Đáng chú ý, Panasonic đã đầu tư nhà máy này sau 20 năm chỉ nhập khẩu sản phẩm về Việt Nam. Lý do, như đại diện hãng này cho biết, là vì nhu cầu với sản phẩm của hãng tại Việt Nam đang tăng cao. Nhưng có thật là như vậy?
Trước đây, sản phẩm của Panasonic bán tại Việt Nam đều nhập khẩu từ Thái Lan, Malaysia. Nhưng theo đại diện của hãng, trong những năm gần đây, nhu cầu với sản phẩm của hãng đã tăng tới 140%. Chừng đó là đủ để Panasonic đầu tư thêm một nhà máy trị giá 396 tỷ đồng, công suất 30 triệu thiết bị công tắc, ổ cắm… và 5,15 triệu thiết bị đóng ngắt điện, cầu dao… Panasonic dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất nhà máy vào năm 2018 đối với các dòng sản phẩm này.
Một lý do lịch sự
Tuy nhiên, thực tế có thể khác, rất thực dụng chứ không hẳn chỉ như phát biểu của đại diện Panasonic. Dù lý do xây nhà máy là phục vụ cho nhu cầu tăng cao tại Việt Nam. Nhưng ngay đại diện của hãng cũng cho biết, sản phẩm của nhà máy sẽ được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar và chính Nhật Bản, nơi đặt trụ sở chính của hãng. Điều đó cho thấy, lý do chính đầu tư nhà máy tại Việt Nam là phục vụ cho chiến lược phát triển của Panasonic tại khu vực. Theo đó, nhu cầu sử dụng tăng cao được kết hợp với phân bố phù hợp các cơ sở sản xuất, tận dụng tốt lợi thế về chi phí sản xuất thấp tạo các quốc gia nơi đặt nhà máy… sẽ góp phần tối ưu hóa hiệu quả đầu tư, lợi nhuận cho hãng.
Tại thị trường các nước Đông Nam Á, Panasonic nổi danh là nhà sản xuất thiết bị điện máy đến từ Nhật Bản với các sản phẩm như nồi cơm điện, bàn là, máy giặt, tủ lạnh… Nhưng tại phân khúc thị trường thiết bị dây dẫn, ổ cắm, cầu dao điện… sản phẩm của Panasonic không có nhiều lợi thế trước các thương hiệu đến từ Hàn Quốc, thậm chí là phải cạnh tranh chật vật với các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam và nhập từ Trung Quốc, dù chất lượng được đánh giá là cao. Thế nên, việc đầu tư thêm nhà máy sản xuất các sản phẩm này tại Việt Nam cho thấy sự chuyển hướng của hãng trong việc “quyết chiến” cạnh tranh giành thị phần trong phân khúc này.
Trong con mắt các nhà đầu tư, Việt Nam vẫn chỉ hấp dẫn bởi nhân công giá rẻ? |
Theo ông Takashi Ogura, Tổng giám đốc Panasonic Việt Nam, thị trường Việt Nam khá tiềm năng, và nhu cầu đang tăng trưởng cao với sản phẩm điện dân dụng cao cấp. Do đó, ngoại trừ nhân công, thì toàn bộ máy móc sản xuất, nguyên vật liệu của hãng đều phải nhập khẩu, nên giá bán các sản phẩm của hãng do nhà máy tại Việt Nam sản xuất chỉ thấp hơn chút ít so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Khi các DN phía Việt Nam có thể cung cấp được nguyên vật liệu đáp ứng tiêu chuẩn của hãng, Panasonic sẽ ưu tiên mua nguyên liệu trong nước, để tăng được tỉ lệ nội địa hóa và giảm giá thành sản phẩm. Đó cũng lại là một cam kết lịch sự nữa, nhưng mang hàm ý rất rõ ràng: Là ngoại trừ nhân công rẻ, thì phía Việt Nam không có thêm gì để đáp ứng cho nhu cầu của Panasonic.
Thêm cơ hội
Từ hơn 20 năm qua, thị trường điện dân dụng Việt Nam phát triển khá bình lặng trong phân khúc dây dẫn, ổ cắm, ổn áp, cầu dao… Và nếu như các sản phẩm cầu dao, công tắc điện mang thương hiệu Hàn Quốc đang thắng thế như là những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, thì với ổn áp dân dụng, ổ cắm điện kéo dài….. lại là sự thắng thế của thương hiệu Việt Nam với chất lượng được đánh giá là cao nhất. Tiêu biểu có thể nhắc tới các thương hiệu như Lioa, Standa… gần như chiến thắng tuyệt đối trong phân khúc thị trường này, thậm chí còn đẩy bật sản phẩm Trung Quốc nhập lậu khỏi thị trường nội địa, và xuất khẩu sang nước khác.
Trong phân khúc thị trường dây dẫn điện dân dụng các loại, các sản phẩm của Việt Nam và thương hiệu Hàn Quốc cũng chiến thắng tuyệt đối, chứ hoàn toàn không phải “đất lành” của các thương hiệu Nhật Bản. Thậm chí, từ cuối những năm 1990, LG – hãng điện tử hàng đầu thế giới, đã đầu tư nhà máy sản xuất dây dẫn điện, cáp điện các loại tại Hải Phòng. Điều đó cho thấy, tại thị trường điện dân dụng nói chung của Việt Nam, Panasonic, hay các DN của Nhật Bản đang đóng vai “người đến sau”, hơn là ở thế “ông lớn”. Và chắc chắn, các hãng này sẽ phải cạnh tranh quyết liệt mới hi vọng giành được thị phần trước các DN nội địa, hoặc Hàn Quốc.
Bốn năm trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal, ông Fumio Ohtsubo, Chủ tịch Panasonic, nói rằng hãng này đã từ bỏ quan niệm xem thị trường Nhật Bản như là thị trường nội địa, mà chỉ như là một trong những thị trường thông thường khác trên thế giới. Điều đó thể hiện cụ thể bằng việc Panasonic sẽ xóa bỏ sự khác biệt giữa thị trường nội địa và nước ngoài trong ngôn ngữ marketing trên sản phẩm tiêu dùng của hãng.
Và giờ, Panasonic đã chính thức mở thêm một nhà máy sản xuất các sản phẩm điện dân dụng, để khẳng định sẽ xuất khẩu chính những sản phẩm ấy về thị trường Nhật Bản. Tất nhiên, đó là sự thể hiện cụ thể chiến lược “xoay trục” trong sản xuất của hãng. Nhưng cũng rõ ràng không kém, cách thức mà Panasonic tiến hành chuyển hướng chiến lược sản xuất lại rất đáng để DN Việt Nam phải học tập. Vì về nguyên tắc, Panasonic, hay bất kỳ hãng nào tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã đạt tới khả năng tính toán chính xác lợi nhuận có thể thu được từ suất đầu tư tại mỗi thị trường.
Tuy nhiên, với các DN Việt Nam, thì tư duy đầu tư cơ bản vẫn là phải tìm mọi cách, kể cả hạ thấp chất lượng để hạ giá thành, để giành và giữ được thị trường trong nước. Trong khi đó với sản xuất hiện đại, khái niệm nội địa hóa, hay thị trường trong nước đã lạc hậu, không còn nhiều giá trị, vì thị trường giờ được hiểu là toàn cầu, với những khác biệt thuần túy chỉ là mức thuế.
Thế nên, sẽ không khó hiểu khi ngày càng có thêm nhiều “ông lớn” sản xuất của thế giới xem Việt Nam chỉ là nơi cung cấp nhân công có tay nghề với giá rẻ, hơn là thị trường tiềm năng có thể khai thác.
Ông Takashi Ogasawara, Giám đốc Bộ phận kinh doanh thiết bị điện của Panasonic, các đối tác Việt Nam có thể cung ứng được nguyên liệu đầu vào cho chúng tôi vẫn còn rất ít. Lý do đầu tiên là hiện chúng tôi không biết nhiều về các đối tác cung ứng tiềm năng ở nước sở tại. Hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều sản phẩm công nghiệp phụ trợ để cung ứng các sản phẩm thiết yếu như lĩnh vực sản xuất xe hơi chẳng hạn. Đơn cử như ốc vít, một bộ phận rất cần thiết đối với các thiết bị điện phải nhập từ nước ngoài. Nếu như ở Việt Nam sẵn có nguồn cung ốc vít thì sẽ thuận tiện hơn. Nhìn chung, tỷ lệ các sản phẩm nội địa cung ứng cho nhà máy chỉ chiếm vài phần trăm.