Việc đặt ra câu hỏi kiểu này là suy nghĩ hợp lý. Thế giới ngày nay đủ phẳng, công cụ đo lường đủ tốt để đặt bất kỳ ai ở bất kỳ thời đại nào đứng cạnh nhau trên bàn cân. Xét về danh hiệu, Pele là số một World Cup khi vô địch tới 3 lần. Xét về số bàn thắng ghi được trong cả sự nghiệp, không ai ghi được nhiều như Pele (1.283 bàn).
Nhưng cũng là danh hiệu: Pele chưa từng tới châu Âu chơi bóng và dĩ nhiên không biết thế nào là “Quả bóng vàng” hay cúp C1 châu Âu. Về số bàn thắng: Không ai đếm được Pele ghi đủ 1.283 bàn ngoài chính ông, người từng có thời điểm đá bóng với một cuốn sổ nhỏ đặt trong túi áo để ghi bàn xong là đánh dấu.
Song bóng đá nói chung sẽ không dành cho người chỉ nhìn vào thống kê để đánh giá Pele. Sự vĩ đại của “Vua bóng đá” đến từ những giai thoại bất tử về cuộc đời và về cả tầm ảnh hưởng vượt thời gian của ông. Đấy mới là điều khiến cả thế giới đang gần như dừng lại để tri ân và tưởng nhớ Pele.
Trang bìa tờ L'Equipe chuyển sang màu vàng-xanh để tưởng nhớ Pele. |
‘O Rei’
Người Brazil gọi Pele là “O Rei” tức “Nhà vua”. Lịch sử bóng đá xứ sở samba không thiếu những nhân vật kiệt xuất nhưng đứng đầu và trên đỉnh của tất cả mãi là Pele. Vì ông là bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử bóng đá Brazil.
Trước Pele, Brazil mạnh nhưng không được tôn trọng vì chẳng có danh hiệu. Sau Pele, Brazil không bao giờ phải nhìn lại quá khứ.
VCK World Cup 1958 là lần đầu tiên Brazil vô địch thế giới nhưng cũng là thời điểm Brazil tạo ra trận đấu bất ngờ nhất lịch sử. Ở lượt đấu thứ hai vòng bảng, Brazil hòa Anh 0-0. Trọng tài và hơn 40.000 khán giả trên sân không biết phải làm gì khi trận đấu khép lại. Họ không vỗ tay mà chỉ nhìn nhau ngơ ngác.
Đấy là lần đầu tiên World Cup ghi nhận tỷ số hòa 0-0 trong lịch sử. Ngày ấy, không ai có ý niệm về một trận đấu có thể kết thúc mà không có bàn thắng. Họ xem 0-0 là tỷ số chết. Càng thất vọng hơn khi Brazil lại là đội góp công tạo ra kết quả được xem là nhục nhã này.
Brazil nhận vô vàn chỉ trích từ quê nhà. Những quyết định lập tức được đưa ra trong phòng thay đồ. HLV của Brazil khi ấy quyết định thay cả hàng công trong trận thứ ba với Liên Xô. Cậu bé 17 tuổi Pele được xuất trận từ đầu. Pele đã làm gì trong lần đầu tiên được ra sân? Ngay phút đầu tiên, ông chuyền bóng cho Garrincha sút dội cột. Phút thứ hai, Pele sút dội xà. Tới phút thứ ba, Pele và Garrincha phối hợp trước khi bóng đến chân Vava và bàn thắng cho Brazil.
Pele (giữa) vô địch World Cup 1958 ở tuổi 17 sau khi ghi 6 bàn trong cả giải đấu, trong đó có cú hat-trick ở bán kết và cú đúp ở chung kết. Trước giải, Pele chỉ được xem là cầu thủ dự bị. |
Thủ môn khi ấy của Liên Xô là Lev Yashin huyền thoại. Nhưng ở tuổi 17, Pele không sợ bất kỳ ai. Pele là cảm hứng để Brazil đi một mạch tới chức vô địch với phong độ hủy diệt. “Vua bóng đá” lập hat-trick ở trận bán kết với Pháp và đi vào lịch sử World Cup cho đến tận ngày nay khi là cầu thủ trẻ nhất ghi 3 bàn trong một trận đấu tại World Cup.
Ở trận chung kết, Brazil của Pele thắng Thụy Điển 5-2. Ông lập cú đúp. Đây vẫn là trận chung kết nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử 92 năm của World Cup. Từ ngưỡng tạo ra “trận đấu chết”, Brazil tái sinh với niềm cảm hứng Pele để lần đầu vô địch thế giới.
Phải tới kỳ World Cup thứ 6 trong lịch sử, Brazil mới trở thành nhà vô địch. Nhưng khi Cúp thế giới cán mốc 9 lần tổ chức, Brazil đã 3 lần lên đỉnh thế giới. Tất cả đều tới cùng Pele.
Trước Pele, Brazil là cường quốc bóng đá hữu danh vô thực. Với Pele, Brazil trở thành vua của làng túc cầu.
Pele vĩ đại thật hay không?
Số lượng phản biện về cuộc đời và sự nghiệp của Pele nhiều chẳng kém các lý do để tôn vinh ông. Có thể dễ dàng lấy ra vài ví dụ. Một: Pele thực chất chỉ góp công trong hai chức vô địch của Brazil. Năm 1962, Garrincha một mình kéo Brazil tới chức vô địch còn Pele chấn thương ngay trận ra quân.
Hai: Pele sinh ra và thi đấu trong thời đại bóng đá quá sơ khai. Với cách chơi bóng chặt chẽ như ngày nay, thành tích 1.283 bàn của Pele lẫn vô địch World Cup 3 lần của ông sẽ không thể lặp lại.
Các phản biện này không sai. Nhưng cuộc đời Pele có quá nhiều chi tiết vĩ đại để bàn tới thay vì chỉ nhìn vào các tranh cãi kiểu này.
Pele là cầu thủ Brazil vĩ đại nhất lịch sử. |
Ví dụ: Chủ nhân của cú dứt điểm tạo ra pha cản phá vĩ đại nhất lịch sử World Cup là Pele. Đặt ngược câu hỏi: Nếu đó không phải cú dứt điểm của Pele, liệu pha cản phá của Gordon Banks có được xem là vĩ đại nhất? Chính xác hơn, vì Pele là người dứt điểm, pha cản phá của Banks mới trở nên vĩ đại nhất.
Người kiến tạo cho bàn thắng phối hợp tập thể đẹp nhất lịch sử World Cup cũng là Pele. Đến giờ đây vẫn là tiêu chuẩn của thứ gọi là bóng đá đẹp. Bóng đi qua cả 11 cầu thủ Brazil trước khi tới chân Pele. “O Rei” chuyền như chơi cho Carlos Alberto ấn định tỷ số 4-1. Đấy là trận chung kết World Cup.
Nếu phải phản biện thì độc giả có thể nhận biết điều sau: Vào thập niên 60 và 70, bóng đá sơ khai nhưng cũng rất bạo lực. HLV của đội bóng phải đối mặt với Pele từng nhấn mạnh với các cầu thủ: “Nếu không cản được, sao các cậu không thử đạp gãy chân hắn (Pele) đi”.
Trong những thước phim mờ ảo của quá khứ, hình ảnh Pele bị hậu vệ đối phương sẵn sàng tung cả hai chân để triệt hạ không phải điều gì đó lạ lẫm. Các siêu sao bóng đá tấn công ngày nay được luật bảo vệ nhưng Pele của quá khứ thì không.
Từ lâu trước khi Pele qua đời, thế giới bóng đá đã truyền tay nhau những đoạn video ghi lại việc “Vua bóng đá” đã thi triển những kỹ thuật trứ danh của danh thủ ngày nay từ tận những năm 60 của thế kỷ trước. Từ Lionel Messi, Cristiano Ronaldo, Ronaldo “Béo”, Ronaldinho, Zinedine Zidane..., tất cả đều gần như chỉ lặp lại kỹ thuật mà Pele đã đưa lên tầm thượng thừa từ những năm tháng TV chỉ thu được tín hiệu đen trắng.
Năm 1975, khi Pele tới Mỹ chơi bóng cho New York Cosmos ở tuổi 35, tờ New York Times đã “lật tẩy” bí mật về “Vua bóng đá”.
Pele chơi bóng và thi đấu với nhịp tim ở mức 55-58 nhịp/phút. VĐV bình thường (thậm chí kiệt xuất) làm điều này ở mức 90-95 nhịp/phút. Tầm quan sát của Pele tốt hơn 30% so với người bình thường. Pele có thể chạy 100 m trong hơn 11 giây. Hai bàn chân của Pele song song với nhau với xương gót chân được đánh giá ở mức “cực khỏe”.
Những chuyên gia y tế sau khi đánh giá khung xương, cơ bắp, phản xạ thần kinh của Pele đã đưa ra nhận định: “Với mọi hoạt động cả thể chất lẫn tinh thần, Pele đều có thể trở thành thiên tài”. Ngay cả khi chuyển sang chơi bóng chuyền hay bóng rổ ngay vào tuổi 35 ấy, Pele cũng đều được đánh giá là đủ tố chất để trở thành một VĐV cự phách. New York Times khi ấy sử dụng tính từ “hoàn hảo” để nói về Pele.
Khác rất nhiều so với Lionel Messi, người sinh ra thiếu hormone tăng trưởng, khác cả Diego Maradona, người phải vật lộn với cơ thể từng có lúc béo phì, khác cả Cristiano Ronaldo, người phải nỗ lực tột bậc mỗi ngày để duy trì thân hình hoàn hảo, Pele sinh ra với khung xương, cơ bắp, sự tập trung đều như được trời ban.
Nếu phải tìm ra biểu tượng trên hết cho bóng đá với tư cách trước tiên là một môn thể thao, không ai thích hợp hơn Pele. Đó cũng có thể là một lý do khiến Pele được gọi là “Vua bóng đá”. Ý niệm về đỉnh cao nhất của bóng đá, trước hết vẫn phải là người có thể chất thể thao vượt xa phần còn lại.
Đó cùng với những giai thoại không hồi kết về tài năng và tầm ảnh hưởng là lý do khiến Pele được xem là "Vua bóng đá".
Di sản Pele để lại cho thế giới bóng đá là gì? Tất cả những gì thế giới bóng đá đang có đều chứa ít nhiều hình bóng của Pele. Trước Pele, bóng đá chỉ là môn thể thao. Sau Pele, bóng đá vĩnh viễn là vua. Ở chừng mực nào đó, Pele chính là bóng đá.
Vĩnh biệt, O Rei.