Sáng 24/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tham dự Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu chỉ đạo đại hội, ông Võ Văn Thưởng đánh giá An Giang là địa phương có bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Người dân An Giang luôn anh dũng, kiên cường trong kháng chiến; cần cù, sáng tạo trong lao động.
Tháo gỡ những 'điểm nghẽn'
Theo ông Thưởng, 5 năm qua, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ và nhân dân An Giang với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã đạt được nhiều thành quả quan trọng và khá toàn diện.
Đảng bộ tỉnh An Giang đã năng động, sáng tạo, đề ra các giải pháp tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong phát triển, thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai, huy động nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các năm gần đây năm sau cao hơn năm trước; quy mô kinh tế đứng thứ 5/13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Phạm Hoàng Giám. |
GRDP giai đoạn 2015-2020 của An Giang ước đạt 5,25%/năm, phù hợp với điều kiện và nguồn lực của địa phương. Đời sống của nhân dân An Giang tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46,8 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đến năm 2020 giảm còn 1,93%, thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.
“Quốc phòng - an ninh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có nhiều chuyển biến, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá.
Theo ông Võ Văn Thưởng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của An Giang được chú trọng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp quần chúng; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Tập trung khắc phục hạn chế
Ngoài những việc làm được, ông Võ Văn Thưởng lưu ý tỉnh An Giang thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế cần tập trung khắc phục.
Cụ thể, còn 7/15 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu quan trọng như tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng vốn đầu tư toàn xã hội… chưa đạt theo Nghị quyết Đại hội X.
Nông nghiệp vẫn là sản xuất quy mô nhỏ, đất đai còn manh mún, chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Công nghiệp phát triển chậm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Du lịch chưa đủ sức trở thành mũi nhọn của nền kinh tế. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng nông thôn, vùng bị sạt lở, vùng đồng bào dân tộc, biên giới. Một số vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp kéo dài. Buôn lậu, khai thác trái phép khoáng sản còn diễn biến phức tạp.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân tặng hoa cho Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng. Ảnh: Phạm Hoàng Giám. |
“Những hạn chế, yếu kém đó đang cản trở sự phát triển của tỉnh. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu phát huy dân chủ, nêu cao trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Tập trung thảo luận, phân tích rõ những khuyết điểm, hạn chế và nguyên nhân để xác định những chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp khắc phục khả thi, phù hợp với điều kiện của tỉnh, quyết tâm đưa An Giang phát triển nhanh, bền vững trong nhiệm kỳ tiếp theo”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.
Gợi mở nhiều vấn đề
Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần này xác định mục tiêu tổng quát phấn đấu đến năm 2025 kinh tế của An Giang thuộc nhóm đầu khu ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước.
Từ mục tiêu trên, ông Võ Văn Thưởng gợi mở nhiều vấn đề. Đó là khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của tỉnh, xác định rõ ngành, lĩnh vực trọng tâm để tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL với TP.HCM và các địa phương khác trong cả nước. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực thực hiện hiệu quả, tránh dàn trải.
Là tỉnh có dân số đông nhất ĐBSCL, ông Võ Văn Thưởng cho rằng An Giang phải quan tâm thực hiện tốt mục tiêu phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. Tập trung xây dựng văn hóa, hệ giá trị và chuẩn mực con người An Giang trong thời kỳ mới; phát huy ý chí, khát vọng vươn lên, phấn đấu xây dựng An Giang ngày càng phát triển giàu, đẹp.
Khai mạc sáng 24/9, Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI có sự tham dự của 349 đại biểu đại diện cho 64.934 đảng viên trong toàn tỉnh. Ảnh: Phạm Hoàng Giám. |
Về chính trị, ông Võ Văn Thưởng nhận thấy An Giang cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, với các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, công tâm, khách quan. Lựa chọn những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, uy tín, năng lực công tác, tư duy đổi mới, sáng tạo; tiêu biểu cho toàn Đảng bộ về tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ.
“Có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện trên các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực, những địa bàn quan trọng; cần lưu ý phấn đấu đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ. Tập thể Ban Chấp hành là những đồng chí đủ năng lực lãnh đạo Đảng bộ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI", ông Võ Văn Thưởng chỉ đạo.
16 chỉ tiêu phát triển của An Giang đến năm 2025:
- Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt 6,5-7%.
- GRDP bình quân đầu người đạt 70,4-72,2 triệu đồng/người/năm, tương đương 2.563-2.626 USD.
- Tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt 164.600-176.000 tỷ đồng.
- Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD.
- Thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5 năm đạt 41.303 tỷ đồng.
- Tỷ lệ đô thị hóa 43%.
- Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 55%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân 73%.
- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1-1,2%/năm.
- Có 11 bác sĩ/10.000 dân và 28 giường bệnh/10.000 dân.
- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95%.
- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 75-80%; 30-35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu có thêm 2 huyện đạt huyện nông thôn mới, 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
- Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh 95%.
- Tỷ lệ cơ quan Nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử 90%.
- Mỗi năm có 20% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 70% đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém.
- Mỗi năm có 80% UBMTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức yếu kém.