Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

OPEC+ đẩy Fed vào thế khó

Fed đang phải lựa chọn giữa đối phó với lạm phát và tăng trưởng kinh tế, ổn định hệ thống tài chính. Nhưng việc OPEC+ giảm sản lượng khiến bài toán càng thêm nan giải.

Một số nước thành viên OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) cho biết sẽ cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng sau tới cuối năm nay. Động thái này tạo thêm sức ép cho các ngân hàng trung ương trong việc kìm hãm lạm phát trên toàn cầu.

"Chúng tôi không cho rằng việc cắt giảm là nên làm trong thời điểm này, bởi thị trường đang bất ổn", người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận định.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần chỉ trích OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng. Nguồn cung năng lượng bị cắt giảm sẽ đẩy giá xăng lên cao, gia tăng áp lực lạm phát và giáng đòn lên các hộ gia đình.

lam phat anh 1

Giá dầu vọt tăng sau quyết định của các thành viên OPEC+. Ảnh: Trading Economics.

Bóng ma lạm phát

"Giá dầu sẽ gia tăng trong phần còn lại của năm nay bởi các đợt cắt giảm tự nguyện này. Chúng có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải giữ lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất", ông Victor Ponsford tại hãng nghiên cứu Rystad Energy bình luận.

Tuy nhiên, theo ông, điều này có thể kéo tụt tăng trưởng kinh tế và cản trở đà phục hồi của nhu cầu dầu.

Còn ông Tamas Varga, chuyên gia dầu mỏ tại PVM, đã chỉ ra những rủi ro chính trị của việc cắt giảm sản lượng một cách tự nguyện và có tổ chức. Nói với CNBC, ông cảnh báo lạm phát toàn phần sẽ diễn ra nhanh hơn dự kiến.

Giá dầu sẽ gia tăng trong phần còn lại của năm nay bởi các đợt cắt giảm tự nguyện này. Chúng có thể thúc đẩy lạm phát toàn cầu, buộc những ngân hàng trung ương lớn trên thế giới phải giữ lập trường cứng rắn trong việc tăng lãi suất

Ông Victor Ponsford tại hãng nghiên cứu Rystad Energy

"Dù vậy, các ngân hàng trung ương có thể vẫn đi theo lộ trình giảm tốc độ tăng lãi suất. Bởi quan điểm của họ phần lớn dựa trên những dữ liệu lạm phát cơ bản, thay vì số liệu lạm phát chung (bao gồm cả giá năng lượng và thực phẩm biến động mạnh)", ông giải thích.

Năm ngoái, lạm phát tại nhiều nơi trên thế giới đã vọt lên mức cao nhất nhiều thập kỷ do tình trạng gián đoạn nguồn cung thực phẩm và năng lượng liên quan tới xung đột ở Ukraine.

Quyết định mới đây của OPEC+ đã đẩy giá dầu tăng vọt. Giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ có thời điểm tăng dựng đứng lên 80,89 USD/thùng. Dầu Brent cũng chạm ngưỡng 85,54 USD/thùng. Hiện tại, hai loại hàng hóa này lần lượt được giao dịch ở mức 79,7 USD/thùng và 84,2 USD/thùng.

Giới quan sát tin rằng đây sẽ là biến số mới trong bài toán lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Trong cuộc họp chính sách gần nhất, ngân hàng trung ương Mỹ đã tăng lãi suất 25 điểm cơ bản, lên 4,75-5%, mức cao nhất kể từ năm 2007.

Fed ở ngã ba đường

"Con đường đưa lạm phát trở lại mức 2% vẫn còn dài và gập ghềnh", ông Jerome Powell, Chủ tịch Fed, nhận định trong họp báo sau cuộc họp.

Theo báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Bộ Lao động Mỹ, đà giảm của chi phí năng lượng đã giúp hạ nhiệt CPI trong tháng 2. Lĩnh vực này ghi nhận mức giảm 5,2%, riêng giá dầu nhiên liệu lao dốc 7,9%.

Điều này làm dấy lên lo ngại nếu giá năng lượng leo thang trở lại, lạm phát tại Mỹ có thể nóng lên.

Fed có thể phải hành động mạnh tay hơn dự kiến nhằm đối phó với lạm phát dai dẳng. Nhưng các đợt tăng lãi suất dồn dập sẽ để lại hậu quả. Điển hình là vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ.

"Đây là chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ nhất trong vòng 40 năm. Càng mạnh tay, các vị càng khó kiểm soát kết quả", Bloomberg dẫn lời ông James Knightley, chuyên gia kinh tế trưởng tại ING.

"Nguy cơ căng thẳng kinh tế và tài chính do đó sẽ tăng lên", vị chuyên gia cảnh báo.

"Điểm mấu chốt là cả ông Powell lẫn FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của Fed) đều không chắc chắn về mức độ, thời gian và ảnh hưởng của việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay đối với hệ thống ngân hàng", bà Kathy Bostjancic tại Nationwide Life Insurance nhấn mạnh.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Điều gì vẫn ghìm giá vàng

Giới quan sát tin rằng giá vàng sẽ lập kỷ lục mới trong năm nay. Nhưng trong tuần này, kim loại quý vẫn chưa thể lấy lại mốc 2.000 USD/ounce.

6 rủi ro chính với kinh tế toàn cầu năm nay

Những dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn thấp, phản ánh việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, đặc biệt ở những nền kinh tế lớn.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm