10 quan chức Mỹ và 3 quan chức Ai Cập được cho là có mặt ở đó. Họ tin rằng tổng thống Mỹ có ý hài hước, nhưng việc ông dùng từ “độc tài” khi nói về lãnh đạo Ai Cập đủ để khiến cả phòng im lặng và kinh ngạc, các nhân chứng kể lại với Wall Street Journal.
Có mặt trong phòng bên phía Ai Cập bao gồm bộ trưởng ngoại giao và lãnh đạo lực lượng tình báo.
Không rõ Tổng thống Sisi có mặt đúng thời điểm đó hay không và có nghe được lời ông Trump hay không. Dù mang tính hài hước, câu nói của ông Trump vẫn gợi lại khía cạnh khó xử trong quan hệ hai nước đồng minh Mỹ - Ai Cập.
“Nhà độc tài ưa thích của tôi đâu rồi?”, ông Trump nói to khi đợi gặp Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sisi (trái) bên lề hội nghị G7 tháng 8 ở Biarritz, Pháp. Ảnh: Reuters. |
Ông Sisi đã bị chỉ trích nhiều về những chính sách độc đoán kể từ khi lên nắm quyền sau cuộc đảo chính năm 2013. Dưới quyền ông, Ai Cập bị cáo buộc đã bắt giam hàng nghìn người bất đồng chính kiến, tra tấn, giết hại nhiều tù nhân, và xách nhiễu các nhóm đối lập, theo các báo cáo của Liên Hợp Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ và các nhóm phi chính phủ.
Ai Cập lại bào chữa là đang chống lại những kẻ cực đoan. Ngoài ra, hiến pháp mới được sửa đổi đầu năm nay cho phép ông Sisi có thể tại vị nhiều nhiệm kỳ.
Câu đùa của ông Trump cũng khiến người ta liên tưởng đến những lần khác ông “cao hứng” khen ngợi lãnh đạo các nước vốn bị cáo buộc là có xu hướng độc tài, bao gồm Tổng thống Nga Vladimir Putin hay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Sau đó vài phút, hai lãnh đạo Mỹ - Ai Cập đã gặp nhau. “Chúng tôi rất hiểu nhau. Ông ấy là người rất mạnh mẽ, tôi phải nói như vậy. Nhưng ông ấy cũng tốt tính, và ông ấy làm được nhiều cho Ai Cập, không dễ chút nào”, ông Trump nói.