Về vấn đề này, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước đã có buổi trao đổi báo chí.
Ông Trương Văn Phước. |
- Nợ công đang được đặc biệt quan tâm khi sắp chạm ngưỡng an toàn 65% GDP. Ông bình luận như thế nào?
- Tôi nghĩ vấn đề nợ công đang bị đẩy lên thái quá. Khuôn khổ pháp luật đã cho phép Chính phủ điều hành nợ công với trần là 65% GDP. Tôi ví dụ, cũng giống như trong gia đình, ta cho phép con tiêu 100.000 đồng trong ngày hôm nay, mà đến 12h trưa nó đã tiêu hết 100.000 đồng. Tại sao chúng ta lại nhắc nhở khiển trách nó, chúng ta không fairplay với đứa con mình.
Còn trong nền tài chính quốc gia, chúng ta đều biết là tất cả các khoản nợ công đó đi qua kênh chuyển tiếp đầu tư công. Kênh đầu tư công đó cùng với đầu tư tư nhân, tiêu dùng, chi tiêu Chính phủ, xuất nhập khẩu ròng,… tạo ra tăng trưởng kinh tế.
GDP tiếp tục tăng trưởng, sang năm dự kiến GDP đạt 208 – 210 tỷ đô la Mỹ, từ mức hơn 180 tỷ đô la Mỹ năm nay. Nhìn vào đó để thấy một phân số, mà mẫu số tiếp tục tăng, tử số tiếp tục được khống chế lại, thì như vậy là thương số đó có phải giảm xuống hay không!
Tôi không cho nợ công là vấn đề gì cả. Chúng ta đừng đưa ra những con "ngáo ộp" quá lớn. Tôi cho rằng nợ công đưa ra những cảnh báo thì cần thiết thôi, nhưng đừng nên nói quá.
- Vấn đề là ở chỗ, cơ cấu chi ngân sách đã trở nên rất xấu, 72% chi thường xuyên, 26% chi trả nợ, tỷ lệ nhỏ còn lại là cho đầu tư. Ông không thấy cơ cấu đó tiềm tàng rủi ro khi vay nhiều nợ à?
- Vấn đề đặt ra là gì? Cơ cấu này đâu phải mới có hôm nay. Các đại biểu Quốc hội ngày hôm nay, bằng cách này hay cách khác đã tham gia vào chuỗi thời gian vài ba chục năm để tạo ra cơ cấu đó. Có ai dám hỏi, sao không dùng hết tiền để đầu tư phát triển đi?
Lương vẫn phải tăng, công ăn việc làm vẫn phải tạo ra, và còn hàng triệu người đã đi qua kháng chiến. Ngay cả câu chuyện tượng đài bà mẹ Quảng Nam nhiều người phê bình. Phê bình sao khi máu người ta đổ ra thế. Cho nên nói những vấn đề này phải đặt trong bối cảnh chính trị, xã hội rất cụ thể.
Cho nên quá trình chi của chúng ta là quá trình chi trong điều kiện lịch sử nhất định với những người thương binh bệnh binh, gia đình có công cách mạng. Có ai dám cắt các chi tiêu thường xuyên đó đi không? ... Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Không có tiền cũng phải chi cho các đối tượng đó”. Đúng như vậy. Đây là sự đánh đổi, là cái giá phải trả. Đây là vấn đề của nền kinh tế của chúng ta, không như nền kinh tế Thụy Sỹ, hay Thái Lan mấy trăm năm không có chiến tranh.
Tất cả các cơ cấu chi về đầu tư, chi thường xuyên, … là một thực trạng qua bao kỳ Quốc hội, kỳ Thủ tướng, Bộ trưởng tài chính, chứ không phải hôm qua hôm nay, năm ngoái với năm nay.
Tuy nhiên, suy cho cùng, cũng giống như một doanh nghiệp, hay một cá nhân, vấn đề không phải vay nhiều, vay ít, mà vấn đề là đồng vốn vay đó được sử dụng hiệu quả như thế nào. Nếu như tất cả các khoản đầu tư công đầu tư hiệu quả tốt, thì chắc chắn nền kinh tế chúng ta đã phát triển ở tầm cao mới rồi…
Khổ nỗi, vì sao tính hiệu quả trong các đồng vốn không cao như chúng ta mong muốn, thì mới đặt ra vấn đề tái cơ cấu.
- Một vấn đề khác, các khoản nợ ngắn hạn cũng đang dày lên, gây sức ép lên việc phát hành trái phiếu vay nợ mới để trả nợ cũ. Ông nhìn vấn đề này như thế nào?
- Cơ cấu vay tiền của chúng ta là tốt, tới 40 - 50% là nợ trong nước. Thị trường tài chính khó khăn, thể hiện qua lãi suất thấp đang là cơ hội tốt để chúng ta điều chỉnh lại các khoản vay thị trường nội địa. Các kỳ hạn trái phiếu trong bối cảnh thị trường tài chính còn khó khăn và mặt bằng lãi suất của toàn thế giới, trong đó có Việt Nam thấp – thì đây là cơ hội tốt để cơ cấu lại các kỳ hạn với những lãi suất thích hợp.
Đây là một tia sáng cho vấn đề chúng ta xử lý bài toán này. Còn đương nhiên chúng ta cũng biết, tiền đã đổ vào nền kinh tế này bấy lâu nay không phải cứ phải một năm bỏ tiền là phát huy tác dụng, giống như chúng ta nói.
Tôi cho rằng đây là vấn đề kỹ thuật mà các cơ quan có thẩm quyền đang thực hiện. Họ tận dụng lãi suất trên thị trường thấp để cơ cấu lại các khoản vay nội địa, dòng tiền quốc gia.
Tôi cho rằng vấn đề nợ công không phải là vấn đề quá lớn. Chúng ta không vỡ nợ đâu.
- Vốn trái phiếu Chính phủ phát hành từ đầu năm đến nay gần 190.000 tỷ đồng. Người ta cho rằng, Nhà nước phát hành nợ lớn như thế là lấy đi nguồn lực tài chính của khu vực tư nhân. Ông nhìn điều này thế nào?
- Không phải, đây là một cái bình thông nhau. Người ta nói rằng Chính phủ phát hành trái phiếu hút hết tiền vào cho nên tư nhân hết tiền, lý luận nghe rất hay nhưng suy nghĩ lại thấy trật và thiếu tôn trọng sự thật…
Cho nên giữa đầu tư công - đầu tư tư nhân, giữa trái phiếu chính phủ - tín dụng ngân hàng là những bình thông nhau. Hôm nay luồng vốn nào gặp khó khăn, thì luống vốn khác đột phá. Trái phiếu Chính phủ tự thân nó không có gì là xấu xa. Việc các tổ chức tín dụng huy động vốn về rồi mà không đưa đầu tư tư nhân được, trong khi đó, lại có kênh đầu tư khác hiệu quả hơn là đầu tư công, thì tại sao Nhà nước không vay tiền này để mở mũi đột phá.
Chúng ta phải nói như thế, chứ không phải hai cái này nó triệt tiêu lẫn nhau. Đây là cơ chế tự động hóa trong việc phân bổ nguồn lực.
- Xin cảm ơn ông!