Trong nhiều năm, các giám đốc điều hành tại các mạng xã hội luôn cố gắng nhẹ nhàng với Tổng thống Donald Trump.
Họ tìm đủ mọi lý do để giải thích vì sao ông chủ Nhà Trắng vẫn có thể tiếp tục hoạt động trên các nền tảng, dù hết lần này đến lần khác vi phạm chính sách sử dụng như tung tin giả, kích động bạo lực.
Các mạng xã hội chỉ hời hợt tuyên bố họ đang bảo vệ tự do ngôn luận, biện minh cho việc không có hành động nào để ngăn chặn ông Trump, ngoài các nhãn cảnh báo không mấy hiệu quả đính kèm bài viết của ông.
Theo New York Times, các mạng xã hội lo sợ phản ứng từ tổng thống và đồng minh. Tuy nhiên, vụ bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6/1, và có lẽ nhận thức rằng đảng Dân chủ sẽ kiểm soát cả hai viện của quốc hội, khiến họ phải thay đổi.
Các mạng xã hội cuối cùng cũng dùng biện pháp mạnh với Tổng thống Trump. Ảnh: BBC. |
Đồng loạt khóa tài khoản của tổng thống
Sau ngày 6/1, các nền tảng công nghệ lớn đều thực hiện những hành động mạnh mẽ nhất chống lại tổng thống.
CEO Facebook Mark Zuckerberg ngày 7/1 cho biết họ sẽ khóa tài khoản của ông Trump cho đến ít nhất là sau lễ nhậm chức của tân tổng thống vào ngày 20/1. Ông Zuckerberg cũng nói thêm rằng “rủi ro trong việc để tổng thống tiếp tục sử dụng dịch vụ của chúng tôi trong thời gian này là quá lớn”.
Trước đó, Twitter đã gỡ một video phát cảnh ông Trump ca ngợi những người bạo loạn và tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống bị gian lận. Mạng này cũng khóa tài khoản của tổng thống và đe dọa sẽ cấm ông Trump dùng mạng xã hội này vĩnh viễn nếu vi phạm thêm nhiều quy tắc.
Trong khi đó, YouTube gỡ video của ông Trump và ngày 7/1 tuyên bố sẽ xử lý những kênh đăng tải các tuyên bố sai lệch.
Những biện pháp này có lẽ chỉ mới là khởi đầu. Một số nhân viên tại Twitter và Facebook nói với New York Times rằng công ty của họ có thể khóa tài khoản của ông Trump vĩnh viễn. Rất ít người cho rằng lệnh cấm tạm thời đủ để khiến ông Trump không tiếp tục thổi bùng ngọn lửa bạo loạn.
Casey Newton và Ben Thompson, hai cây bút viết về công nghệ có sức ảnh hưởng với giới điều hành mạng xã hội, đều kêu gọi cấm ông Trump trên các nền tảng.
Người ủng hộ ông Trump xông vào Điện Capitol vào ngày 6/1. Ảnh: Reuters. |
Alex Stamos, cựu Giám đốc An ninh mạng của Facebook, nói với New York Times rằng ông từng phản đối việc cấm tổng thống dùng mạng xã hội này vì vấn đề tự do ngôn luận. Tuy nhiên, ông Stamos thay đổi suy nghĩ sau sự cố ngày 6/1. Ông Stamos cũng nói các bài đăng của tổng thống chính là cuộc tấn công vào nền dân chủ.
Cho dù có lấy lại được tài khoản của hay không, rõ ràng tổng thống đã tự làm hại một trong những tài sản quý giá nhất của mình: khả năng khiến các mạng xã hội phải dè chừng ông.
Ảnh hưởng đến khả năng tái tranh cử năm 2024
Trong nhiều năm, tài khoản Facebook và Twitter là một trong những tài sản chính trị lớn nhất của ông Trump.
Tổng thống dùng mạng xã hội để cãi nhau, truyền bá thuyết âm mưu và thông tin sai lệch trong khi hầu như không phải chịu hậu quả. Ông có hơn 100 triệu người theo dõi trên tổng các nền tảng. Bài đăng của tổng thống luôn nhận được nhiều tương tác hơn so với bất kỳ nhân vật của công chúng nào khác.
Tất nhiên, ông Trump vẫn có cách giao tiếp với người ủng hộ mà không cần đến Facebook hay Twitter. Fox News, Newsmax, OANN và người ủng hộ tổng thống luôn sẵn sàng đăng lại thông điệp của ông. Báo chí và những kênh truyền hình luôn chớp lấy mọi điều ông Trump nói sẽ không thể cưỡng lại việc dành cho ông thời gian lên sóng, dù là lúc ông đã mãn nhiệm.
Tổng thống Trump cũng từng bày tỏ ý định xây dựng đế chế truyền hình của riêng mình, nơi ông có thể tự đặt ra luật lệ.
Một trong những giải pháp ngắn hạn rõ ràng nhất của ông Trump sau khi bị Facebook và Twitter cấm là “các nền tảng thay thế”, như Parler và Gab. Đây là những mạng xã hội phổ biến với người theo phe bảo thủ.
Ông Trump phát biểu trong video đăng tải trên Twitter ngày 7/1, lần đầu tiên lên tiếng sau khi bị mạng xã hội này khóa tài khoản trong gần 24 giờ. Ảnh: Twitter. |
Tối 6/1, Andrew Torba, CEO của Gab, cho biết ông đang “trao đổi với đội ngũ của ông Trump” về việc tạo tài khoản cho tổng thống.
Tuy nhiên, đây chỉ là những nền tảng nhỏ, phổ biến với một nhóm người dùng nhất định. Những nền tảng này sẽ không thể thỏa mãn nhu cầu có được nhiều người theo dõi của ông Trump.
Ngay cả khi tổng thống xây dựng mạng xã hội của riêng mình, không gì có thể sánh với khả năng Twitter và Facebook mang lại. Ông Trump có hàng chục triệu ánh mắt theo dõi các bài đăng và tổng thống cũng có thể lập tức truyền thông điệp đến mọi hãng thông tấn trên thế giới.
David Kaye, giáo sư luật và cựu báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do ngôn luận, ngày 7/1 nói Facebook đã đúng khi khóa tài khoản của ông Trump cho đến ngày 20/1. Ông Kaye nói thêm rằng ngay cả khi tổng thống dùng nền tảng khác, phát ngôn của ông không có nhiều tác động.
“Ai quan tâm đến việc ông ấy dùng Parler chứ?”, ông Kaye bày tỏ.
Ông Kaye chỉ ra rằng các nhân vật có sức ảnh hưởng khác, như nhà lý thuyết âm mưu Alex Jones của Infowars và nhà bình luận cực hữu Milo Yiannopoulos, đã phải chật vật trong việc giữ người theo dõi sau khi mất tài khoản mạng xã hội.
Và nếu không có quyền lực tổng thống, ông Trump chỉ là một nhà bình luận đang cố giành sự chú ý trong cộng đồng truyền thông cánh hữu đông đúc, ông Kaye nhận định.
Việc mất tài khoản Twitter và Facebook vĩnh viễn thậm chí có thể giảm khả năng tái tranh cử tổng thống của ông Trump vào năm 2024. Ông sẽ phải cạnh tranh với những đảng viên Cộng hòa có đầy đủ tài khoản, những người có lợi thế trong việc đưa thông điệp của mình đến nhiều nhóm cử tri hơn.
Nói cách khác, việc bị Facebook và Twitter cấm có thể khiến ông Trump không còn sức ảnh hưởng sau khi kết thúc nhiệm kỳ và gây thiệt hại đáng kể cho tương lai của ông trên chính trường.