ đoạn gây nhiễu của Mỹ. Bộ đội tên lửa nhận thấy, khi bị gây nhiễu xung trả lời hay nhiễu dải, có một nguyên tắc là ở đâu có nguồn nhiễu ở đó có máy bay.

Vì vậy, dù trắc thủ không đo được cự ly tới mục tiêu, nhưng có thể dựa vào tham số góc phương vị và góc tà để xác định đường thẳng nối giữa đài điều khiển và mục tiêu, sau đó, điều khiển đạn bay theo đường này.

Từ tháng 4/1967, phương pháp 3 điểm được áp dụng. Trải qua 4 tháng nghiên cứu cách đánh mới. Đến tháng 8/1967, bộ đội tên lửa lần đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ bằng phương pháp 3 điểm, mở ra thời kỳ tiêu diệt mục tiêu gây nhiễu trong đội hình bằng cách đánh mới.

Tuy nhiên, thủ đoạn gây nhiễu của Mỹ không chỉ dừng lại ở đó mà liên tục phát triển ngày càng tinh vi hơn. Song với tinh thần mưu trí, sáng tạo, bộ đội Phòng không - Không quân buộc các máy bay chiến đấu của Mỹ phải trả giá ngay chính trong áo giáp điện tử tưởng chừng bất khả xâm phạm đó.

Áo giáp của Không quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Mỗi lần xuất kích, máy bay Mỹ được trang bị áo giáp điện tử nhiều lớp nhưng điều đó không giúp Mỹ chiến thắng trong cuộc chiến với phòng không Việt Nam.

Sự hình thành tác chiến điện tử trong Chiến tranh Việt Nam

Các cuộc đối đầu ác liệt giữa lực lượng Phòng không Việt Nam và Không quân Mỹ đã hình thành một chiến trường tác chiến điện tử.

Đức Hải (Theo Quốc phòng Việt Nam)

Bạn có thể quan tâm