Chia sẻ với Zing.vn ngày 13/12, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM - cho biết hiện tại, trường có 42 phó giáo sư và 152 tiến sĩ. Mức thu nhập bình quân được nhà trường thống kê trong thời điểm từ tháng 1 đến tháng 11/2019.
“Đây không phải lương của phó giáo sư, tiến sĩ mà là bình quân thu nhập đầu người trong 11 tháng qua. Số tiền này bao gồm các khoản lương, dạy, nghiên cứu khoa học, thu nhập vượt giờ dạy, thưởng... Thực tế có người đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, có người không đạt mức trên”, PGS Đỗ Văn Dũng nói.
PGS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Kỹ thuật TP.HCM. Ảnh: Website nhà trường. |
Hiệu trưởng nhà trường cho biết đây cũng là mức bình quân thu nhập cao nhất từ trước đến nay ở ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đạt được. Trường đã thực hiện cơ chế tự chủ 3 năm nay. Đây cũng là chiến lược về nhân lực của trường - yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Chỉ khi nào thu nhập đủ sống, người giỏi mới gắn bó, tránh chảy máu chất xám.
"Giáo viên giỏi mới làm nên học trò giỏi. Chất lượng nhà trường không tốt sẽ không thể thu hút đầu vào, sinh viên ra trường cũng khó xin việc. Hiện tại, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM dành 70% kinh phí đầu tư cho con người, giữ chân người giỏi", ông Dũng nói.
Vì mức thu nhập cao, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM tăng chất lượng đầu vào khi tuyển chọn cán bộ. Giảng viên thấp nhất phải đạt IELTS 6.5. Nhiều năm qua, nhà trường chỉ tuyển tiến sĩ, không tuyển thạc sĩ.
Mặt khác, hiệu trưởng cho hay khi tự chủ, nhà trường có điều kiện kết hợp với các doanh nghiệp cùng phát triển giáo dục. Năm học vừa qua, doanh nghiệp hỗ trợ cho trường và các khoa 15 tỷ đồng về học bổng và trang thiết bị học tập.
Trong bối cảnh phát triển của các trường đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng trường công lập cần bỏ cách làm việc “tháp ngà”, tư duy “ngồi chờ sung rụng”, cản trở sự phát triển. Các trường cần có tư duy doanh nghiệp, trong giáo dục đại học phải đặt mục tiêu và tìm lời giải cho bài toán kinh tế giáo dục.