Năm 2013 được đánh giá là năm cực kỳ khó khăn, nhưng Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại có một kết quả kinh doanh thành công đến không tưởng, mọi chỉ tiêu kinh doanh đều tăng đột biến so với năm 2012.
Lợi nhuận kinh ngạc
Theo báo cáo của Tập đoàn xăng dầu Petrolimex, năm 2013, lợi nhuận sau thuế 1.578,92 tỷ đồng, tăng 807,24 tỷ đồng, tương đương tăng 205% so với năm 2012. Chỉ riêng hoạt động của khối xăng dầu, lợi nhuận sau thuế đã đạt 1.112,17 tỷ đồng, tăng 671,06 tỷ đồng, tương ứng 252% so với năm 2012.
Trong năm 2013, Petrolimex có 11 lần điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 5 lần tăng giá và 6 lần giảm giá. Tuy nhiên, nếu như giảm giá nhỏ giọt thì tốc độ tăng giá mạnh hơn nhiều, nên tổng kết cả năm, giá xăng dầu vẫn tăng gần 4,5% so với năm 2012. Hiện giá xăng A92 đang ở mức kỷ lục 24.890 đồng/lít.
Nhưng sốc hơn là cùng thời điểm công bố mức lợi nhuận khủng, tập đoàn này và các công ty xăng dầu khác vẫn đang "âm thầm" xin tăng giá. Bộ Tài chính cho biết có nhận được văn bản "than" kinh doanh xăng dầu đang thua lỗ của Petrolimex và Công ty TNHH MTV thương mại dầu khí Đồng Tháp ngày 5/5 vừa qua.
Tuy nhiên, đề xuất này đã không được chấp thuận. Bộ Tài chính cách đây 3 ngày đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu giữ nguyên giá bán, vì giá xăng dầu thành phẩm thế giới tuần qua có xu hướng giảm. Lần tăng giá gần nhất mới cách đây chưa đầy nửa tháng.
Chưa dừng ở đó, các doanh nghiệp xăng dầu cũng đang đòi tăng định mức chi phí kinh doanh. Hiện nay thù lao đại lý, cước vận chuyển, chi phí quản lý… theo quy định của Bộ Tài chính là 860 đồng/lít đã lỗi thời, chỉ phù hợp với thực tế kinh doanh của năm 2010. Chi phí này tại thời điểm hiện tại phải từ 1.200 - 1.300 đồng/lít xăng dầu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xăng dầu cũng đòi Bộ Tài chính thay đổi định mức này cho phù hợp tình hình thực tế. Rồi cũng kiến nghị bổ sung chi phí hao hụt nhập khẩu, trượt giá, chênh lệch tỷ giá, lãi suất ngân hàng phải trả cho khoản nộp thuế nhập khẩu ngay khi hàng về cảng...
Cả một nền kinh tế lao đao vì khủng hoảng; sức mua suy kiệt; mức sống của hàng triệu gia đình đã giảm tới đáy... nhưng ngành xăng dầu vẫn tìm mọi cách để tăng giá, kiếm lợi. Có lẽ, điều đáng kinh ngạc hơn là sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của ngành này.
Lãi bình quân từ xăng dầu chưa được 100 đồng/lít?
Hồi tháng 1/2014, Petrolimex cho biết, lợi nhuận trước thuế của tập đoàn chỉ 1.929 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu chỉ 768 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất, khối xăng dầu đã mang về cho tập đoàn này trên 1.300 tỷ đồng trong năm 2013.
Phó Tổng giám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm trần tình, Petrolimex là công ty đại chúng, phải tuân thủ việc công bố công khai hoạt động của doanh nghiệp tối đa sau 45 ngày đối với báo cáo tài chính do doanh nghiệp thực hiện, tối đa 90 ngày đối với báo cáo tài chính có kiểm toán sau khi kết thúc năm tài chính. Do vậy, sự chênh lệch giữa số liệu báo cáo tổng kết năm của Petrolimex so với báo cáo kiểm toán cũng là việc bình thường.
“Việc có sự chênh lệch về mức lợi nhuận do Petrolimex tạm tính để phục vụ cho hội nghị tổng kết và lợi nhuận tại báo cáo đã được kiểm toán, cụ thể đối với lợi nhuận trước thuế (gồm tất cả các lĩnh vực kinh doanh của Petrolimex) do kiểm toán Deloit xác nhận là 2.021 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.578 tỷ đồng. Riêng lợi nhuận từ kinh doanh xăng dầu đạt gần 850 tỷ đồng, chênh so với số liệu công bố của Petrolimex hồi đầu năm (768 tỷ đồng) khoảng 80 tỷ, không phải là 1.323 tỷ (chênh lệch đến 450 tỷ) như một số báo phản ánh”, ông Năm cho biết.
Tỉ lệ lợi nhuận của Petrolimex đạt khoảng 10% |
Cũng theo ông Năm, nếu so sánh mức lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, so với tổng lượng xăng dầu mà doanh nghiệp cung ứng, mức lợi nhuận sau thuế (đã kiểm toán) 1.578 tỷ đồng/15.600 tỷ đồng là tổng số vốn kinh doanh của tập đoàn, thì tỉ lệ này khoảng 10%.
“Nếu chia mức lợi nhuận (850 tỷ) cho tổng số lượng xăng dầu bán ra trong năm 2013 (9,32 triệu mét khối/tấn) thì bình quân mức lãi chưa đạt 100 đồng/lít. Trong khi theo Thông tư 34 của Bộ Tài chính quy định, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tối đa là 300 đồng/lít xăng, dầu”, ông Năm nói.
Theo cách lý giải của đại diện Petrolimex, mặc dù xăng dầu là ngành nghề kinh doanh cốt lõi, nhưng hiện Petrolimex còn kinh doanh nhiều lĩnh vực khác như gas, dầu mỡ nhờn, vận tải, bảo hiểm, ngân hàng, đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết... Các lĩnh vực này đều đã theo thị trường, nên lợi nhuận của tập đoàn khá ổn định. Vì thế tổng mức lợi nhuận sau thuế (1.578 tỷ đồng) của toàn tập đoàn là bao gồm cả các lĩnh vực kinh doanh khác, không chỉ riêng xăng dầu.
Lương lãnh đạo khoảng trên 32 triệu đồng/tháng
Lương thưởng lãnh đạo và thu nhập nhân viên tại Petrolimex rất được dư luận quan tâm. Mới đây, Chỉ thị 11 của Bộ Công thương đã yêu cầu Petrolimex và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố các khoản thu nhập bình quân của người lao động, tiền lương, thù lao tiền thưởng của lãnh đạo doanh nghiệp cùng nhiều chỉ tiêu hoạt động khác.
Trong báo cáo thường niên 2013, Petrolimex đã công bố lương, thưởng lãnh đạo Petrolimex được trả dựa trên kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 ngày 25/5/2013 về thù lao Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát năm 2013 và kế hoạch lao động tiền lương mà Hội đồng quản trị giao cho Công ty mẹ - Tập đoàn theo kế hoạch sản xuất kinh doanh, tiền lương, tiền thưởng, thù lao và các lợi ích khác của Ban quản lý, điều hành Tập đoàn.
Cụ thể, tổng quỹ lương cho Ban quản lý điều hành gồm Tổng giám đốc, các phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng là 2,36 tỷ đồng. Như vậy, trung bình mỗi lãnh đạo nhận 393,75 triệu đồng/người/năm, tương ứng 32,81 triệu đồng/người/tháng.
Thù lao năm 2013 của Hội đồng quản trị là 837 triệu đồng. Bình quân mỗi thành viên trong Hội đồng quản trị nhận 119,57 triệu đồng/người/năm, tương ứng 10 triệu đồng/người/tháng. Thù lao dành cho Ban Kiểm soát Petrolimex đạt 1,92 tỷ đồng. Trung bình mỗi thành viên có thu nhập 320,67 triệu đồng/người/năm, tương ứng 26,72 triệu đồng/người/tháng.
Cần lưu ý đây chỉ là thu nhập bình quân. Trên thực tế, các chức danh như Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc có thể nhận mức lương cao hơn. Trong cuộc trả lời báo chí hồi cuối năm 2012, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, cho biết đang được hưởng lương 40 triệu đồng/tháng, còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex lương hơn 50 triệu đồng/tháng.
Thu nhập của người lao động cũng được Petrolimex công bố. Số lượng lao động có mặt đến ngày 31/12/2013 của khối các Công ty kinh doanh xăng dầu là 17.642 người. Bình quân năm 2013 mỗi nhân viên khối này nhận 6,69 triệu đồng/người/tháng.
Theo kế hoạch năm 2014, Petrolimex dự kiến đạt 200.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 102% so với năm 2013 và đạt lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng.