Ngày 8/12 đánh dấu thời hạn mà các tiểu bang, trừ Wisconsin, hoàn thành chứng thực kết quả phiếu bầu phổ thông, sau đó tiến tới chỉ định đại cử tri để chuẩn bị trực tiếp bầu tổng thống vào ngày 14/12.
Trong khi đội ngũ chuyển giao quyền lực của tổng thống đắc cử Joe Biden đang tích cực làm việc, ông Trump vẫn là chủ nhân chân chính của Nhà Trắng với nhiều thực quyền, cho đến ngày người kế nhiệm chính thức nhậm chức vào đầu năm sau.
“Một cách ngắn gọn, ông ấy (Trump) có thể làm mọi thứ trong quyền hạn hiện tại của mình. Ông ấy vẫn là tổng thống và nắm trọn vẹn quyền lực của Nhà Trắng”, giáo sư Lindsay Cohn tại Đại học Hải chiến Mỹ nói với Vox.
Hơn một tháng kể từ ngày bầu cử, dù ông Trump vẫn chưa chấp nhận thất bại, nhiều tờ báo Mỹ thỉnh thoảng gọi ông là "tổng thống vịt què" (lame duck).
Đây là thuật ngữ ám chỉ một chính trị gia vẫn nắm trong tay thực quyền nhưng đang ở giai đoạn cuối nhiệm kỳ, và gần như chắc chắn sẽ bị thay thế bởi một người kế nhiệm.
Mặc dù từ này có thể được sử dụng cho tất cả quan chức và nghị sĩ sắp mãn nhiệm, báo chí Mỹ có xu hướng gắn liền nó với những tổng thống chuẩn bị rời Nhà Trắng.
Thuật ngữ "vịt què" không chỉ áp dụng cho tổng thống sắp mãn nhiệm. Ảnh: Reuters. |
Khoảng thời gian "hoàng hôn nhiệm kỳ" của một tổng thống được đề cập trong Tu chính án thứ 20, hay còn được gọi là “Tu chính án vịt què” được thông qua năm 1933.
Theo đó, giai đoạn thoái trào của chính quyền đương nhiệm tính từ sau cuộc tổng tuyển cử tháng 11 cho đến khi chính quyền mới tiếp quản đất nước vào tháng 1 năm sau.
Hoàng hôn của triều đại Trump
Không có quy định chính thức về những điều mà một tổng thống ở giai đoạn mãn nhiệm có thể và không thể làm. Do đó, về mặt nguyên tắc, ông Trump vẫn nắm thực quyền tại Nhà Trắng, dù ứng viên đảng Dân chủ gần như đắc cử tổng thống Mỹ thứ 46.
Ông Trump vẫn rất quyền lực với cương vị người đứng đầu nhánh hành pháp và tổng tư lệnh của nước Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Câu hỏi giờ đây xoay quanh những vấn đề quyết sách mà ông Trump không thể tự định đoạt, khi quyền kiểm soát Hạ viện rơi vào tay đảng Dân chủ mà người đứng đầu là Chủ tịch Nancy Pelosi - nữ chính trị gia từng công khai xé bản in Thông điệp Liên bang của tổng thống đương nhiệm hồi tháng 2.
Dẫu vậy, ông Trump vẫn chi phối các cơ quan liên bang, và có thể tác động trực tiếp lên quá trình chuyển giao quyền lực với nhóm của tổng thống đắc cử Biden.
Trì hoãn chuyển giao để làm khó đối thủ
Ông Trump vẫn chưa chấp nhận thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng, trong khi cố gắng trì hoãn khiến quá trình chuyển tiếp không thể sớm bắt đầu và thuận lợi như những chính quyền trước, Vox nhận định.
Hệ quả là nhóm của tổng thống đắc cử gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhiều nguồn lực quan trọng. Đến tuần qua, nhóm của ông Biden nói họ vẫn chưa thể làm việc với các cơ quan tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ.
“Đáng lẽ cuộc chuyển giao nên được thực hiện một cách chuyên nghiệp và công - tư phân minh, bởi đây là chuyện công việc, không phải chuyện cá nhân”, giáo sư Jon Michaels của Viện Đại học California (UCLA) nhận xét.
Ban bố loạt sắc lệnh hành pháp
Ông Trump vẫn nắm trọn quyền hành pháp của tổng thống trong hơn một tháng tại vị còn lại. Thông thường, những tổng thống Mỹ có xu hướng hạn chế ban hành các quyết sách quan trọng khi bước vào giai đoạn mãn nhiệm.
Tuy nhiên, trên cơ sở Tổng thống Trump ban hành tới 192 sắc lệnh hành pháp từ khi nhậm chức, giới quan sát dự đoán người đứng đầu Nhà Trắng sẽ đưa ra hàng loạt quy định trong những ngày cuối nhằm gây khó khăn cho chính quyền mới.
“Ông Trump có thể áp đặt các sắc lệnh mới chống lại những quốc gia Hồi giáo và người nhập cư khi sắp mãn nhiệm. Việc này hẳn sẽ thu hút sự chú ý vì nó đi ngược lại thông lệ của các tổng thống Mỹ trong quá khứ”, giáo sư lịch sử Allan Lichtman tại American Unviersity nói với Vox.
Giáo sư sử học Allan Lichtman thuộc American University. Ảnh: American University. |
Theo giáo sư khoa học chính trị Emily Sydnor tại Đại học Southwestern, một khi không còn hy vọng tái đắc cử và không cần quan tâm đến ý kiến của cử tri nữa, điều duy nhất ngăn ông Trump sử dụng quyền lực là những chuẩn mực hành vi đối với tổng thống.
“Nhưng lịch sử chứng minh rằng các chuẩn mực đó dường như vô nghĩa với chính quyền tổng thống đương nhiệm”, bà Sydnor nói.
Trên thực tế, sau khi nhậm chức, ông Biden có thể hủy bỏ hoặc đảo ngược các chính sách ban hành dưới thời Tổng thống Trump. “Nhưng việc đó không hề đơn giản”, giáo sư Lichtman nhận định.
Tích cực ân xá
Một truyền thống bắt nguồn từ thời Tổng thống lập quốc George Washington cho phép người đứng đầu Nhà Trắng thực hiện quyền ân xá trong giai đoạn trước khi rời nhiệm sở.
Vox dự đoán Tổng thống Trump sẽ tận dụng quyền ân xá trong những ngày cuối tại vị. Nhiều cựu quan chức trong chính quyền của ông vướng vào các rắc rối pháp lý như Paul Manafort hay cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn.
Ông Trump khẳng định có thể tự ân xá cho bản thân. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống đương nhiệm thậm chí có thể tự ân xá bản thân trước khi bị chính quyền Biden truy tố về các cáo buộc vi phạm pháp luật, dù tính hợp pháp của hành động này chưa được đảm bảo.
“Đây là điều chưa có tiền lệ và không rõ ràng về tính chính danh nếu chiếu theo hiến pháp”, giáo sư Lichtman cho biết.
Dẫu vậy, quyền tha bổng của tổng thống chỉ có tác dụng đối với các tội dân sự liên bang. Do đó, ngay cả khi Tổng thống Trump ân xá cho chính mình, ông vẫn phải đối mặt với các bản án hình sự cấp bang.
Tăng cường bổ nhiệm và sa thải
Kể từ khi cuộc bầu cử tổng thống năm nay hạ màn, tình hình nhân sự bên trong Nhà Trắng và một số cơ quan trọng yếu của nước Mỹ chứng kiến nhiều biến động đáng kể.
Chỉ trong vỏn vẹn một tuần giữa tháng 11, một loạt nhân sự an ninh cấp cao của Mỹ bị loại bỏ bởi chính quyền Tổng thống Trump.
Danh sách quan chức bị cho ra đi gồm cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper cùng các trợ lý hàng đầu tại Lầu Năm Góc, hai nhân viên cấp cao thuộc Bộ An ninh Nội địa, nhà khí tượng Michael Kuperberg và người đứng đầu cơ quan bảo vệ an toàn vũ khí hạt nhân.
Cố vấn Johnny McEntee là kiến trúc sư trưởng đứng sau chiến dịch bổ nhiệm và sa thải chóng vánh của chính quyền ông Trump.
Cố vấn Johnny McEntee của Tổng thống Trump. Ảnh: Washington Post. |
Tuy nhiên, McEntee không chỉ đơn thuần sa thải nhân viên chính phủ. Giám đốc nhân sự của Nhà Trắng bổ nhiệm cựu đặc vụ Michael Ellis thuộc đảng Cộng hòa làm cố vấn của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA, thuộc Bộ Quốc phòng) theo ngạch viên chức chuyên nghiệp (career) chứ không phải bổ nhiệm chính trị (political appointee), theo báo Washington Post.
Do đó chính quyền Biden sẽ gặp khó trong việc loại bỏ Ellis trong tương lai.
Một số quan chức cho biết McEntee cũng muốn giúp các đồng minh trong chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump đảm bảo việc làm lâu dài trong chính quyền liên bang.
Giới quan sát nhận định những xáo trộn trong bộ máy chính quyền liên bang vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ của ông Trump sẽ khiến nhóm của ông Biden gặp nhiều khó khăn khi tiếp quản vào tháng 1/2021.
Tổng thống Trump cũng được dự đoán sẽ tiếp tục bổ nhiệm các quan chức tư pháp để duy trì sức ảnh hưởng cá nhân sau khi thoái trào khỏi chính trường.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, xuyên suốt nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump bổ nhiệm gần 200 thẩm phán. Ông cũng lập kỷ lục khi 3 đề cử thẩm phán Tòa án Tối cao đều được thông qua trong nhiệm kỳ của mình.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell, thuộc đảng Cộng hòa, từng khẳng định hồi tháng 10 rằng cơ quan này sẽ tiếp tục phê duyệt quyết định bổ nhiệm quan chức tư pháp của Tổng thống Trump cho đến khi ông rời Nhà Trắng.
Kiếm tiền
Sau khi "bạo chi" cho chiến dịch tái tranh cử, giờ đây Tổng thống Trump được dự đoán sẽ tận dụng khoảng thời gian còn lại để tìm kiếm lợi nhuận về mặt tài chính, Vox nhận định.
Ví dụ, người đứng đầu Nhà Trắng từng yêu cầu các đặc vụ phải lưu trú tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago khi bảo vệ ông, và hóa đơn được chuyển đến Sở Mật vụ để thanh toán. Tổ hợp dịch vụ này vốn thuộc sở hữu của Tập đoàn Trump.
Theo Vox, kể từ khi ông Trump nhậm chức, các doanh nghiệp của gia đình Trump bỏ túi ít nhất 900.000 USD. Đó là chưa kể khoản tiền mà chính phủ các nước ngoài phải chi ra để ở trong khu nghỉ dưỡng thuộc sở hữu Tập đoàn Trump.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng lo ngại Tổng thống Trump có thể sử dụng thông tin mật quốc gia để thu lợi sau khi mãn nhiệm.
Tổng thống Trump có thể sẽ rời Nhà Trắng trong vào tháng 1/2021, nhưng sức ảnh hưởng và những hỗn loạn từ “triều đại” của ông thì không dễ "tắt nắng" nhanh chóng.