Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn trong buổi phát biểu tại Diễn đàn Hòa bình Thế giới ở Bắc Kinh ngày 8/7/2019. Ảnh: Reuters. |
Một ngày năm 1984, 200 nhà kinh tế học trẻ tuổi tụ hội tại một hội nghị về vấn đề giá cả trong nền kinh tế thị trường mới nổi của Trung Quốc, theo China Daily. Người chủ trì chính tại sự kiện này là ông Vương Kỳ Sơn, một chuyên gia chính sách nông thôn.
Nhiều năm sau đó, vị chuyên gia 36 tuổi ấy dần thăng tiến và từng lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông thậm chí được mệnh danh là “người chữa cháy” vì khả năng ứng phó khủng hoảng.
Sinh năm 1948, ông Vương lẽ ra đã nghỉ hưu sau Đại hội XIX vào năm 2017, nếu chiếu theo thông lệ về tuổi nghỉ hưu không chính thức là 68. Tên ông không xuất hiện trong danh sách Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX.
Sau đó, ông tiếp tục công tác từ năm 2018 tới nay ở vị trí phó chủ tịch nước. Nhưng nhiệm vụ của ông lúc này chỉ tập trung vào việc đại diện cho Trung Quốc ở các sự kiện đối ngoại.
“Người chữa cháy” khủng hoảng
Trong sự nghiệp hơn nửa thế kỷ, ông Vương đã thể hiện khả năng ứng phó khủng hoảng, theo Nikkei. Thành công đầu tiên của “người chữa cháy” là vào cuối những năm 1990 tại Quảng Đông, khi tỉnh này gặp vấn đề nợ lớn.
Được bổ nhiệm chức phó thống đốc Quảng Đông, ông Vương đảm nhiệm vai trò thương lượng với chủ nợ nước ngoài để tái cơ cấu nợ. Ông sau đó giám sát quá trình hợp nhất tài sản công, tạo điều kiện cho Quảng Đông tăng trưởng trở lại.
Ông Vương Kỳ Sơn và ông Tập Cận Bình vào năm 2018, sau khi ông Vương vừa được bầu làm phó chủ tịch nước. Ảnh: AP. |
Năm 2003, ông Vương phải đối mặt một cuộc khủng hoảng lớn hơn: Dịch SARS. Khi virus bắt đầu phát tán ở thủ đô Trung Quốc, ông Vương được điều động thay thế thị trưởng Bắc Kinh. Mệnh lệnh đầu tiên của ông là yêu cầu báo cáo chính xác số ca mắc và tử vong.
“Một là một, hai là hai. Thời chiến không thể đùa được”, ông Vương nói trong cuộc họp vào tháng 4/2003, theo Nhân Dân nhật báo.
Năm 2008, ông Vương được thăng chức trở thành một trong 4 phó thủ tướng và được giao phụ trách kinh tế. Điều này khiến ông trở thành một trong những kiến trúc sư chủ chốt trong cách Trung Quốc ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khi ấy, giúp nước này vẫn đạt tăng trưởng dù cả thế giới chao đảo.
Ông Vương có mối quan hệ thân thiết kéo dài nửa thế kỷ với Chủ tịch Tập Cận Bình, theo Nikkei. Thời Cách mạng Văn hóa, ông Vương và ông Tập (khi ấy lần lượt 20 và 15 tuổi) cùng được chuyển về sống và làm việc ở nông thôn. Họ quen biết nhau ở tỉnh Thiểm Tây.
Ở góc độ cá nhân, ông Vương thể hiện mình có khiếu hài hước cùng sự tinh tế. Theo China Daily, khi Olympic Bắc Kinh 2008 tới gần, một nhà tài chính người Mỹ đã ngỏ ý xin danh thiếp của ông Vương.
“Ông không cần danh thiếp của tôi đâu”, ông Vương, khi đó là thị trưởng Bắc Kinh, cười đáp. “Nếu Olympic thành công, tôi sẽ ở cấp quá cao và không giúp được ông. Nếu không, tôi sẽ không còn mang điện thoại”.
Ông Vương Kỳ Sơn, khi ấy là thị trưởng Bắc Kinh, vẫy cờ Olympic sau khi tiếp nhận lá cờ trong lễ bế mạc Olympic Athens vào năm 2004. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Chỉ đạo chống tham nhũng
Sau Đại hội khóa XVIII vào năm 2012, ông Vương được bầu vào Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương để giải quyết một vấn đề quan trọng khác: Chống tham nhũng.
Suốt 5 năm sau đó, khoảng 1,3 triệu đảng viên đã bị kỷ luật hoặc điều tra vì tham nhũng hay các sai phạm khác, cũng như nhiều quan chức đã “ngã ngựa” trong chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” do ông Vương chỉ đạo.
Sau Đại hội khóa XIX vào năm 2017, ông Vương, khi ấy đã 68 tuổi và quá tuổi nghỉ hưu bất thành văn, nghỉ Ban thường vụ Bộ Chính trị. Ông trao lại chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” cho người kế nhiệm Triệu Lạc Tế - Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa XIX.
Thời gian gần đây, một số người có liên hệ với ông Vương cũng đã sa lưới trong chiến dịch chống tham nhũng. Năm 2020, tỷ phú bất động sản Nhậm Chí Cường, một người bạn của ông Vương, đã bị phạt 18 năm tù vì tham nhũng và các tội danh khác.
Khoảng hai tuần sau khi ông Nhậm lãnh án tù, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc thông báo mở cuộc điều tra vào ông Đổng Hoành, cựu trợ lý lâu năm của ông Vương.
Tới tháng 1, ông Đổng lãnh án tử hình treo vì tự thú chi tiết tội lỗi của bản thân. Tại Trung Quốc, án tử hình treo - tức tử hình nhưng được hoãn thi hành án - thường được giảm xuống còn tù chung thân sau 2 năm.
Ông Triệu Lạc Tế, người thay ông Vương lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng "đả hổ, diệt ruồi" trong nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương khóa XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (2017-2022). Ảnh: Reuters. |
Ba tháng sau, Điền Hội Vũ, một chủ ngân hàng kỳ cựu, bị Ủy ban kiểm tra Kỷ luật Trung ương điều tra. Ông Điền từng là thư ký cho ông Vương trong năm 1994-1997, giai đoạn ông Vương là chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc.
Tháng 10, ông Điền bị khai trừ đảng và cách mọi chức vụ vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng, Hoàn Cầu thời báo đưa tin.
Bộ mặt đối ngoại
Sau khi rời Ban thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2017, ông Vương vẫn chưa thoái lui chính trường. Năm 2018, ông giữ chức phó chủ tịch nước và sau đó được bổ nhiệm vào vai trò mới tại Ủy ban Đối ngoại Trung ương.
Hiện nay, ông Vương thường làm công tác đại diện cho chủ tịch nước tại những sự kiện lễ nghi bên ngoài Trung Quốc. Tháng 9, vị phó chủ tịch Trung Quốc đã dự lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II theo lời mời của chính phủ Anh.
Hôm 16/10, ông Vương đã không có mặt trong lễ khai mạc Đại hội đảng XX, có thể do quy định cách ly với người nhập cảnh. Trước đó, ông Vương vừa trở về Trung Quốc từ Kazakhstan vào ngày 13/10, theo SCMP.
Tại phiên bế mạc Đại hội XX ngày 22/10, sự xuất hiện bất ngờ của ông Vương đã thu hút sự chú ý. Ông ngồi giữa cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo và ông Triệu Lạc Tế.