Nhiều cổ động viên nhớ đến Mesut Ozil trước hành động ủng hộ nhân quyền của tuyển Đức tại World Cup 2022. Ảnh: The Athletic. |
Không còn được gọi lên tuyển Đức hay liên quan đến thất bại của đội trước Nhật Bản trong khuôn khổ vòng chung kết World Cup 2022, Mesut Ozil vẫn bị nhiều người hâm mộ gọi tên trên mạng xã hội tối 23/11 (giờ Hà Nội).
Nhiều người dùng trên Twitter mỉa mai tuyển Đức vì hành động cả đội lấy tay che miệng trước trận được coi là động thái ủng hộ nhân quyền. Trong khi đó, Mesut Ozil lại tố cáo chính Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) đối xử thiếu công bằng với anh vào năm 2018.
Cách đây 4 năm, Mesut Ozil bị chỉ trích nặng nề sau bức ảnh chụp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Anh cũng có một kỳ World Cup với phong độ tệ hại, còn tuyển Đức bị loại từ vòng bảng sau khi thua một đại diện châu Á là Hàn Quốc.
Cầu thủ này cho rằng người hâm mộ Đức và DFB chỉ tập trung chỉ trích anh vì tấm ảnh, thay vì khía cạnh bóng đá. Ozil gọi đây là sự thiếu tôn trọng với gốc gác Thổ Nhĩ Kỳ của anh, cũng như biến anh thành một dạng tuyên truyền chính trị.
"Tôi sẽ không tiếp tục chơi cho Đức ở cấp độ tuyển quốc gia khi cảm thấy bị phân biệt chủng tộc và xúc phạm", Ozil viết trên trang cá nhân khi công bố giải nghệ ở đội tuyển.
Ozil được nhiều người dùng mạng xã hội gọi tên sau khi tuyển Đức chụp ảnh che miệng. Ảnh: @ShelbyEzzat, @orobosa. |
"Không gì quý giá hơn nhân quyền. Thông điệp này rất quan trọng với chúng tôi. Việc FIFA từ chối cho tuyển Đức mang băng cầu vồng cũng như từ chối tiếng nói và ý kiến của chúng tôi. Tuyển Đức luôn giữ vững lập trường của mình", trang chính thức của tuyển Đức ra thông báo trước trận gặp Nhật Bản.
Chính thông điệp thượng tôn nhân quyền của Die Mannschaft bị nhiều người dùng mạng xã hội lên án. Việc này làm các cổ động viên nhớ đến vấn đề tương tự của Mesut Ozil.
“Nhân quyền là không thể thương lượng. Đúng. Nhưng tại sao sao họ lại tẩy chay Ozil trong trường hợp tương tự”, tài khoản @ShelbyEzzat chia sẻ bài viết của Liên đoàn Bóng đá Đức và để lại quan điểm.
“Đúng vậy. Nhưng khi Ozil đứng lên nói về những người Hồi giáo bị tàn sát, anh ấy bị đuổi khỏi tuyển Đức. Đúng là đạo đức giả”, người dùng @Ahmed_baraghet nhận xét.
Câu nói nổi tiếng của Ozil, “Tôi là người Đức khi thắng nhưng là kẻ nhập cư lúc chúng tôi thua” cũng được nhiều người trích dẫn trở lại.
Trong kỳ World Cup 2018 diễn ra ở Nga, đương kim vô địch Đức đã không thể vượt qua vòng bảng. Trong đó, Mesut Ozil là cầu thủ bị chỉ trích nhiều nhất. Trước khi giải đấu diễn ra, anh đăng tải tấm ảnh chụp chung với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Khoảnh khắc này khiến cựu tiền vệ Arsenal nhận chỉ trích dữ dội. Nhiều CĐV Đức lên tiếng đề nghị HLV Joachim Low loại Ozil khỏi đội tuyển.
Sau World Cup 2018, Ozil tuyên bố từ sự nghiệp thi đấu quốc tế. Bài đăng dài 2 trang của anh trên Twitter châm ngòi cho tranh cãi về vấn đề phân biệt với các cầu thủ Đức nhập tịch, khiến Liên đoàn Bóng đá Đức phải lên tiếng.
Thực tế, nhiều cổ động viên đã có nhầm lẫn về mặt thời gian, bởi các phát ngôn về nhân quyền và người Hồi giáo của Mesut Ozil được anh đưa ra vào năm 2020. Lúc này, cựu tiền vệ Arsenal đã tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế trong màu áo Đức. Do đó, việc Ozil rời đội tuyển không liên quan đến sự việc này.
Sau đó, anh không còn được trọng dụng tại Arsenal trong khi hưởng lương cao nhất đội. Đến tháng 1/2021, cầu thủ này cập bến Fenerbahce trong sự kỳ vọng của người hâm mộ. Tuy nhiên, anh không thể hiện được nhiều trên sân cỏ.
Trong trận đấu tối 23/11, Đức thể hiện bộ mặt bạc nhược, để thua trận trước Nhật Bản. Nhà vô địch World Cup 2014 dẫn trước nhờ bàn thắng trên chấm phạt đền của Ilkay Gundogan. Tuy nhiên, lợi thế không được giữ khi Nhật Bản lội ngược dòng nhờ 2 bàn thắng trong hiệp 2.
Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ
Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.