Lúc 14h30 ngày 19/11, tại khu vực chợ phường Hiệp Ninh, TP Tây Ninh, Công an TP Tây Ninh bắt quả tang Vũ Minh Phúc (SN 2002, ngụ Lâm Đồng), Nguyễn Đức Lưu (SN 2002, cùng ngụ Quảng Ninh) đang thu tiền lãi của người dân. Công an thu giữ tang vật gồm: gần 3 triệu đồng, 4 điện thoại di động, cùng nhiều giấy tờ có liên quan.
Tiếp đó, công an bắt giữ Phùng Văn Hiếu (SN 1996), Hoàng Văn Kiên (SN 2001, cùng ngụ Hải Dương) khi cả hai đang lẩn trốn tại khu vực xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu.
Tại cơ quan công an, nhóm này khai nhận từ đầu tháng 4, Hiếu từ Hải Dương vào thuê nhà trọ ở TP Tây Ninh cùng với 3 người trên để cho vay lãi nặng. Họ quảng cáo trên các trang mạng xã hội kèm với số điện thoại của mình để người vay liên hệ.
Khi người vay tiền trốn trả nợ hoặc trả chậm, các nghi phạm sẽ điện thoại hăm dọa, tạo áp lực. Nhóm Hiếu đã cho khoảng 40 người vay với số tiền trên 300 triệu đồng.
Nhóm cho vay "tín dụng đen" bị bắt. |
Sau thời gian dài xác lập chuyên án đấu tranh, lúc 12h ngày 9/11, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Công an TP Tây Ninh bắt quả tang Võ Minh Quân (SN 1986, ngụ phường 4, TP Tây Ninh) và Phạm Ngọc Thủy Tiên (SN 1991, ngụ khu phố Hiệp Hòa, phường Hiệp Tân, thị xã Hòa Thành) đang cho người dân vay lãi nặng. Công an thu giữ tang vật gồm: 101 triệu đồng, 5 quyển tập, 23 quyển sổ tay, 126 tờ giấy ghi nợ, 4 điện thoại di động.
Họ bước đầu khai nhận qua các mối quan hệ xã hội, Quân và Tiên đã lôi kéo, dụ dỗ các công dân về làm tiếp viên phục vụ trong quán karaoke dưới sự quản lý của đôi tình nhân này. Cả hai yêu cầu họ phải đến ở nhà cho thuê tháng của gia đình mình và phân công những người khác trực tiếp canh giữ, đưa rước các nhân viên nữ đến các quán karaoke trên địa bàn TP Tây Ninh để làm việc. Các nữ tiếp viên phải vay tiền với lãi suất 180%/năm. Từ đầu năm nay đến thời điểm bị bắt, Quân và Tiên đã cho 27 người vay là tiếp viên với số tiền gần 7 tỷ đồng và thu lợi bất chính gần một tỷ đồng.
Để ràng buộc các tiếp viên và tăng thêm nguồn lợi bất chính, Quân và Tiên tìm mọi cách để cưỡng đoạt tài sản, như: phạt tiền dậy trễ, thay đồ đi tiếp khách chậm… Mỗi lần "vi phạm", các nữ tiếp viên sẽ bị phạt từ 1,5 triệu đồng trở lên.
Quân và Tiên còn nhiều lần tự ý mua quần áo, nữ trang, xe máy, điện thoại di động cho các nữ tiếp viên sử dụng, sau đó ghi nợ tính lãi suất, ép buộc các nạn nhân mua thức ăn, nước uống, đồ dùng cá nhân với giá rất cao để ghi thêm nhiều khoản nợ khác. Nhiều nữ tiếp viên karaoke không chịu sự phục tùng sự quản lý của Quân và Tiên dẫn đến bị đánh đập hoặc buộc phải liên hệ gia đình chuyển tiền để chuộc ra.
Trước đó, 8h40 ngày 7/11, Công an huyện Gò Dầu phối hợp cùng Công an Đồn khu công nghiệp Phước Đông tuần phát hiện Trà Văn Bí (SN 1983, ngụ ấp Cây Xoài, xã Thanh Phước, huyện Gò Dầu) và 2 nghi phạm khác điều khiển ôtô quanh quẩn trước cổng công ty ACTR với nhiều biểu hiện nghi vấn. Kiểm tra, công an phát hiện trên ôtô có nhiều quyển tập ghi thông tin hàng trăm người vay tiền, 183 thẻ ATM các ngân hàng, 111 giấy CMND, CCCD, 3 sổ bảo hiểm, gần 15 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, Bí khai nhận các đồ vật trong xe là của mình. Bí đang tìm kiếm những người đã vay tiền để đòi nợ, 2 nghi phạm còn lại chỉ là người quen. Hàng ngày, những người dân lao động, công nhân nghèo có nhu cầu vay tiền thì liên hệ với Bí, cho vay với lãi suất từ 3% đến 10%/tháng (tương đương từ 36% đến 120%/năm).
Người vay phải đưa thẻ ATM, giấy CMND, CCCD hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay sổ bảo hiểm cho Bí mới đủ điều kiện vay tiền. Bí cho vay từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Với "thủ tục" nhanh chóng, trong thời gian 2 năm, Bí đã cho khoảng 200 người dân ở các xã Thanh Phước, Phước Đông, thị trấn Gò Dầu vay gần 2 tỷ đồng, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Công an tỉnh Tây Ninh khuyến cáo hoạt động cho vay nặng lãi luôn đi kèm với các hoạt động đòi nợ, xiết nợ, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Hiện nay, cho vay nặng lãi còn sử dụng công nghệ cao qua app với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.
Do vậy, người dân cần tích cực tham gia tố giác tội phạm. Khi phát hiện những người nghi vấn đến địa bàn cư trú hoặc có biểu hiện hoạt động phạm tội "tín dụng đen", thì báo ngay cho cơ quan công an gần nhất, chính quyền địa phương để có biện pháp đấu tranh phòng ngừa. Đồng thời, mọi người cần tuyên truyền vận động người thân, con em trong gia đình không vay tiền của các nhóm cho vay lãi nặng bất kỳ hình thức nào.
2 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
1. Bộ luật Hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đề cập các điều luật về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.
2. 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác.