Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Trump trở lại tâm điểm chú ý sau đề xuất nhập cư mới của Mỹ

Đề xuất mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về người di cư đã vấp phải những phản ứng dữ dội và được cho là đang gợi lại chính sách thời ông Donald Trump.

chinh sach nhap cu My anh 1

Ông Biden và người tiền nhiệm của mình thường được biết đến với những hình ảnh và quan điểm trái ngược nhau. Chẳng hạn, về vấn đề nhập cư, vào năm 2019, ông Biden - khi đó còn là ứng viên tổng thống - đã thể hiện rõ lập trường đối lập với ông Trump.

Ông cáo buộc ông Trump “đã không ngừng tấn công vào các giá trị và lịch sử của chúng ta, với tư cách là một quốc gia của những người nhập cư”. Ông Biden cũng khẳng định nếu mọi người đến đất nước này "vì họ thực sự đang xin tị nạn, thì họ nên có cơ hội trình bày trường hợp của mình".

Vậy tại sao, Tổng thống Biden hiện lại đặt ra một bộ quy tắc với người di cư rất giống ông Trump, giáo sư Moustafa Bayoumi - thuộc Đại học Thành phố New York - đặt câu hỏi trong bài viết trên Guardian.

Chính quyền Biden hôm 21/2 công bố kế hoạch mới, cấm phần lớn những người di cư đã đi qua các quốc gia khác trên đường đến biên giới Mỹ - Mexico xin tị nạn tại Mỹ.

Gợi nhớ chính sách thời ông Trump

Đề xuất về quy định mới, dài 153 trang, có thể ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người. Đây là quy định khắt khe nhất trong số các chính sách do chính quyền ông Biden đưa ra để cố gắng quản lý biên giới Mỹ - Mexico và gợi nhớ đến thời chính sách thời ông Trump, CNN nhận định.

Phương án này sẽ phải trải qua giai đoạn 30 ngày thu thập ý kiến, trước khi có thể được chính thức thông qua. Ngoài ra, kế hoạch này chỉ là tạm thời và có thể gia hạn sau mỗi 2 năm.

Chính sách này có thể khiến nhiều người không đủ điều kiện xin tị nạn tại biên giới phía nam nước Mỹ trừ khi họ tuân theo một bộ hướng dẫn nghiêm ngặt.

Những người xin tị nạn hiện phải sử dụng một ứng dụng smartphone có tên CBP One nhằm sắp xếp một cuộc hẹn để vào Mỹ tại một cửa khẩu biên giới chính thức.

Bên cạnh đó, những người xin tị nạn phải chứng minh họ đã xin tị nạn ở một quốc gia khác trước khi đến biên giới Mỹ. Đây thường được gọi là "lệnh cấm quá cảnh" hoặc “cấm tị nạn” và giống với một chiến lược từng được chính quyền ông Trump áp dụng.

chinh sach nhap cu My anh 2

Tổng thống Biden đến thăm biên giới Mỹ - Mexico hôm 8/1. Ảnh: New York Times.

Luật pháp Mỹ quy định rõ rằng “một người nước ngoài hiện diện ở Mỹ hoặc tại biên giới đất liền, cảng nhập cảnh đều có thể nộp đơn xin tị nạn, bất kể tình trạng của người đó như thế nào”.

Nói cách khác, họ có thể nộp đơn xin tị nạn ngay cả sau khi nhập cảnh vào Mỹ mà không được phép. Họ không phải đi qua một cảng nhập cảnh được chỉ định và không cần phải chứng minh đã nộp đơn ở nơi khác trước.

Bên cạnh đó, ứng dụng CBP One cũng gặp nhiều vấn đề, theo những người ủng hộ nhập cư. Một số báo cáo chỉ ra rằng phần mềm nhận dạng khuôn mặt của ứng dụng này gặp khó khăn trong việc nhận dạng những người có làn da sẫm màu hơn. Ứng dụng này thậm chí đã từ chối các cặp song sinh giống hệt nhau vì tin rằng họ là cùng một người.

Tổng thống Biden ban đầu cam kết sẽ khôi phục quyền tiếp cận tị nạn vốn bị hạn chế dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, nhiều người ủng hộ và cả một số thành viên đảng Dân chủ chỉ trích việc ông ngày càng đưa ra những phương án “mang phong cách Trump”, theo Reuters.

Vấn đề đau đầu nhất

Bên cạnh đó, ông Bayoumi cho rằng không phải ai cũng có smartphone với kết nối Internet. Và ngay cả khi họ có, số lịch hẹn vẫn khan hiếm, đặc biệt là đối với các gia đình.

“Vấn đề đau đầu nhất là có quá ít cửa khẩu, vì vậy mọi người cố gắng vào ứng dụng mỗi sáng. Nó giống việc cố gắng mua vé xem buổi hòa nhạc của Taylor Swift, chỉ có điều đó không phải là buổi hòa nhạc và bạn đang cố gắng cứu mạng sống của gia đình mình”, một luật sư di trú nói với tờ Washington Post.

Không những vậy, ông Biden đang phải đối mặt với làn sóng phản đối từ chính đảng của mình, liên quan đến mục “cấm quá cảnh” trong đề xuất này.

Các Thượng nghị sĩ Bob Menendez, Cory Booker, Ben Ray Luján và Alex Padilla đã đưa ra một tuyên bố chung chỉ trích lệnh cấm quá cảnh. “Chúng tôi thất vọng tột độ vì chính quyền đã chọn tiếp tục công bố đề xuất về quy định này”, họ viết.

Trong vòng vài phút sau khi công bố, chính quyền Biden đã phải đối mặt phản ứng dữ dội từ những người ủng hộ người nhập cư và đảng viên Dân chủ, theo Politico.

chinh sach nhap cu My anh 3

Một người biểu tình cầm biển phản đối lệnh cấm tị nạn của chính quyền ông Biden hôm 23/2. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, chính quyền ông Biden lập luận rằng những thay đổi này là cần thiết để quản lý số lượng người chưa từng có đến biên giới phía nam hàng ngày.

Số lượng cuộc gặp giữa giới chức Mỹ và những người đi qua biên giới phía nam là hơn 2 triệu vào năm ngoái, tăng mạnh so với những năm trước.

Con số này thậm chí đã tăng khi ông Trump còn đương nhiệm. Ông đã cắt giảm việc tiếp nhận người tị nạn và khiến nhiều người xin tị nạn ở lại Mexico. Khi đại dịch xảy ra, ông viện dẫn sắc lệnh y tế cộng đồng mang tên Tiêu đề 42 (Title 42) để trục xuất hầu hết người đến biên giới.

Tuy nhiên, chính quyền ông Biden cũng từng dựa vào chính sách “ở lại Mexico”, đóng cửa biên giới bằng cách viện dẫn Tiêu đề 42. Trong khi Nhà Trắng chuẩn bị công bố đại dịch kết thúc vào ngày 11/5, Tiêu đề 42 sẽ không còn hiệu lực. Bây giờ, họ lại đề xuất những quy tắc mới.

Chính quyền ông Biden hôm 21/2 đã bác bỏ sự so sánh với chính quyền Trump, nói rằng đó không phải là lệnh cấm tuyệt đối với việc xin tị nạn. Họ nhấn mạnh nỗ lực mở rộng khả năng tiếp cận các con đường hợp pháp đến Mỹ.

Theo ông Bayoumi, là một quốc gia hùng mạnh, nước Mỹ có khả năng sắp xếp các nguồn lực cần thiết để giải quyết chính xác tình hình biên giới hiện nay.

Và nếu làm đúng, nước Mỹ có thể tôn vinh truyền thống tiếp nhận người khó khăn và đồng thời giúp tăng cường sức mạnh quốc gia. Theo vị chuyên gia, đó là lựa chọn tốt hơn so với việc để lệnh cấm quá cảnh trở thành quy định.

Tiết lộ về tổng thống Mỹ

Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.

Ý định đằng sau chuyến 'thị sát' East Palestine của ông Trump

Ông Donald Trump đã công kích cách chính quyền Tổng thống Joe Biden xử lý vụ tàu trật bánh ở East Palestine (Mỹ), dù chính sách môi trường của chính ông cũng từng bị chỉ trích.

Ông Biden ngồi 20 giờ trên 'Rail Force One' khi ở Ukraine

CEO của Ukrainian Railways nói việc đón tiếp Tổng thống Joe Biden là thời điểm quan trọng với Ukraine và hệ thống đường sắt nước này, được coi là vẫn ổn định sau một năm.

Vân Đinh

Bạn có thể quan tâm