Chiều 5/12, 2 ngày sau khi vụ việc tài xế Trần Văn Khánh từ chối chở nạn nhân Trần Minh Hiếu (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) khiến dư luận bức xúc, TS. Lê Hoài Chương - Phó giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, đã yêu cầu tài xế tường trình cụ thể sự việc và báo cáo lên Bộ Y tế bằng văn bản trong cuộc họp sáng cùng ngày.
Theo ông Chương, tối 3/12, tài xế Khánh thực hiện nhiệm vụ chở một nữ bác sĩ tham gia cuộc hội chẩn tại bệnh viện Bạch Mai.
"Tài xế này cho biết có giải thích với những người dân trên phố Lê Duẩn rằng anh đang thực hiện nhiệm vụ chứ không từ chối chở người gặp nạn đang nguy kịch", ông Chương nói và từ chối trả lời thêm.
Trong khi, trả lời Zing.vn trước đó, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhận định, tài xế Khánh đã không bình tĩnh và xử lý tốt tình huống trên.
Theo đó, khi đang làm nhiệm vụ chở bác sĩ sang bệnh viện Bạch Mai tham gia hội chẩn, tài xế Khánh có thể gọi điện thông báo về đường dây nóng bệnh viện đề nghị một xe cứu thương khác tới chở người gặp nạn hoặc chở người này trên xe cùng tới bệnh viện Bạch Mai.
Tối 3/12, người dân trên phố Lê Duẩn (Hà Nội) đã chặn xe cứu thương của tài xế Khánh (vòng tròn đỏ) để yêu cầu chở anh Hiếu đang bị tai nạn nguy kịch đến bệnh viện cấp cứu. Nhưng tài xế Khánh đã từ chối. Ảnh: Otofun. |
Chiều 4/12, chị Thu (vợ anh Hiếu) cho biết, hiện chồng chị đã tỉnh nhưng vẫn rất yếu chưa thể nói chuyện. "Nếu không bị chiếc xe cấp cứu đó từ chối, có thể vết thương của chồng tôi sẽ được cấp cứu, điều trị sớm hơn", chị Thu nói.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Chu Văn Hành, Công ty Luật Dân Việt (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự, thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Trong trường hợp này, theo luật sư Hành, tài xế cũng như nữ bác sĩ bệnh viện Phụ sản ngồi trong xe đã không cứu người gặp nạn. Đây là hành vi cần lên án bởi cả hai không chỉ là công dân mà còn là cán bộ, nhân viên thuộc bệnh viện Phụ sản Trung ương.
"Nếu người gặp nạn tử vong, tài xế và nữ bác sĩ này sẽ bị truy tố hình sự về hành vi không cứu người trong tình trạng nguy hiểm dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong và sẽ bị phạt tù từ 1 đến 5 năm", luật sư Hành nói.