Phương tiện trước đó do Cục quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ) quản lý nhưng tháng 11/2020 được chuyển về TP.HCM sau khi bến Vàm Cống ngừng hoạt động.
Phà 200 tấn được mua mới hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên sau thời gian chạy ở bến Vàm Cống, giá trị phà ước tính chỉ còn khoảng 752 triệu đồng.
Ông Lê Thành Khoa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, cho biết phà đã hư hỏng nặng, thân vỏ mục gỉ và rách thủng trầm trọng khiến nước tràn vào hầm máy. Do đó, công ty phải dùng nhiều máy bơm thoát nước để xử lý. Nếu tình trạng này kéo dài phà có thể bị chìm bất cứ lúc nào.
Chuyến phà Vàm Cống hoạt động lần cuối sau khi cầu bắc qua sông Hậu thông xe. Ảnh: Liêu Lãm. |
Nhằm sớm vận hành phà, hồi tháng 11/2020, Sở GTVT kiến nghị Sở Tài chính hướng dẫn tính toán giá trị hiện tại của phà làm cơ sở hạch toán. Sở cũng đề nghị giao việc quản lý, khai thác phà cho Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong. Do đơn vị này đang quản lý hầu hết phà ở TP với 2 tuyến Cát Lái (nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và Bình Khánh (nối huyện Nhà Bè với Cần Giờ).
Trong đó, bến Bình Khánh có 6 phà, gồm hai phà 200 tấn và bốn phà 100 tấn. Phà chạy trên sông Soài Rạp, chở khoảng 30.000 lượt khách mỗi ngày, thường xảy ùn tắc ở đầu Nhà Bè và Cần Giờ.
Bến Cát Lái có 7 phà, gồm hai phà 200 tấn và 5 phà 100 tấn. Lượng khách qua bến phà này trung bình mỗi ngày hơn 50.000 lượt và tăng lên khoảng 75.000 lượt vào cuối tuần. Những dịp lễ, Tết, khách qua phà gấp đôi ngày thường, khoảng 90.000-100.000 lượt khách, khiến hai đầu bến liên tục kẹt xe.