Ông Park Hang-seo đã làm gì để phải nhận thẻ đỏ, bị đuổi vào đường hầm và sau đó là án phạt cấm chỉ đạo 4 trận của Liên đoàn Bóng đá châu Á? Ông làm điều mà mọi người thầy được tôn trọng sẽ làm: Bảo vệ học trò.
Tình huống khiến ông nhận thẻ đỏ diễn ra ở phút 77 trong thắng lợi 3-0 của U22 Việt Nam trước Indonesia tại chung kết SEA Games 30. Nguyễn Trọng Hoàng bị một cầu thủ U22 Indonesia chơi xấu, đốn ngã. Trước đó, nhiều lần trong trận, người Indonesia đã cố tình phạm lỗi. Cho rằng trọng tài không bảo vệ cầu thủ của mình, ông Park nổi giận.
Khoảnh khắc bùng nổ, đầy tranh cãi sau đấy của HLV Park không khiến chúng ta bất ngờ, thậm chí có phần dễ dự đoán. Đó là sự thể hiện hợp lý từ một HLV, một chuyên gia quản trị con người dựa trên cảm xúc.
HLV Park Hang-seo thường thể hiện những cảm xúc mãnh liệt trên sân bóng. Ảnh: Minh Chiến. |
Quản trị bằng cảm xúc
Thế giới bóng đá thường chia các HLV thành hai trường phái. Mẫu thứ nhất là các chiến thuật gia, hành động dựa trên tính toán, phân tích chi tiết, tin tưởng vào dữ liệu với đại diện là Carlo Ancelotti, Rafael Benitez hay Akira Nishino của Thái Lan.
Mẫu thứ hai thiên về cảm xúc, giỏi quản trị, có năng lực thấu hiểu con người mà Alex Ferguson, Zinedine Zidane hay Park Hang-seo là tiêu biểu.
Một ban huấn luyện hoàn hảo phải kết hợp được cả hai yếu tố lý trí và cảm xúc, phải có cả chiến thuật gia và chuyên gia tâm lý. Tuyển Việt Nam đang có điều đó khi trợ lý Lee Young-jin từng 2 lần dự World Cup, dẫn dắt nhiều CLB K.League, là trợ lý có vị thế cao nhất trong lịch sử các đội tuyển Việt Nam. Với trợ lý Lee, ông Park có điều kiện phát huy tối đa năng lực của mình.
Hành xử của ông trong những ngày đầu dẫn dắt đội tuyển Việt Nam từng khiến nhiều người ngạc nhiên. Dẫn dắt đội tuyển ở một quốc gia mà “90 triệu người đều là HLV”, ông Park vẫn tỏ ra là một con người thân thiện, dễ gần. Ông cười nói, vỗ vai, véo tai, thân mật với cầu thủ, cư xử như thể đã quen thuộc từ lâu. Dưới áp lực cực lớn của kỳ vọng, ông làm nhẹ gánh trên đôi vai cầu thủ. Bên cạnh ông, họ không thấy xa cách, cảm giác gần gũi như ở trong một gia đình.
Hai năm ở Việt Nam, ông Park không nói nhiều về chiến thuật. Ông thay đổi mọi thứ bằng những cảm giác, xây dựng triều đại của mình bằng cách đánh đổ định kiến.
Sir Alex Ferguson được xem là HLV thành công nhất theo trường phái quản trị dựa trên cảm xúc. Ảnh: Getty. |
Muốn thay đổi thể lực của cầu thủ, ông đầu tiên nói thể lực của họ không yếu đâu. Muốn thay đổi tự tin của học trò, ông nói tiềm năng cầu thủ Việt không kém Hàn Quốc. Ngày báo giới khen ngợi ông, ông bảo cầu thủ làm hết đấy chứ, ông “chỉ mở một lối đi nhỏ trên cánh cửa đã đóng lâu ngày”.
Vẫn những cầu thủ ấy, vẫn thế hệ thất bại của HLV Hữu Thắng vào tay ông Park đã tỏa sáng rực rỡ. Vì ông thân thiết, ông rất hiểu cầu thủ. Vì hiểu cầu thủ, ông kích phát được tối đa tiềm năng của họ.
Dưới thời ông Park, không có cầu thủ nào là hết thời. Ông sử dụng được tối đa năng lực của Xuân Trường, khai thác hết Công Phượng, đưa Phan Văn Đức, Đỗ Hùng Dũng tỏa sáng. Ông nhìn thấy tiềm năng từ mọi cầu thủ, khuyến khích sự tự tin của họ và sử dụng họ thành công.
Trong chiến thắng hay thất bại, ông luôn hành xử tinh tế. Trên đỉnh vinh quang, HLV Park bảo thành công, danh vọng có thể biến mất bất kỳ lúc nào. Đối diện với thất bại của HLV Indonesia (ở vòng loại World Cup), ông đề nghị báo chí đừng khai thác vì “cuộc đời huấn luyện luôn phải trải qua những lúc như vậy, tôi từng như thế nên hiểu ông ấy”.
Trước khi trở thành một HLV thành công, ông Park đã cố gắng trở thành người bạn, người cha của cầu thủ. Chính sách của ông sau này được báo giới Hàn Quốc miêu tả là quản trị theo kiểu “Papa leadership” (cách dẫn dắt của một người cha).
Cá tính của ông Park từng nhiều lần khiến ông bị đối thủ lợi dụng khiêu khích. Ảnh: Minh Chiến. |
Hạn chế của ông Park
“Ông ấy là người rất cảm xúc, và tôi thích điều đó”, HLV Guus Hiddink miêu tả ngắn gọn về ông Park khi đôi bên gặp lại nhau 17 năm sau World Cup 2022.
Giống như mọi thứ trên đời đều có mặt trái, cách quản trị của ông Park cũng có những nhược điểm. 90 phút ở chung kết SEA Games không phải là lần đầu tiên ông bộc phát cảm xúc một cách mãnh liệt. Điều đó từng nhiều lần bị đối thủ lợi dụng, thậm chí suýt gây ra hậu quả điển hình như vụ khiêu khích của trợ lý Sadic Todic trong 2 lần Việt Nam gặp Thái Lan ở vòng loại World Cup.
Với ông Park, 90 phút trên sân là một cuộc chiến mà bạn chỉ có thể chọn phe trắng hoặc đen. Nếu đối thủ là nước, ông Park phải là lửa. Ông chia sân cỏ thành hai phần. Những gì thuộc đội của ông sẽ được bảo vệ tuyệt đối, theo mọi cách có thể và ngược lại.
Đã hàng chục lần trong 2 năm qua, ông Park gây sự với trọng tài và đối thủ. Ông nhiều lần khiêu khích CĐV đối phương, chạy khỏi khu huấn luyện, thậm chí định “ăn thua đủ” như với trợ lý Thái Lan.
Ông không ngại đối thủ chỉ là HLV đội Myanmar hay Carlos Queiroz lừng danh. Các phóng viên ảnh luôn thích thú với việc chụp hình Park Hang-seo vì ông thể hiện hàng chục sắc thái cảm xúc trong mỗi trận đấu: nhảy tưng tưng, ăn mừng đấm tay vào không khí, ôm hôn cầu thủ, la hét, đấm ngực.
Cùng với trợ lý Lee Young-jin, họ hợp thành cặp đôi bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau ở bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
Điều nghịch lý là Việt Nam được dẫn dắt bởi một HLV bản năng như thế lại là phiên bản có nhiều cải tiến về chiến thuật nhất trong lịch sử. Dưới thời ông Park, tuyển Việt Nam chuyển hẳn sang 3-4-3 mới mẻ. Hàng loạt cầu thủ được làm quen với vị trí mới, các đội bóng của ông Park luôn thay người rất giỏi, giàu đột biến và biết cách khiến đối thủ bất ngờ. Bởi ông Park đã làm tốt mọi phần cảm xúc, trợ lý của ông có điều kiện tập trung vào tổ chức.
Kết hợp với nhau, họ trở thành một ban huấn luyện hoàn hảo, không thể thiếu nhau. Các đội tuyển dưới tay thầy Park thường mạnh về tâm lý, tiềm ẩn khả năng bùng nổ và ít khi chịu đầu hàng.
Cá tính Park Hang-seo và cách quản trị đó cũng phù hợp với bối cảnh ông Park tới Việt Nam. Khi đó, U23 vừa trải qua một kỳ SEA Game thất bại, bóng đá Việt Nam cần một cá tính đủ mạnh để vực dậy đội tuyển đang trong thời kỳ rệu rã. Bản CV của ông Park mà người đại diện Lee Dong-jun từng chia sẻ in đỏ lời giới thiệu: “Là chuyên gia trong việc giúp các đội bóng yếu giành kết quả tốt”.
Đương nhiên, cá tính đó của ông Park cũng tạo nên nhiều vấn đề. Án phạt vừa qua của AFC không phải lần đầu tiên và có thể chưa phải lần cuối cùng của chiến lược gia người Hàn Quốc. Tuy nhiên, hạn chế ấy vẫn là điều nhỏ bé so với thứ HLV Park Hang-seo mang lại. Ông Park đã và vẫn là vị thuyền trưởng trên ghế nóng mà bóng đá Việt Nam cần có.