Nhiều tờ báo nhấn mạnh ông Trump là người ra lệnh cho quân đội Mỹ thả quả bom phi hạt nhân lớn nhất thế giới GBU-43, được mệnh danh là “mẹ của các loại bom”, xuống vị trí của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở chiến trường Afghanistan. Nhưng thực tế không hẳn là như vậy.
Sau khi lực lượng Mỹ thực hiện vụ không kích, ông Trump tuyên bố: “Ra lệnh cho quân đội là công việc của tôi... Đó là lý do họ hoạt động rất thành công trong thời gian qua”. Nhưng nguồn tin của báo USA Today cho biết ông Trump không có mặt trong cuộc họp của các lãnh đạo quân đội Mỹ về việc sử dụng quả bom GBU-43.
Người phát ngôn Nhà Trắng giải thích Trump đã được thông báo trước đó về khả năng sử dụng thứ vũ khí có sức mạnh hủy diệt này. “Thực tế là tổng thống đã bật đèn xanh rồi”, người phát ngôn này quả quyết.
Tuy nhiên, vấn đề là từ năm ngoái người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Barack Obama đã cho phép quân đội sử dụng bom GBU-43 trong các cuộc đánh bom ở Iraq và Afghanistan.
Thông điệp gửi tới Triều Tiên
Tất nhiên ông Trump vẫn được hưởng tiếng là “hành động mạnh mẽ và quyết đoán”, giống như khi ông ra lệnh cho quân đội trút trận mưa tên lửa xuống một căn cứ quân sự ở Syria. Giới quan sát nhận định các động thái quyết liệt này là thông điệp mà ông Trump muốn gửi tới Triều Tiên trước khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục thử bom hạt nhân.
Những ngày qua, ông Trump liên tục lên tiếng cảnh báo Triều Tiên. “Triều Tiên là một vấn đề sẽ được giải quyết”, ông quả quyết. Tổng thống Mỹ còn gửi tin nhắn trên Twitter: “Triều Tiên đang tự tìm rắc rối.... Nếu Trung Quốc không hỗ trợ giải quyết, chúng tôi sẽ xử lý vấn đề mà không cần đến họ”.
Và NBC News dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng tiết lộ chính quyền Trump sẵn sàng tổ chức một cuộc tấn công phủ đầu Triều Tiên bằng vũ khí thông thường nếu Bình Nhưỡng thực hiện thử vũ khí hạt nhân. Chiến tranh giống như sắp sửa bùng nổ trên bán đảo Triều Tiên, có khả năng bùng phát thành Thế chiến III.
Nhưng như Zing.vn đã phân tích, tấn công Triều Tiên là chuyện không hề đơn giản, có thể dẫn tới những hậu quả cực lớn, bởi các căn cứ quân sự của Mỹ ở Đông Á hay hai nước đồng minh Nhật và Hàn Quốc đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa Triều Tiên.
Và không thể quên một thực tế rằng chính quyền Bình Nhưỡng sở hữu bom hạt nhân, một thứ vũ khí có khả năng ngăn chặn mọi ý định quân sự của đối phương.
Vậy tại sao ông Trump liên tục lên gân? Trong quá khứ, đã từng có vài tổng thống Mỹ dùng hành động quân sự để tung hỏa mù, che đậy các vấn đề trong nước. Năm 1998, Tổng thống Bill Clinton ra lệnh bắn tên lửa hành trình vào một vị trí bị nghi là kho vũ khí hóa học ở Sudan và một trại huấn luyện của Al-Qaeda tại Afghanistan.
Không ít nghị sĩ Mỹ bày tỏ sự nghi ngờ về quyết định của ông Clinton. Ba ngày sau, ông chính thức thừa nhận mối quan hệ “ngoài luồng” với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Quá nhiều vấn đề trong nước
Ông Trump đang có rất nhiều vấn đề trong nước. Đội ngũ nhân sự Nhà Trắng của ông công khai mâu thuẫn, đối đầu nhau. Cố vấn cấp cao Steve Bannon vừa bị loại khỏi Hội đồng An ninh Quốc gia. Các sắc lệnh hạn chế người nhập cư Hồi giáo của ông bị tòa án chặn lại.
Nỗ lực phá bỏ chương trình bảo hiểm y tế Obamacare mà ông Trump và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan ra sức thúc đẩy cũng đã sụp đổ. Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Trump có lẽ cũng đã từ bỏ cam kết cứng rắn về các vấn đề kinh tế với Bắc Kinh.
Không còn là “người dọn đầm lầy Washington” nữa, ông Trump giờ đang hành xử như một tổng thống đảng Cộng hòa thông thường.
Cuộc điều tra về mối quan hệ của ông Trump với phía Nga vẫn đang tiếp diễn. Mối nghi ngờ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ để ông trở thành tổng thống vẫn còn đó.
Tuy nhiên, với hàng loạt hành động và phát biểu đầy bùng nổ những ngày qua của ông Trump, giới truyền thông đã tạm quên những vấn đề trầm trọng này để tập trung toàn lực đưa tin về mặt trận đối ngoại của Mỹ.
Những năm qua, giới phân tích quốc tế từng nhiều lần khẳng định Trung Quốc leo thang căng thẳng trên Biển Đông nhằm "chuyển lửa ra ngoài", đánh lạc hướng dư luận, kéo sự chú ý của người dân nước này ra khỏi những vấn đề nội tại trầm trọng như nạn tham nhũng, ô nhiễm môi trường, nền kinh tế giảm tăng trưởng....
Phải chăng ông Trump đang học tập phương pháp của quốc gia mà ông từng nhiều lần chỉ trích? Dù vì lý do gì thì các hành động của ông Trump cũng có thể dẫn tới những nguy cơ lớn tại Đông Á.
Bởi việc tổng thống Mỹ hành động khinh suất và liều lĩnh trước một Triều Tiên khó lường có thể dẫn tới một cuộc xung đột thật sự tại châu Á, có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.