Đầu năm 2020, Pape Diakite đến Việt Nam đầu quân cho CLB TP.HCM với bản hợp đồng 2 năm. Trung vệ số 44 đã ra sân 10 trận sau 11 vòng đấu ở V.League, giúp đội bóng đứng thứ 5 trên bảng xếp hạng.
Pape Diakite vô cùng tiếc nuối vì không thể thi đấu trận bán kết Cúp Quốc gia do chấn thương. CLB TP.HCM thêm 1 lần chịu khuất phục trước đội Hà Nội, đội bóng sau đó đã bảo vệ thành công ngôi vô địch Cúp Quốc gia. Phía trước Pape Diakite và các đồng đội chỉ còn mục tiêu duy nhất là V.League.
"Thành công hay thất bại là kết quả của tập thể, không phải do cá nhân nào", theo Pape Diakite. Ảnh: Minh Chiến. |
- Xin chào Pape, anh nghĩ sao về ý kiến rằng thiếu anh và Công Phượng nên CLB TP.HCM mới thua trận đậm nhất kể từ đầu mùa?
- Thành công hay thất bại trong bóng đá là kết quả của tập thể, không phải cá nhân nào. Một cá nhân không thể đem lại chiến thắng cho đội bóng, cũng như chịu hết trách nhiệm cho 1 trận thua.
Sự thật là chúng tôi đã thua rất đậm. Trước một đội bóng mạnh như CLB Hà Nội, đội bóng nào ở V.League cũng khó tránh khỏi việc nhận bàn thua. Nếu tôi có thể thi đấu, tôi sẽ cố gắng hạn chế cơ hội ghi bàn của đối thủ.
Mọi người không nên trách Bùi Tiến Dũng sau bàn thua đầu tiên. Tôi xin phép không bình luận gì về bàn thua ấy.
- Anh có cảm thấy áp lực khi đầu quân cho đội bóng đầy tham vọng như CLB TP.HCM?
- Có chứ. Đây lại là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam chơi bóng nữa. Để thành công, các thành viên trong một đội bóng cần hiểu nhau. Ngoài việc đáp ứng chuyên môn ra, tôi còn phải rất nỗ lực để hòa nhập với các đồng đội.
Nhiều đồng nghiệp nước ngoài kể với tôi, các cầu thủ Việt Nam đa số đều không nói được tiếng Anh. Tôi đã hơi lo lắng cho đến khi gặp Công Phượng. Thật may mắn cho tôi, Phượng là cầu thủ Việt Nam nói tiếng Anh tốt nhất đội TP.HCM, anh ấy giúp tôi hòa nhập với mọi người.
Công Phượng cho Diakite xem nhẫn đính hôn trong một buổi tập. Ảnh: Quang Thịnh. |
- Công Phượng là ngôi sao lớn của bóng đá Việt Nam, ít người chơi thân được với Công Phượng. Tại sao anh làm được điều đó?
- Khi đến CLB TP.HCM, tôi mới biết Phượng là thần tượng của đông đảo người hâm mộ Việt Nam. Điều thú vị là Công Phượng không bao giờ nghĩ mình là Công Phượng. Bạn hiểu ý tôi chứ?
Cả trong và ngoài sân cỏ, cậu ấy không bao giờ nghĩ mình là ngôi sao. Phượng luôn quan tâm tới mọi người, tôi cảm nhận được sự gần gũi ấy từ những điều nhỏ nhất. Khi tôi bảo với Phượng là tôi từng chơi bóng ở giải VĐQG Bỉ, cậu ấy tỏ ra rất hào hứng. Thế là chúng tôi có đủ thứ để kể với nhau.
- Anh có thể kể một kỷ niệm về Công Phượng không?
- Phượng từng có hành động làm tôi nhớ mãi. Trong một chuyến đi thi đấu sân khách, tôi ở cùng phòng khách sạn với Công Phượng.
Trong lúc tôi đang ăn snack, Phượng khá chăm chú vào chiếc điện thoại. Tôi vứt vỏ bánh xuống sàn nhà khi ăn xong, hành động đó khiến Phượng chú ý. Anh ấy bảo tôi hãy sử dụng sọt rác. Tôi đáp lại là để lúc khác. Thế là Phượng đứng lên, đến tận nơi nhặt rác bỏ vào sọt và nói với tôi điều gì đó về sự tôn trọng dành cho khách sạn. Tôi chưa gặp cầu thủ nào như vậy trong đời.
- Công Phượng giúp anh hòa nhập với các cầu thủ khác như thế nào?
- Ở CLB TP.HCM, sau Công Phượng thì có Bùi Tiến Dũng nói được tiếng Anh. Những cầu thủ khác thì gần như không nên tôi buộc phải học một chút tiếng Việt để “sinh tồn”. Dũng giao tiếp không tốt bằng Phượng, nhưng ít nhất thì cậu ấy cũng đang cố gắng từng ngày. Hai cầu thủ đó đã dạy tiếng Việt cho tôi.
Ngoài từ xin chào và cảm ơn ra, tôi học thêm được vài từ như: trái, phải, lên, về. Vài từ ít ỏi đó rất quan trọng với tôi bởi vì chúng là công cụ liên lạc trên sân bóng.
Những cầu thủ khác của CLB TP.HCM hầu như toàn giao tiếp với tôi bằng ngôn ngữ cơ thể. Tôi nhớ nhất Đỗ Văn Thuận, “cây hài” đích thực của đội bóng. Anh ta không bao giờ ngừng pha trò để mang lại tiếng cười cho đồng đội.
Diakite coi Công Phượng như người anh em ở CLB TP.HCM. Ảnh: Quang Thịnh. |
- Anh ở Việt Nam cũng khoảng 7 tháng rồi đấy. Cuộc sống và bóng đá ở đây như thế nào?
- Thời tiết ở Việt Nam mát mẻ hơn nhiều so với ở quê tôi. Đồ ăn cũng ổn. Người Việt Nam thân thiện, phụ nữ Việt Nam rất xinh đẹp.
Bóng đá Việt Nam thì có nhiều thứ để nói. Ngoài CLB Hà Nội và TP.HCM, những đội bóng khác không có cơ sở vật chất và sân bãi tốt bằng. Muốn V.League phát triển, các CLB phải có sự đầu tư đồng đều.
- Ở Đông Nam Á, người ta hay so sánh bóng đá Việt Nam với bóng đá Thái Lan. Hãy kể về thời gian anh thi đấu ở Thai League đi.
- Tôi từng thi đấu 6 tháng ở Thai League. Quãng thời gian không dài nhưng tôi đủ hiểu nền bóng đá ở đó phát triển cỡ nào. Không chỉ các CLB Thai League mà cả các đội chơi ở giải hạng Nhì, hạng Ba Thái Lan cũng có sân bãi, cơ sở vật chất tốt.
Tôi từng thi đấu ở châu Âu và Mỹ, tin tôi đi, cơ sở vật chất tốt sẽ thúc đẩy chất lượng chuyên môn của giải đấu. Giải VĐQG là bộ mặt của một nền bóng đá. Quốc gia nào có nền bóng đá phát triển sẽ thu hút nhiều cầu thủ giỏi.
- Nghe nói anh từng là đồng đội của Sadio Mane. Phải chăng các anh từng thi đấu cho các đội tuyển trẻ Senegal?
- Không chỉ là đồng đội, chúng tôi còn chơi rất thân với nhau nữa. Mỗi lần về quê, chúng tôi đều gặp và kể chuyện công việc với nhau.
Tôi gặp Mane lần đầu khi lên tuyển U18 Senegal. Ở các giải khu vực cấp độ U19, U20 sau đó, tôi và Mane đều lên tuyển. Chúng tôi đã cùng nhau chinh chiến ở Tunisia, Morocco, Angola và có rất nhiều kỷ niệm.
Diakite và Mane từng nhiều năm thi đấu cùng nhau ở các đội U18, U19, U20 Senegal. Ảnh: NVCC. |
- Là những cầu thủ cùng trang lứa, tại sao Mane lại phát triển thành cầu thủ đẳng cấp thế giới, còn anh lại chỉ chơi ở V.League?
- Có nhiều lý do. Mane là cầu thủ có tố chất tuyệt vời, anh ta chăm chỉ tập luyện điên cuồng theo năm tháng. Mane phù hợp với Premier League vì anh ấy quá khỏe.
Bản thân tôi cũng không dám so sánh mình với Mane. Anh ấy được gọi vào học viện từ nhỏ, lớn lên thì có người đại diện tốt. Tôi thì xuất thân từ bóng đá đường phố, không có người đại diện, chơi bóng vì đam mê. Sau khi khẳng định mình ở đội bóng địa phương tôi mới lên tuyển và được chú ý.
- Anh có kể với Mane về V.League?
- Có chứ. Mane cũng kể với tôi nhiều điều thú vị ở Liverpool. Ở Anh hay ở Đức, các đội bóng đều có cầu thủ to cao và cầu thủ nhỏ con. Cho dù tính cạnh tranh cao đến mấy, họ cũng không chơi như cầu thủ V.League.
Tôi đã có nhiều bài học quý giá khi đến chơi ở V.League, rằng nếu không sẵn sàng cho những pha va chạm vô lý, tôi không thể tồn tại. Với đẳng cấp của Mane, anh ấy chẳng quan tâm đến những pha va chạm hay phạm lỗi đâu vì bản thân anh quá nhanh và khỏe, nhưng giả sử Mane có về V.League thì kiểu gì anh ta cũng sẽ gặp khó.
Ở châu Âu, các cầu thủ không phạm lỗi khi đối phương không có bóng đâu. Tôi từng không ít lần lọt vào đội hình tiêu biểu ở Mỹ nên tin tôi đi, tôi biết thế nào là đúng, là sai.
- Phải chăng anh đang nói đến công tác trọng tài?
- Tôi không hiểu nổi trọng tài Việt Nam, họ luôn đưa ra những quyết định lạ, không phải chỉ với tôi hay đồng đội tôi, mà cả với những cầu thủ của đội bóng khác nữa. Họ có thể thổi phạt những tình huống phạm lỗi đúng luật, nhưng lại im lặng trước những pha vào bóng ác ý, có lỗi rành rành. Tôi đã và đang là nạn nhân, những lúc như vậy tôi chỉ biết im lặng mà thôi.
Tôi biết đây là vấn đề đã tồn tại từ lâu của bóng đá Việt Nam. Nó có thể khó thay đổi trong thời gian dài, nhưng ít nhất thì các trọng tài Việt Nam nên cố gắng học hỏi trọng tài quốc tế để góp phần nâng cao chất lượng bóng đá Việt Nam.
- Chấn thương của anh thế nào rồi?
- Việc hồi phục của tôi đang tiến triển rất tốt, vài tuần nữa thôi là tôi có thể trở lại. Lúc này không ai dám nói trước về mục tiêu vô địch, tôi chỉ cố gắng tập trung vào từng trận đấu để giành kết quả tốt nhất cho đội bóng.
- Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.