Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Peru là phép thử để Viettel tràn sang thị trường châu Âu

Peru có thu nhập GDP đầu người cao gấp 3 lần Việt Nam và mật độ người sử dụng dịch vụ di động đã bão hòa, là phép thử để Viettel đầu tư sang thị trường như châu Âu, châu Mỹ.

Đây là chia sẻ của ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel.

- Vì sao Viettel lại chọn đầu tư vào Peru, một thị trường mà mật độ người sử dụng dịch vụ đã bão hòa và có mức phát triển hơn Việt Nam?

- Đầu tư nước ngoài là một chiến lược của Viettel. Viettel đặt mục tiêu trở thành công ty toàn cầu và lọt vào 1 trong 10 công ty đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới về viễn thông.

Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel.
Ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel.

Peru là thị trường đầu tiên mà Viettel đầu tư có điều kiện kinh tế phát triển hơn Việt Nam. Nếu chỉ phát triển ở những nước nghèo ở khu vực châu Phi như Haiti, Cameroon, Mozambique, Burundi, Tanzania thì quanh quẩn mãi cũng sẽ hết. Vì vậy, phải mở rộng sang những thị trường có mức phát triển cao hơn.

Khi Viettel sang Peru gặp phải các đối thủ lớn như Telefonica, Claro với kinh nghiệm quản lý tốt, tiềm lực tài chính mạnh, đã đi trước chúng ta cả chục năm, môi trường cạnh tranh sòng phẳng và khốc liệt. Peru là thị trường đặc biệt quan trọng để Viettel tự tin và có kinh nghiệm để đầu tư vào những nơi có mức phát triển cao hơn như thị trường châu Âu, châu Mỹ.

- Sau 3 năm có mặt tại Peru thì Viettel mới chính thức cung cấp dịch vụ tại thị trường này với thương hiệu Bitel. Như vậy, Viettel đầu tư vào Peru kéo dài thời gian hơn so với các thị trường khác?

- Nếu đúng tiến độ thì Viettel đã khai trương mạng di động với tần số 1800 MHz cách đây khoảng 1 năm rưỡi. Sau đó chính phủ Peru lại có thể giải phóng được băng tần 900 MHz, với điều kiện doanh nghiệp phải cung cấp Internet cho 1.000 điểm của ngành y tế. Sau khi tính toán, nếu sử dụng băng tần này để cung cấp dịch vụ 3G thì chúng tôi sẽ tiết kiệm được khoảng 30% chi phí đầu tư. Vì vậy, Viettel đã quyết định hủy thiết kế mạng cho băng tần 1900 MHz để chuyển sang băng tần 900 MHz, và chuyển hướng từ cung cấp 2G và 3G để đầu tư duy nhất mạng 3G.  

- Thông thường các nhà mạng viễn thông 3G sẽ đi lên từ 2G, vậy khi Viettel chỉ phát triển duy nhất mạng 3G có gặp khó khăn gì không?

- Khi Viettel triển khai 3G Only thì chất lượng thoại tốt hơn khi triển khai mạng kết hợp 2G và 3G. Vận hành mạng 3G Only đơn giản hơn mạng kết hợp 2G và 3G. Hiện nay, số người sử dụng smartphone đang tăng rất nhanh. Vì vậy, chắc chắn 3G sẽ là xu hướng và 3G Only là hướng đi đúng. Tuy nhiên, hiện tại ở Peru, không phải khách hàng nào cũng có smartphone, đây là khó khăn cho Bitel. Vì vậy, bắt buộc Viettel phải giải bài toán thiết bị đầu cuối cho khách hàng của mình.

- Tại một thị trường có nhiều khác biệt với những nơi mà Viettel đã đầu tư trước đó thì chiến lược của Viettel tại Peru có gì thay đổi hay không, thưa ông?

- Peru là thị trường cạnh tranh cao và khốc liệt. Khi Viettel chuẩn bị khai trương dịch vụ thì các đối thủ tung hàng loạt chiêu mới ra thị trường, kèm theo các chương trình truyền thông rầm rộ. Thế nhưng, đây là thị trường có doanh thu bình quân trên một thuê bao rất cao, luật pháp cũng giúp kiểm soát người dùng để khách hàng trung thành với nhà cung cấp. Vì vậy Viettel xác định đây là thị trường dài hạn, không phát triển "nóng" như các thị trường khác đã đầu tư. Cách đi của chúng tôi sẽ là đem lại các giá trị đích thực cho khách hàng. Bitel sẽ đưa dịch vụ, sản phẩm và giá cước tốt để cho khách hàng tự cảm nhận và so sánh với các nhà cung cấp dịch vụ khác. 

Khách hàng đánh giá Bitel là nhà cung cấp dịch vụ Mobile Internet có chất lượng tốt.
Khách hàng đánh giá Bitel là nhà cung cấp dịch vụ Mobile Internet có chất lượng tốt.

- Ban đầu mới vào thị trường Peru "chạm trán" với các tập đoàn viễn thông hùng mạnh trên thế giới, Viettel đã có được kinh nghiệm "chiến đấu" ở thị trường này như thế nào?

- Tại tất cả thị trường Viettel đã đầu tư, chúng tôi đều phải cạnh tranh với các đối thủ rất mạnh. Tại Peru cũng vậy, nhưng các đối thủ của chúng tôi ở thị trường này không chỉ mạnh về kinh nghiệm đầu tư viễn thông, hiểu thị trường và khả năng tài chính mà họ còn đầu tư rất mạnh vào nhiều lĩnh vực khác như ngân hàng, truyền hình. Đây là những lĩnh vực hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các nhà mạng này. Bởi vậy, chúng tôi phải nghiên cứu rất kỹ thị trường, đối thủ và nhu cầu của khách hàng nhằm tạo ra những khác biệt so với đối thủ.

Về công nghệ, các đối thủ này đã đi trước, vì khi Viettel triển khai 3G thì họ đã triển khai 4G. Trong khi đó, thị trường Peru đã bão hòa thoại và SMS. Vì vậy, Viettel xác định làm thật tốt dịch vụ Mobile Internet, một dịch vụ mà Peru đang bắt đầu bước vào giai đoạn bùng nổ. Và hiện tại, phản hổi của khách hàng đang đánh giá Bitel là nhà cung cấp dịch vụ Mobile Internet có chất lượng tốt.

Thứ hai, thị trường dịch vụ giá trị gia tăng lại không phát triển vì các nhà cung cấp dịch vụ lấy mức phí cao. Trong khi đó, thói quen của người Peru kiểm soát chi tiêu rất chặt chẽ. Vì vậy, Viettel sẽ xây dựng các dịch vụ giá trị gia tăng miễn phí, như hình thức cộng thêm cho khách hàng chứ không phải dùng dịch vụ này để kiếm doanh thu. Các ứng dụng dịch vụ giá trị gia tăng sẽ được địa phương hóa để cung cấp miễn phí cho khách hàng.

Viettel sẽ đưa dịch vụ viễn thông kết hợp với thiết bị đầu cuối và CNT tạo ra gói sản phẩm cung cấp cho khách hàng để tạo sự khác biệt với các nhà cung cấp khác trên thị trường.

- Xin ông cho biết tại sao ở các thị trường lần này, đích thân các lãnh đạo tập đoàn Viettel phải trực tiếp đi chỉ đạo, có phải vì nhiều khó khăn?

- Năm 2014, Viettel chỉ ra 5 chuyển dịch quan trọng của Tập đoàn, trong đó đầu tư nước ngoài phải củng cố lại và nâng lên một mức cao hơn. Viettel đã đầu tư thành công ở nhiều thị trường như Campuchia, Lào, Mozambique… Vì vậy, nếu các lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn không thân chinh chỉ đạo thì rất khó ra quyết định.

Chẳng hạn, 1 tháng qua, khi tôi trực tiếp sang thị trường Peru này đã phải ra rất nhiều quyết định. Nếu ở nhà để ra quyết định như vậy thì phải mất hàng năm, nhưng sang đây thì cảm nhận tốt hơn và có thể ra quyết định ngay để cạnh tranh với các đối thủ khác. Chẳng hạn, rất nhiều kinh nghiệm của Viettel tại các thị trường đã đầu tư không thể áp dụng được tại Peru. Thay vì thuê các cửa hàng lớn tại mặt phố thì người dân Peru thường có thói quen đến các trung tâm thương mại hoặc các khu phố nhất định để mua hàng.

Nếu không hiểu thói quen này thì dù mất tiền thuê được những vị trí rất đẹp (theo suy nghĩ của người Việt Nam), đầu tư rất hoành tráng cũng không thu hút được khách hàng. Nếu không đi đến trực tiếp sẽ không thể ra quyết định mạnh và sát với thị trường được.

- Bây giờ các ông kỳ vọng nhất điều gì vào mạng Bitel?

- Peru là một thị trường đang có doanh thu trung bình trên mỗi thuê bao (APRU) cao nhưng thuê bao lại ở ngưỡng bão hòa. Vì vậy, chúng tôi đang đặt mục tiêu phải có một lượng khách hàng nhất định để tạo ra niềm tin. Khi có một lượng khách hàng nhất định thì Viettel sẽ lập tức đầu tư 4G.

- Xin cảm ơn ông!

Vì sao Viettel xin giảm cước thoại?

Trong bối cảnh thoại và SMS đang suy giảm, 3G gia tăng thì Viettel đưa ra đề xuất giảm cước thoại ngoại mạng bằng nội mạng để đón trước xu hướng của thị trường viễn thông.

http://ictnews.vn/kinh-doanh/peru-la-phep-thu-de-viettel-tran-sang-thi-truong-chau-au-120425.ict

Theo Thái Khang/ Ictnews

Bạn có thể quan tâm