Theo số liệu năm 2014, Việt Nam có 210 cá nhân thuộc lớp "siêu giàu" (có tài sản định giá hơn 30 triệu USD) với tổng tài sản lên tới 20 tỷ USD, tương đương 12% GDP Việt Nam. Con số này đồng nghĩa với việc 0.00023% dân số Việt Nam đang nắm 12% tài sản của đất nước.
Hãng kiểm toán tài sản danh tiếng Knight Frank dự đoán số người thuộc lớp siêu giàu sẽ tăng lên 403 cá nhân vào năm 2025.
Biểu đồ thu nhập năm chia theo nhóm thu nhập giai đoạn 2004-2014, nhóm giàu đang ngày càng bỏ xa bốn nhóm còn lại về thu nhập. Đồ họa: Oxfam. |
Theo tính toán của Oxfam, thu nhập một ngày của người giàu nhất Việt Nam còn nhiều hơn của một người nghèo nhất kiếm trong 10 năm.
Tổ chức này cho hay dù đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế nhất định đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhưng khoảng cách giàu nghèo tại Việt Nam đang ngày một nới rộng hơn, chủ yếu do sự bất bình đẳng về hưởng lợi từ quá trình phát triển kinh tế.
Việt Nam đang dần chuyển đổi cơ cấu kinh tế một cách bền vững, nhưng người hưởng lợi nhiều hơn lại là tầng lớp giàu có, trong khi khối nông nghiệp và sản xuất chỉ được hưởng lợi 10-20%. Đây là xu hướng ở rất nhiều quốc gia đang phát triển.
Còn theo số liệu từ World Bank, chỉ số Gini của Việt Nam đã tăng từ 35,7 lên 38,7 trong 20 năm, từ 1992 tới 2012. Đây là chỉ số đo chênh lệch thu nhập của các tầng lớp xã hội trong một quốc gia. Gini càng cao đồng nghĩa khoảng cách giàu nghèo đang càng lớn dần.
Oxfam cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát ở cấp độ hộ gia đình. Kết quả cho thấy một gia đình thuộc top 20% giàu nhất Việt Nam có tổng thu nhập cao hơn 21 lần một gia đình thuộc top 20% nghèo nhất.
Kết quả này cho thấy các hộ gia đình, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi thu nhập phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động nông nghiệp, đang tụt lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế và chịu thiệt thòi hơn nhiều lần so với giới giàu có.
Oxfam cũng đưa ra những giải pháp cho Chính phủ Việt Nam để kiểm soát tình hình này, bao gồm cải thiện chính sách về thuế, quyền lợi người lao động, phân bổ lại ngân sách để người nghèo được hưởng lợi nhiều hơn từ các dịch vụ y tế, giáo dục, nhằm mở rộng cơ hội thoát nghèo, thay đổi cuộc sống ...