Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

OPEC+ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục

Thông tin này đã giúp giá dầu WTI tăng tới 5,72% lên 39,55 USD, trong khi giá dầu thô Brent tăng 5,78%, giao dịch ở mức 42,3 USD.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh - còn gọi là OPEC+ đã thống nhất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu kỷ lục 9,7 triệu thùng/ngày, CNBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết. Dự kiến hết hạn vào cuối tháng 6, thỏa thuận sẽ được gia hạn tới hết tháng 7.

Thông tin này giúp giá dầu WTI tăng tới 5,72% lên 39,55 USD, trong khi đó giá dầu thô Brent tăng 5,78%, giao dịch ở mức 42,3 USD. Đây là tuần tăng giá thức 6 liên tiếp và mà mức giá cao nhất kể từ ngày 6/3.

OPEC+ gia han thoa thuan cat giam san luong ky luc anh 1

OPEC+ đồng ý tiếp tục giảm 9,7 triệu thùng dầu/ngày tới hết tháng 7. Ảnh: Getty Images.

Tuy nhiên, một vấn đề tồn tại là các nước, trong đó có Iraq - quốc gia phụ thuộc vào dầu mỏ, đã không tuân thủ sản lượng cắt giảm được phân bổ theo thỏa thuận. Dù vậy, trước thềm cuộc họp sắp tới của OPEC, Assem Jihad, người phát ngôn Bộ Dầu mỏ của Iraq, khẳng định “bất chấp những vấn đề kinh tế và tài chính mà Iraq đang gặp phải, chúng tôi sẽ vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận”.

Theo nguồn tin của Reuters, Iraq sẽ đưa ra các biện pháp nhằm giảm sản lượng hơn nữa trong quý III/2020 nhằm bù đắp cho việc không tuân thủ thỏa thuận trước đó.

Theo thỏa thuận hiện tại, được thống nhất sau cuộc họp bất thường kéo dài nhiều ngày hồi tháng 4, nhóm OPEC+ gồm 23 quốc gia đã đồng ý giảm sản lượng 9,7 triệu thùng mỗi ngày từ 1/5 tới hết tháng 6. Con số này sẽ giảm dần sau đó, 7,7 triệu thùng/ngày từ tháng 7 tới hết năm 2020, và 5,8 triệu thùng/ngày từ tháng 1/2021 đến tháng 4/2022.

Đây là mức giảm sản lượng lớn chưa từng có trong lịch sử, được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ lao dốc do đại dịch Covid-19. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nhu cầu dầu mỏ trong tháng 4 đã sụt khoảng 25% do hàng tỷ người trên toàn cầu phải ở nhà để ngăn dịch bệnh lây lan. Cú sốc này càng thêm trầm trọng khi các nước tiếp tục sản xuất dầu mỏ mỗi ngày. Kết quả là, giá hợp đồng tương lai tháng 5 dầu WTI tại New York (Mỹ) lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức âm, trong khi giá dầu Brent chạm đáy 20 năm.

Từ đó đến nay, giá dầu đã tăng dần khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và sản lượng sản xuất được kìm hãm. Tại Mỹ, sản lượng dầu đã giảm từ mức kỷ lục 13,1 triệu thùng/ngày hồi tháng 3 xuống còn 11,2 triệu thùng/ngày, theo dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ. Tuy nhiên, giá dầu WTI hiện vẫn thấp hơn khoảng 40% so với mức 65,55 USD hồi tháng 1.

Nguyễn Duy

Bạn có thể quan tâm