Bức ảnh "Em bé napalm" nổi tiếng của tác giả Nick Ut. Ảnh: AP |
Ảnh "Em bé napalm" từng bị từ chối đăng
Ngày 8/6/1972, phóng viên ảnh Nick Ut chụp lại khoảnh khắc một nhóm trẻ em chạy ra từ hiện trường vụ ném bom napalm của lính Mỹ ở Tây Ninh. Sau khi giúp đỡ đưa em bé đến bệnh viện, Nick Ut trở về văn phòng của hãng AP tại Sài Gòn để rửa và in ảnh.
Một biên tập viên của AP từ chối tấm ảnh này của Nick Ut, vì nhân vật bé gái ở giữa tấm ảnh trong tình trạng khỏa thân. Quần áo của em đã cháy trụi trong ngọn lửa do bom napalm gây ra. Vào thời điểm thập niên 70, hãng AP áp dụng quy định hình ảnh rất nghiêm ngặt. Họ kiên quyết "nói không" với ảnh khỏa thân, dù đối tượng là giới tính nam hoặc nữ, đặc biệt là những ảnh có góc chụp chính diện.
Một cuộc tranh luận về bức hình của Nick Ut xảy ra tại văn phòng. Khi đó, phóng viên Horst Faas vừa trở về sau chuyến tác nghiệp. Nhanh chóng nhận ra giá trị thông tin và sức tác động của bức ảnh, ông Faas đã đấu tranh với các biên tập viên AP tại New York.
"Cô bé trong ảnh hoàn toàn không còn quần áo trên người. Điều này hiển nhiên vi phạm chính sách về hình ảnh khỏa thân của AP, đặc biệt là những bé gái chưa đến tuổi thành niên. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng bức ảnh này là một ngoại lệ và nó phải được đăng tải", ông Faas nói trong một cuộc trò chuyện năm 1997, theo New York Times.
Biên tập viên ảnh của AP tại New York khi đó, Hal Buell, đồng tình rằng giá trị bức ảnh "em bé napalm" vượt ra ngoài mọi định kiến về chính sách ảnh của hãng. Trong quá trình đấu tranh, ông Faas cam kết sẽ gửi ảnh toàn cảnh, chứ không phải góc chụp cận cảnh bé gái, sang Mỹ.
Ngay sau đó, bức ảnh được chuyển bằng vô tuyến điện, từ Sài Gòn tới Tokyo, rồi tới New York. Bức ảnh nhanh chóng gây chấn động dư luận Mỹ vốn đã trỗi dậy làn sóng phản đối Mỹ tham chiến ở Việt Nam, đồng thời mang lại một giải Putlitzer cho tác giả Nick Ut.
Phóng viên quốc tế duy nhất chứng kiến Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu
Một trong những tấm ảnh chụp Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu rất phổ biến trên nhiều báo và trên Internet (trái). Tuy nhiên, ảnh phải là bức hình đầu tiên mà báo chí thế giới đăng tải sau vụ tự thiêu. Ảnh: AP/NBC |
Ngày 10/6/1963, một số nhà sư tại Sài Gòn đã thông tin cho các phóng viên quốc tế về một "sự kiện quan trọng" sắp diễn ra. Malcolm Browne, phóng viên AP, là một trong số những người hay tin. Tuy nhiên, không ai biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra. Khoảng đầu những năm 60, chính quyền Ngô Đình Diệm áp dụng chính sách cai trị cứng rắn và đàn áp Phật giáo.
Ngày 11/6/1963, sau khi đọc kinh cầu nguyện tại một ngôi chùa, các nhà sư và ni cô xuống đường biểu tình. Họ dừng lại tại một con phố, lấy ra một thùng xăng. Một nhà sư ngồi xuống đường và cầu nguyện, trong khi những vị sư khác tưới xăng lên người ông.
Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức ngồi thiền trong ngọn lửa diễn ra trọn vẹn trước sự chứng kiến của phóng viên Browne. Ông là nhà báo nước ngoài duy nhất có mặt tại đây. "Tôi nhanh chóng nhận thức chuyện gì đang xảy ra và bắt đầu chụp thật nhiều", ông Browne viết trong một bức thư gửi lãnh đạo AP vào ngày 30/9/1963.
Những bức ảnh của Browne nhanh chóng xuất hiện trên toàn bộ các tờ báo lớn trên thế giới, ngoại trừ tờ New York Times vốn là nhật báo uy tín hàng đầu ở Mỹ. "Họ cho rằng bức ảnh quá đáng sợ cho một số báo xuất bản buổi sáng", Browne trả lời tờ Time năm 2011.
Bức ảnh đánh động đến cả Nhà Trắng. Thời điểm năm 1963, dư luận Mỹ vẫn chưa để tâm nhiều đến cuộc chiến ở Việt Nam. Tổng thống John F. Kennedy (trước khi bị ám sát) thoạt đầu nghi ngờ đây là ảnh giả. Tuy nhiên, sau khi sự việc được xác thực, ông Kennedy tuyên bố xem xét lại các chính sách với chính quyền Việt Nam Cộng hòa.Danh tính người lính đội mũ "chiến tranh là địa ngục"
Bức hình người lính khuyết danh đội mũ "Chiến tranh là địa ngục" (trái) và cháu trai Marcus Glander của ông. Nhiều người nhận xét Glander rất giống ông thời trẻ. Ảnh: Famouspictures |
Richard Pyle, biên tập viên ảnh của AP từng đến Việt Nam vào tháng 8/1968, kể trên tờ Southern rằng: "Tôi chưa bao giờ hỏi Faas cụ thể về bức ảnh này". Ông Pyle là một người bạn thân của ông Faas, cả hai cùng ra chung một quyển sách vào năm 2004.
Khi Pyle liên hệ với đơn vị lưu trữ ảnh của AP, họ cho biết ông Faas không ghi rõ danh tính về người lính sau khi chụp ảnh, ngoài những thông tin cơ bản như thời gian chụp, tên đơn vị của anh ta, và địa điểm chụp là sân bay Phước Vĩnh ở miền nam Việt Nam.
Tháng 8/1989, tác giả một quyển sách về chiến tranh Việt Nam đã chọn hình của ông Faas để in trang bìa. Không lâu sau khi quyển sách ra mắt, bà Fran Chaffin Morrison nhìn thấy nó trong một hiệu sách. Morrison khẳng định đây chính là chân dung chồng của bà, Larry Wayne Chaffin.
Morrison và Chaffin kết hôn tại Nam Carolina vào tháng 10/1963 khi mới 16 và 17 tuổi. Năm 1965, Chaffin đến Việt Nam tham chiến trong một năm. Morrison kể, khi cô đón chồng tại sân bay ở Mỹ, Chaffin mang theo một tờ báo Stars and Stripes có in hình của anh. "Chồng tôi khẳng định anh chính là người lính mà bài báo cho là 'khuyết danh'. Anh ấy nói bức ảnh này có thể khiến anh nổi tiếng", bà Morrison kể.
Chaffin qua đời vào đầu tháng 12/1985 vì sức khỏe suy yếu. Khi nhìn thấy hình chân dung của chồng trong quyển sách vào năm 1989, bà Morrison đùa rằng: "Lại là ông, Larry. Ông muốn đi theo chúng tôi suốt đời vậy sao".