Với nhiều sản phẩm mới được ra mắt, nâng cấp thời gian qua, phân khúc ôtô dưới 550 triệu đồng đã có nhiều lựa chọn hơn bên cạnh một số mẫu xe hạng A, B quen thuộc.
Đồng thời, nhiều mẫu xe trong khoảng giá này cũng đã được cải thiện về trang bị tiện nghi, an toàn, qua đó phù hợp hơn cho nhóm người dùng mua xe phục vụ cá nhân và gia đình, thay vì chủ yếu hướng đến khách hàng kinh doanh dịch vụ vận tải.
MG ZS Std+ giá 519 triệu đồng
Giá bán rẻ nhất phân khúc, mẫu mã hiện đại và trang bị đủ dùng là những điểm để MG ZS thu hút khách hàng tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là nhóm người dùng trẻ, mua xe lần đầu và không quá chú trọng yếu tố thương hiệu, xuất xứ hay hệ thống đại lý phủ rộng.
Mặt khác, đây cũng là lựa chọn SUV hiếm hoi trong tầm giá này. Việc được trang bị hộp số tự động vô cấp và nhiều tính năng an toàn giúp MG ZS Std+ đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng gia đình.
Cụ thể, xe có ABS/EBD/BA, hỗ trợ đổ đèo/khởi hành ngang dốc, cảm biến áp suất lốp, kiểm soát lực kéo, camera lùi, cảm biến lùi và 2 túi khí.
Những trang bị được xem là ưu thế của phiên bản ZS Std+ so với các xe cùng tầm tiền là đèn pha và đèn hậu LED, cruise control, ghế da, điều hòa lọc bụi PM2.5, chìa khóa thông minh, nút bấm khởi động và màn hình trung tâm 10,1 inch tích hợp Apple CarPlay/Android Auto.
Bên cạnh hạn chế về thương hiệu và hệ thống đại lý, động cơ 1.5L (112 mã lực, 150 Nm) của MG ZS cũng thuộc dạng yếu nhất phân khúc. Đủ dùng cho nhu cầu cơ bản, tuy nhiên xe tăng tốc chưa nhạy và có thể nhận ra độ trễ. Mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế với nhu cầu sử dụng hỗn hợp khoảng 8 lít/100 km.
Hyundai Accent 1.4 AT Đặc biệt giá 542 triệu đồng
Không phải là mẫu sedan hạng B mạnh, rộng rãi hay bền bỉ nhất, tuy nhiên Hyundai Accent vẫn được đông đảo người dùng ưa chuộng nhờ giá bán rẻ, kiểu dáng bắt mắt và có nhiều tiện nghi.
Mặt khác, nhờ thương hiệu phổ biến, hệ thống đại lý rộng và linh, phụ kiện thay thế dễ kiếm, Accent cũng là một trong những phương án an toàn ở tầm giá dưới 550 triệu đồng.
Ảnh: TC Motor. |
Xét về trang bị ngoại thất và an toàn, Hyundai Accent không quá nổi trội khi phiên bản cao nhất có đèn halogen và các tính năng an toàn cơ bản, hiện đã phổ biến trên nhiều mẫu xe cùng tầm tiền như ABS/EBD/BA, kiểm soát lực kéo, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, cảm biến lùi, camera lùi và 6 túi khí.
Đổi lại, thế mạnh của Accent 1.4 AT Đặc biệt nằm ở tiện nghi với bảng đồng hồ kỹ thuật số, điều hòa tự động, cửa gió hàng ghế sau, cruise control, nút bấm khởi động, tính năng nổ máy từ xa, ghế da và cửa sổ trời.
Về không gian sử dụng, hàng ghế sau của Accent không rộng rãi bằng các mẫu xe Nhật Bản như Toyota Vios hay Honda City. Khoảng để chân vừa đủ thoải mái trong khi không gian trên đầu có phần chật chội với người cao lớn. Xe cũng không có bệ tì tay hàng ghế sau.
Mức tiêu thụ nhiên liệu thực tế khi di chuyển trong thành phố của Accent 1.4 AT Đặc biệt khoảng trên dưới 10 lít/100 km - không thực sự tiết kiệm. Khi chạy đường trường, xe tiêu tốn khoảng 5 lít/100 km.
Suzuki Ertiga Sport giá 560 triệu đồng
Nếu tính đa dụng là ưu tiên hàng đầu, người dùng có thể lựa chọn một số mẫu MPV cỡ nhỏ như Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga hay Suzuki XL7. Tuy nhiên, đa phần mẫu MPV có giá dưới 550 triệu đồng đều là phiên bản dùng số sàn, phù hợp kinh doanh chở khách hơn.
Ở thời điểm hiện tại, với ưu đãi từ hãng và đại lý, phiên bản Suzuki Ertiga Sport đang có giá thực tế khoảng 530 triệu đồng, phù hợp với người dùng tìm kiếm một mẫu MPV tiết kiệm về chi phí đầu tư, mức tiêu thụ nhiên liệu, có không gian rộng rãi ở cả 3 hàng ghế và khoang hành lý chứa được nhiều đồ.
Ngoài tính thực dụng cao, thiết kế nội/ngoại thất, trang bị tiện nghi, an toàn và khả năng vận hành của Suzuki Ertiga đều không có gì nổi trội, chỉ dừng ở mức đáp ứng nhu cầu cơ bản.
Cụ thể, xe có đèn pha halogen, vô-lăng da, ghế nỉ chỉnh cơ, điều hòa chỉnh cơ, nút bấm khởi động, màn hình trung tâm 10 inch, phanh ABS, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc và 2 túi khí.
Tương tự các mẫu MPV bình dân khác, động cơ 1.5L (103 mã lực, 138 Nm) và hộp số 4 AT của xe cũng cho hiệu năng đủ dùng với nhu cầu cơ bản. Trong các tình huống vượt trên đường cao tốc hoặc đi đèo, dốc khi chở đủ tải, có thể nhận ra sự thiếu hụt về sức mạnh động cơ.