Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Văn Đức Mười thôi làm CEO Vissan

Đại hội cổ đông của Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đã miễn nhiệm ông Văn Đức Mười, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, kể từ ngày 7/4/2017.

Ngày 5/4, Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan - VSN) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2017 nhằm thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 và kế hoạch năm 2017.

Đại hội đã biểu quyết thông qua miễn nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và Tổng giám đốc đối với ông Văn Đức Mười, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty do ông Mười đã đến tuổi nghỉ hưu.

Ông Mười tham gia HĐQT của Vissan với tư cách là đại diện 18% vốn của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) tại Vissan.

Van Duc Muoi roi Vissan anh 1
Ông Văn Đức Mười rời Vissan sau 37 năm gắn bó. Ảnh: PLO.

Đại hội bầu thay thế thành viên HĐQT là ông Huỳnh Văn Giàu - Kế toán trưởng Vissan, Ban kiểm soát là ông Lê Quang Liêm - Chuyên viên phòng đến từ Satra và ông Phạm Hoàng Sơn - Chuyên viên tại Vissan.

Thay ông Mười là ông Nguyễn Ngọc An, tân Tổng giám đốc Vissan kể từ ngày 7/4. Đồng thời, ông Nguyễn Ngọc An cũng được bổ nhiệm giữ vị trí Phó chủ tịch HĐQT.

Ông Văn Đức Mười sinh năm 1957 ở Quảng Nam. Sau 4 năm trong quân ngũ, năm 1980, ông Mười bắt đầu làm việc ở Vissan với vị trí gác cổng bảo vệ công ty.

Là bảo vệ nhưng với tính cách của một người lính cương trực, ông đã kiên quyết ngăn chặn việc lấy cắp nguyên liệu, sản phẩm, lâu dần có không ít kẻ ghét. Một thời gian sau ông được chuyển về phòng tổ chức nhân sự vì thường xuyên bị đe dọa.

Van Duc Muoi roi Vissan anh 2
Vissan hiện là doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành hàng thực phẩm. Ảnh: Việt Dũng. 

Song cuộc điều chuyển ấy lại tạo điều kiện cho ông Mười phát huy khả năng sáng tạo. Được sự ủng hộ của ông Mười Rua (tức ông Lê Quang Nhường - Tổng giám đốc lúc bấy giờ), ông Mười theo học khóa tại chức Đại học Kinh tế. Với những kiến thức được trang bị tại nhà trường, ông đã nghiên cứu trình Ban giám đốc một phương án trả lương cho công nhân khả thi hơn và được đánh giá cao. 

Cũng nhờ giỏi ngoại ngữ, ông Mười giành được nhiều suất học bổng theo học tại Thụy Điển, Nhật Bản và Mỹ. Nhân đà này, ông hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ. Những kiến thức học được đã giúp ông khá nhiều khi quay trở lại công ty.

Năm 1995, ông Mười được đề xuất vị trí Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư. Sau đó, năm 2004, ông trở thành phó giám đốc và đến năm 2010, trở thành tổng giám đốc của Vissan.

Van Duc Muoi roi Vissan anh 3
Cơ cấu cổ đông của Vissan. Đồ họa: Phương Diệp.

Chia sẻ với báo giới, ông Mười cho biết: “Cuộc đời người lính đã dạy cho tôi biết trân trọng cuộc sống và những gì đang có. Chính vì vậy, trước thách thức, khó khăn, tôi đủ bình tĩnh và  bản lĩnh để nhận định tình hình, tìm cách vượt qua, không bao giờ bỏ cuộc”. 

Sau 37 năm gắn bó với doanh nghiệp, ông Văn Đức Mười là một trong những lãnh đạo chủ chốt, gắn liền với hình ảnh doanh nghiệp trong quá trình phát triển, xây dựng thương hiệu công ty.

Cũng tại đại hội, cổ đông Vissan thông qua kết quả kinh doanh năm 2016 là Vissan có tổng doanh thu 3.684 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế 148,2 tỷ, vượt 19% kế hoạch. Năm 2016, Vissan sẽ không chia cổ tức.

Kế hoạch kinh doanh năm 2017 của công ty cũng được đề ra. Theo đó, tổng doanh thu Vissan đề ra trong năm 2017 sẽ là 4.545 tỷ đồng, tăng 23%, lợi nhuận 156 tỷ đồng, tăng 5% cùng kỳ và tỷ lệ chia cổ tức cho cổ đông là 7%. 

Vissan tiền thân là một doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Thương Mại Sài Gòn (Satra), được thành lập vào ngày 20/11/1970 và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh từ ngày 18/05/1974. Ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị là sản xuất, chế biến và kinh doanh các sản phẩm thị heo, bò, thịt gia cầm tươi sống và đông lạnh.

Ngày 7/3/2016, Vissan tiến hành IPO (đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng).  

Ngày 26/3/2016, CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco) – một đơn vị thành viên của Tập đoàn Masan (MSN), đã trở thành cổ đông chiến lược của Vissan.

Cơ cấu cổ đông của Vissan hiện có Satra nắm 67,76% vốn, Anco sở hữu 24,9% vốn và Tập đoàn CJ CheilJedang (Hàn Quốc) giữ 3,8% vốn của Vissan.


Phương Diệp (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm